“Đầu năm 2003, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình đến thị sát chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ và Công ty Ngọc trai Ruan’s Chiết Giang. Thấy bà con chủ yếu bán ngọc trai theo cân với giá rất thấp, ông chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phân loại, đánh bóng ngọc trai, rồi thiết kế, tạo mẫu, chế tác trang sức ngọc trai bán theo viên thêm nhiều giá trị gia tăng”. Ông Ding Qijie, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, cho biết như vậy ngày 24/11 khi dẫn chúng tôi tham quan thị trấn Sơn Hạ Hồ, thành phố Chư Kỵ trực thuộc Thiệu Hưng, nơi được mệnh danh là thủ đô ngọc trai của Trung Quốc.
Trên tường phòng trưng bày của chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ treo các bức ảnh có chủ đề “Sự quan tâm của lãnh đạo” và ở vị trí trang trọng nhất là ảnh chụp Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình thị sát chợ ngọc trai vào tháng 2/2003. (Ảnh: Linh Nhi) |
Sản lượng ngọc trai nước ngọt ở Sơn Hạ Hồ chiếm khoảng 80% tổng sản lượng ngọc trai của nước này. Chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ (còn có tên tiếng Anh là Chợ trang sức quốc tế Hoa Đông) là trung tâm giao dịch ngọc trai lớn nhất Trung Quốc. “Theo con số thống kê chính thức, năm 2022, doanh thu ngọc trai của địa phương chúng tôi là hơn 40 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD). Con số thực tế còn cao hơn, có thể lên đến 50 tỷ Nhân Dân Tệ. Ngọc trai Chư Kỵ được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…”, ông Ding nói.
Theo ông Ding, nhờ có tầm nhìn xa trông rộng, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, trong đó có Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình, kinh tế Chư Kỵ cũng như Thiệu Hưng phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. “Năm ngoái, thu nhập bình quân theo đầu người của Chư Kỵ là 140.000 nhân dân tệ (khoảng 20.000 USD), cao hơn nhiều so với trung bình chung của cả nước”, ông Ding cho biết. Theo Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, năm 2022, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của nước này đạt 36.883 nhân dân tệ (5.487 USD).
Nói rồi, ông Ding dẫn chúng tôi đi một vòng trong chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ long lanh, lấp lánh các loại ngọc trai nhiều màu sắc cùng một số loại đá quý, kim loại quý. Tại gian hàng của Công ty Ngọc trai Ruan’s Chiết Giang, người quản lý giới thiệu với chúng tôi viên ngọc trai có giá niêm yết 1,28 triệu nhân dân tệ (hơn 4,2 tỷ đồng). Do mỗi con trai, con hàu nước ngọt có thể cấy nhiều nhân để sinh ra khoảng 20 viên ngọc (so với một vài viên ở trai nước mặn) nên giá thành rẻ hơn. Nhiều du khách nước ngoài hào hứng bỏ ra số tiền tương đương vài trăm nghìn đồng mua một viên ngọc trai đường kính 0,7-1cm. Tuy nhiên, trang sức ngọc trai, nhất là ngọc trai đen, vàng, tím than bày bán ở chợ có giá bán cao hơn cả chục, thậm chí cả trăm, cả nghìn lần.
Khi đi qua một cửa hàng có tên “Trang sức Chen Chen”, ông Ding nói rằng shop này bán buôn ngọc trai, thu hút nhiều thương nhân trong và ngoài Trung Quốc, trong đó có không ít người Việt Nam. Theo lời cô phiên dịch đến từ Sở Ngoại vụ thành phố Thiệu Hưng, ngọc trai nước mặn nuôi ở Pháp, Nhật Bản, Việt Nam như ở Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh… rất đẹp, có lớp xà cừ dày óng ánh, bền màu nhưng giá thành khá cao nên ngọc trai nước ngọt vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Quản lý tốt bán hàng qua livestream
Ông Ding nói rằng, chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ hiện có tới 7.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng được tổ chức quy củ, với nhiều shop bán hàng trực tiếp, với khu vực bán hàng qua livestream (phát video qua Internet theo thời gian thực), hàng hóa bán online được kiểm tra chất lượng, người livestream (livestreamer) bán ngọc trai được cấp chứng chỉ hành nghề. Tháng 3, Trung tâm Kiểm nghiệm đá quý quốc gia của Trung Quốc trao chứng chỉ cho nhóm livestreamer đầu tiên, gồm 54 người đến từ Chư Kỵ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng qua mạng xã hội Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc), qua nền tảng thương mại điện tử Taobao Live, và phòng chống gian lận thương mại.
Viên ngọc trai nước ngọt “khủng” có giá hơn 4,2 tỷ đồng ở chợ ngọc trai Chư Kỵ Sơn Hạ Hồ, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Linh Nhi) |
Ông Yu Lingjun, Bí thư Đảng ủy Sơn Hạ Hồ, cho biết: “Nhờ thương mại điện tử, nhờ phát trực tiếp (livestream), ngọc trai của chúng tôi đã trở nên phổ biến hơn trên toàn quốc cũng như ở nước ngoài. Chúng tôi tin rằng việc tiêu chuẩn hóa livestream ngọc trai sẽ thu hút thêm người hoạt động trong ngành nuôi cấy ngọc trai, chế tác trang sức, bán hàng, giúp ngành phát triển bền vững”. Thị trấn hiện có gần 30.000 người tham gia ngành này, trong đó khoảng 1/10 là livestreamer.
Phát triển kinh tế, quản trị xã hội cấp cộng đồng
Ngày 24/11, chúng tôi tới tham quan Nhà trưng bày Kinh nghiệm Phong Kiều ở thị trấn Phong Kiều, thành phố Chư Kỵ. Theo lời giới thiệu của cán bộ Nhà trưng bày, thập niên 60, Phong Kiều đã xây dựng và phát triển một phương cách xử lý vấn đề được gọi là “dựa trên cơ sở quần chúng để xử lý vấn đề ngay lập tức”, sau gọi là mô hình, kinh nghiệm Phong Kiều và được lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích nhân rộng.
Năm 2004, ông Tập Cận Bình tuyên bố, kinh nghiệm Phong Kiều là kinh nghiệm lấy dân làm gốc hóa giải mâu thuẫn, nhân tố tiêu cực từ sớm, giải quyết vấn đề từ cơ sở, nhân rộng nhân tố tích cực, thiết thực giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Năm 2019, Lãnh đạo Trung Quốc xác định, phải kiên trì và phát triển kinh nghiệm Phong Kiều trong kỷ nguyên mới. Từ ngày 20-21/9/2023, ông Tập thị sát Chiết Giang, chỉ đạo tỉnh tập trung xây dựng khu vực thể hiện sự thịnh vượng chung. Sáng 20/9, ông thăm Chợ thương mại quốc tế Nghĩa Ô (khu chợ lớn nhất thế giới với diện tích 5,5 triệu mét vuông, hơn 75.000 gian hàng) ở thành phố Kim Hoa. Chiều cùng ngày, ông thăm thị trấn Phong Kiều, nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm Phong Kiều - thúc đẩy quản trị xã hội cấp cộng đồng trong thời đại mới, kịp thời giải quyết thỏa đáng các tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở.