Ông 'Tổng' đi học

Tân TTK VFF Ngô Lê Bằng đang nhận được rất nhiều kỳ vọng bởi sự tận tình và trách nhiệm khi còn đảm nhiệm vai trò trợ lí ngôn ngữ cho các HLV ngoại trước đây
Tân TTK VFF Ngô Lê Bằng đang nhận được rất nhiều kỳ vọng bởi sự tận tình và trách nhiệm khi còn đảm nhiệm vai trò trợ lí ngôn ngữ cho các HLV ngoại trước đây
Đọc cái mẩu tin đăng trên website VFF về việc tân Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng đi dự một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các TTK mới được bổ nhiệm do AFC tổ chức, thật thú vị và đáng suy ngẫm.

> Tân TTK VFF Ngô Lê Bằng: “Với truyền thông, quan điểm của tôi là cởi mở”

Trong 2 ngày, 6 và 7-3, ông Bằng cùng với các tân TTK đến từ các LĐBĐ Hong Kong, Jordan, Philippines, Kuwait, Tajikistan, UAE và Syria đã phải lăn vào mà học.

Đấy là chuyện khá lạ bởi lâu nay, chúng ta thấy cảnh các ông TTK các LĐBĐ xuất ngoại thường là họp hành. Nguyên TTK Trần Quốc Tuấn còn được đặt biệt danh là “vua họp”. Những cuộc họp bất tận khiến nhiều người tự hỏi không biết ông dành thời gian nào để lo “việc nhà” cho ngon lành?

Còn nhớ, khi ông Tuấn còn làm trưởng giải, mỗi khi có việc gì thì mọi người lại fax quyết định qua tận Malaysia hay Nhật Bản để ông ký rồi lại chuyển về.

Lâu nay, ghế TTK do Chủ tịch VFF bổ nhiệm, thường thì người của Tổng cục TDTT điều sang. Đa số đều là người không xuất thân từ bóng đá, chỉ ổn lý thuyết còn thực tiễn và trình độ chuyên môn bóng đá vẫn còn hạn chế.

Chỉ một lần duy nhất ghế TTK thực sự do một người là chuyên gia bóng đá thực thụ: ông Lê Thế Thọ-TTK nhiệm kỳ 1 (1989-1993).

Ông Ngô Lê Bằng là người thứ 2 có lý lịch ổn, từ cầu thủ, giải nghệ đi học rồi kinh qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng đều gắn với thực tiễn của đời sống bóng đá…

Do đó, chẳng lạ khi các đời TTK gần đây đều chỉ trội ở mảng đối ngoại. TTK đã và sẽ được bầu nắm giữ rất nhiều chức vụ của AFF và AFC.

Thực ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, có những cái chức được bầu chủ yếu do đến phiên mình, chứ không phải quan hệ hay có uy tín quá lớn để AFF và AFC chọn mặt gửi vàng.

Trong thời buổi hội nhập, năng lực đối ngoại cực kỳ quan trọng, không riêng gì lĩnh vực bóng đá. Tuy thế, nếu “việc nhà” anh hạn chế thì thậm nguy. TTK các LĐBĐ là người được giao điều hành tất cả các hoạt động của nền bóng đá.

Chúng ta không khó cảm nhận, trong 2 nhiệm kỳ qua nguyên TTK Trần Quốc Tuấn để lại dấu ấn mờ nhạt, mà sự đi xuống của các ĐTQG đến 2 giải đấu đỉnh cao luôn trong tình trạng khó kiểm soát là điển hình.

Rõ ràng, để tìm ra một ông TTK toàn năng, giỏi cả đối ngoại lẫn có năng lực điều hành các hoạt động của nền bóng đá vẫn là một mơ ước với bóng đá VN.

Nhiều khi là cơ duyên, nhưng thực sự còn phụ thuộc vào nỗ lực vươn lên của mỗi ông TTK, phải có trách nhiệm cùng lòng tự trọng mãnh liệt.

Có nghĩa, ngoài được FIFA, AFC, AFF thi thoảng mở các lớp đào tạo, họ phải tự đào tạo bản thân để có thể đá tốt cả “2 chân”.

Nhìn xuống cấp độ CLB, vai trò các ông GĐĐH cực kỳ quan trọng, chẳng khác gì TTK của một nền bóng đá.

Thế nhưng, để tìm ra những ông GĐĐH giỏi, thực sự được dân bóng đá ghi nhận, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vai trò, tầm ảnh hưởng của các vị GĐĐH CLB hiện nay không rõ ràng, thậm chí bị mờ nhạt, lấn lướt.

“Chắc chắn tôi sẽ không ngủ nhiều đêm, nhưng sức ép cũng là thách thức để tôi phải hoàn thành nhiệm vụ giống như khi còn là HLV”, tân TTK Ngô Lê Bằng, người hưởng lượng 25 triệu/tháng, nói vậy.

Ghế TTK là ghế nóng, vô cùng sát chủ và thường có cái hậu chao chát, nhưng nếu thực sự có tài năng thì sợ gì.

Hôm nay, ông “Tổng” trở về sau chuyến cắp cặp đi học, chứ không phải bài ca họp hành. Hy vọng, ông Ngô Lê Bằng sẽ là vị TTK toàn năng và không đi theo lối mòn.

Làm TTK VFF có khó không?

Theo Điều 58 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của VFF thì nhiệm vụ, quyền hạn của TTK VFF như sau:

1. Tổng Thư ký là Trưởng điều hành của Ban Tổng Thư ký. Tổng Thư ký được Ban Chấp hành phê chuẩn để Chủ tịch bổ nhiệm theo quy định của Điều lệ và phải có phẩm chất nghề nghiệp cần thiết.

2. Tổng Thư ký có quyền hạn và trách nhiệm:

a) Tham dự Đại hội và các cuộc họp của BCH, Thường trực Ban Chấp hành, các ban chức năng và Ban Lâm thời;

b) Chịu trách nhiệm chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội, các cuộc họp Ban Chấp hành và các ban khác;

c) Tổ chức ghi các biên bản của Đại hội, các Hội nghị BCH, Thường trực BCH, các ban chức năng và Ban Lâm thời;

d) Được ủy quyền thứ nhất của chủ tài khoản VFF; đ) Là người phát ngôn chính thức của VFF;

e) Chuẩn bị và thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Đại hội, BCH, Thường trực BCH về các mặt công tác của VFF;

g) Đảm bảo mối quan hệ với FIFA, AFC, AFF, các LĐBĐ QG và các tổ chức thể thao khác dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch;

h) Giới thiệu, đề xuất nhân sự chủ chốt của Ban Tổng Thư ký và các phòng chức năng của VFF để Thường trực BCH quyết định. Tổng Thư ký chịu trách nhiệm bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên trong Ban Tổng Thư ký sau khi trao đổi thống nhất với Chủ tịch.

3. Tổng Thư ký không phải là đại biểu Đại hội hoặc là Uỷ viên của bất cứ ban nào của VFF.

TheoThể Thao Văn Hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG