Ông tôi, 90 tuổi vẫn đọc Tiền Phong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các thế hệ làm báo ở văn phòng Ban đại diện miền Trung của báo Tiền Phong tại Đà Nẵng từ mấy chục năm nay hẳn không còn lạ lẫm với một ông lão vóc người nhỏ nhắn mái tóc bạc trắng, từ sáng sớm đã đạp chiếc xe cà tàng tới lấy báo biếu, chẳng quản ngày mưa gió. Giờ đây ông đã ở tuổi 90 nhưng thói quen ấy vẫn duy trì.

Người đó là ông tôi - Trương Lai, sinh năm 1933, quê gốc ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, hiện sinh sống tại thành phố Đà Nẵng. Khi mới 19 tuổi, theo tiếng gọi của Đảng, ông tham gia phong trào cách mạng chống Mỹ cứu nước trong màu áo lực lượng Thanh niên xung phong.

Ông tôi, 90 tuổi vẫn đọc Tiền Phong ảnh 1

Tờ báo Tiền Phong luôn trên bàn của ông Lai, là món ăn không thể thiếu với ông mỗi buổi sớm. Ảnh: Trương Định

Một đời hoạt động cách mạng 40 năm, ông đã gắn liền với Thanh niên xung phong và ngành giao thông vận tải, nhiều nhất là ngành đường sắt. Dù ở cương vị, hoàn cảnh nào ông cũng luôn là người không ngại khó khăn gian khổ, mẫu mực, đi đầu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ông vinh dự được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều bằng khen khác trong quá trình hoạt động công tác.

Tháng 10/1991, sau 40 năm cống hiến, ông về nghỉ hưu, vui hạnh phúc tuổi già cùng vợ, con và người thân. Nhưng với bầu nhiệt huyết gắn bó với Thanh niên xung phong, ông đã không cho mình nghỉ ngơi ngày nào. Ông tham gia và trở thành hội viên tích cực của Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng và có hơn 10 năm đóng vai trò Hội phó.

Ông tôi, 90 tuổi vẫn đọc Tiền Phong ảnh 2

Báo Tiền Phong đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày của ông Trương Lai. Ảnh: Trần Tuấn

Bà tôi, Nguyễn Thị Tâm - vợ ông, chia sẻ ông là bạn đọc trung thành nhất với báo Tiền Phong, tờ báo với ông đã trở thành một “món ăn sáng” không thể thiếu mỗi ngày. Ông đọc rất kỹ từng mục, từng trang và rồi cũng cẩn thận ghi chép những thông tin ông quan tâm.

Ông Trương Kim Hùng, nhân viên bảo vệ văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng cũng chia sẻ, hiếm có người nào như thế, bất kể dù trời nắng hay mưa từ sáng sớm đã thấy ông Lai đạp xe tới lấy báo.

Ông thường nhận 2 tờ, một tờ mang về văn phòng Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố, và một tờ cho mình. Từ năm 2001 khi về làm ở văn phòng ông Hùng đã bắt gặp hình ảnh này. Những hôm nào ông mệt, thì bà Tâm vợ ông lại đến nhận báo thay.

Ông tôi, 90 tuổi vẫn đọc Tiền Phong ảnh 3

Nhớ hồi năm 2018, trong một dịp ra Đà Nẵng tôi ghé nhà thăm ông, năm ấy cũng là giai đoạn tôi vừa trở thành cộng tác viên thường xuyên của báo Tiền Phong đứng chân tại Bình Định.

Hồi lâu nói chuyện, ông lục tìm trong xấp báo Tiền Phong được xếp gọn vào một góc bàn.

Ông nói: “Thấy có cái bài viết ở Bình Định để bút danh Trương Định nhưng không biết có phải của con?”.

Tôi dạ vâng, và xúc động nghe ông kể bao điều về mảnh đất nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần con người ông.

Quá nửa cuộc đời xa quê, nhưng ông vẫn nhớ từng ngóc ngách, con người nơi đây. Mới đây, ông không giấu được niềm vui khi tôi trở thành phóng viên chính thức của Tiền Phong.

Thời gian gần đây, do tuổi cao sức yếu ông tôi không còn đạp xe tới văn phòng Tiền Phong để lấy báo. Thay vào đó là vợ và con gái của ông, mỗi sáng đều thay nhau ghé nhận báo, món ăn tinh thần mà đến tuổi 90 ông tôi vẫn không thể thiếu vào mỗi buổi sáng.

Cũng nhớ có lần ngồi trò chuyện với ông, tôi hỏi sao ông đã lớn tuổi thế mà vẫn thích đọc báo Tiền Phong, ông bảo “quen rồi”! Rồi ông tâm sự chính chất trẻ, vừa quyết liệt vừa nhân văn của Tiền Phong khiến ông như được tiếp thêm năng lượng mỗi ngày để không “già” đi như bao người khác. Trong ánh mắt ông, tôi thấy sáng rực một tinh thần “giới trẻ” như của chính tờ báo Tiền Phong. Có lẽ, những ký ức về một thời trai trẻ sôi nổi của ông lại hiện về…

MỚI - NÓNG