Ông Sang Palm - Cho & Chơi

TP - “Của cho không bằng cách cho” và nói trại một chút “Của chơi không bằng cách chơi”, cả hai đều đúng với ông Sang Vườn Cọ. Cách cho - giữa đại hồng thủy năm 1999 “lén” thuê thuyền vượt đỉnh lũ trao từng gói mỳ, chai nước tận tay từng người dân Quảng Nam đang chới với trên nóc nhà. Cách chơi - suốt 20 năm làm giàu có thêm di sản cổ Hội An bằng những loại di sản cổ khác “biết chạy” là xe cổ, “biết hát” là nhạc cụ cổ 54 dân tộc… 

Cho

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, từ Sài Gòn, ông chủ doanh nghiệp dệt Phước Thịnh Nguyễn Thành Sang thường lang thang về quê hương Duy Xuyên, Điện Bàn - Quảng Nam chơi. Chỉ đi chơi và làm từ thiện thôi, chưa suy tính làm ăn gì. Quê hương thời ấy còn nghèo khổ lắm, biết đầu tư thứ gì?

Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 1 Trưởng BTC Nguyễn Thành Sang đi lại làm việc bằng xe Bycycle cổ trong các ngày diễn ra lễ hội xe cổ năm 2007 ảnh: TL
Thế rồi cuối năm 1999, xảy ra trận lụt thế kỷ ở miền Trung, nguy cấp nhất là ở Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Đến tận bây giờ nhắc lại cụm từ “lụt miền Trung tháng 11/1999”, hẳn ai nấy còn lạnh toát. Nước trong lòng phố cổ Hội An sâu lút đầu người. Không khí căng thẳng như có chiến tranh. Giữa trưa, cánh nhà báo chúng tôi đang ngoi ngóp giữa lũ đục ngầu, chợt có ai đó kêu lên “có thuyền đi Gò Nổi, Duy Xuyên, báo chí ai đi không?”. Nhìn ra thấy hai chiếc thuyền máy chất gần đầy những bao những thùng to nhỏ. Thoáng chần chừ, e ngại nhìn dòng lũ cuồn cuộn muốn kéo đứt phăng sợi dây neo, trời lại đang mưa lớn.

Nhưng rồi không ai bảo ai, chúng tôi ào lên thuyền. Làm báo còn gì hơn là được ra hiện trường giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất!

Đếm lại, thấy cả thảy 17 nhà báo khắp từ bắc trung nam, cả nam lẫn nữ. Ai nấy áo mưa sù sụ. Chạy được một đỗi khá xa lũ chúng tôi mới nhận ra đây không phải thuyền của hội đoàn, chính quyền nào chở phóng viên đi tác nghiệp, mà là của một doanh nghiệp “liều mạng” phá vây đỉnh lũ để cứu trợ cho dân đói khát đã mấy ngày qua. Chủ chuyến hàng là người đàn ông trạc 50 tuổi dáng gầy mảnh có bộ ria khá “chảnh”, lúc này mới đứng lên tự giới thiệu tên là Sang, quê gốc Điện Bàn, làm doanh nghiệp dệt ở Sài Gòn...

Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 2 Xe cổ về Hội An 2019 Ảnh: BTC
Cuộc cứu trợ ly kỳ chưa từng thấy này giờ vẫn nguyên cảm xúc. Cảnh đồng bào lập cập mưa rét đứng chơi vơi trên những nóc nhà tranh tre chực như bị dòng lũ lôi tuột đi lúc nào không biết. Nước mưa hòa nước mắt. Cảm giác bóng tối kín bưng bao phủ đường về trên đỉnh lũ, có lúc chỉ kịp hô nhau nằm rạp xuống lòng thuyền khi phát hiện cây cầu Câu Lâu ngay trước mặt. Mặt dưới của cây cầu cọ sượt qua lưng nóng rát. Rồi lúc hai chiếc thuyền bị sóng lũ quần xoay tròn ngay mố cầu tưởng chừng không thoát ra nổi. Cả đoàn có được vài cái điện thoại di dộng cục gạch cũng rớt hết vào nước, quẹt gas cũng tiêu tùng. Trong bóng tối chỉ còn biết ngó về ngọn hải đăng xa mờ phía Hội An để lần mò tìm về...
Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 3 Ông Nguyễn Thành Sang khai mạc chương trình
Suốt cả hành trình gian nguy ấy, không ngờ người điềm tĩnh đến lạnh lùng nhất, chính là ông Sang. Chẳng hề có chút dáng dấp “người giàu” phố thị, sau lưng có nhiều thứ để mất nhất so với đám chúng tôi nếu lâm sự bất trắc. Những lúc cánh trẻ ai nấy nín phắc vì… sợ, thì ông kể chuyện tiếu lâm, cười nói pha trò cứ như không.
Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 4 Trình diễn nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên bên chùa Cầu Hội An 2019 Ảnh: Công Bính
Đêm ấy về đến Hội An chưa hết lập cập, thì sang hôm sau ông Sang đã lại sắm thêm hai thuyền đầy hàng tiếp tục vượt lũ cứu trợ… Rồi liên tục cả tháng sau đó bỏ công việc làm ăn ở Sài Gòn, vợ chồng ông cùng những chuyến hàng cứu trợ giữa bê bết bùn lầy đi khắp nơi từ Quảng tới Huế…
Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 5 Ông Sang và chiếc xe đấu giá 140 triệu đồng làm từ thiện năm 2007 
 ảnh: BTC
Không đếm hết những cuộc cứu trợ của ông cùng những người bạn. Riêng Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng” gồm các doanh nhân đồng hương tại TP HCM ra đời cuối năm 2004 trong đó ông Nguyễn Thành Sang là hạt nhân khởi xướng. Suốt 15 năm qua, đã có hơn 1.700 tân sinh viên miền Trung có hoàn cảnh ngặt nghèo được CLB hỗ trợ đến giảng đường với số tiền gần 10 tỷ đồng…  Chơi

Tháng ngày rong ruổi về quê, ông Sang chợt nhận ra sức hút ngày một lớn của Hội An. Khi chỉ tròn 1 tháng sau trận lụt 1999 kinh hoàng, bùn lầy còn chưa dọn xong, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới - danh hiệu cao quý thứ hai của Việt Nam sau cố đô Huế.

Ông Sang Palm - Cho & Chơi ảnh 6 Hai Hoa hậu thế giới Maria Julia Mantilla Garcia và Ksenia Sukhinova tại lễ hội xe cổ Hội An 2009  ảnh: H.A
Thế rồi ông cùng hai người bạn doanh nhân khác hùn vốn dựng lên Palm Garden Resort bên bờ Cửa Đại, đến 2005 đi vào hoạt động. Làm mà như chơi. Bây giờ Hội An không đếm hết những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhưng từ buổi đầu khai phá ấy cho đến nay, Vườn Cọ vẫn “riêng một cõi”, ấn tượng với lối kiến trúc kết hợp nhuần nhuyễn mây tre, nứa lá, lụa tơ tằm, gỗ, đá cho đến cả đất sét…Vườn Cọ là địa chỉ nghỉ dưỡng đầu tiên của Quảng Nam được gắn 5 sao từ tháng 6/2006. Cũng không phải ngẫu nhiên nơi đây liên tục được chọn là điểm tổ chức những sự kiện lớn, từ APEC  2006 đến APEC 2107, các cuộc Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, … Nhưng cách “chơi” không giống ai của ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Sang mới là đáng kể. Từng “can dự” vào nhiều cuộc chơi mà ông bày ra, tôi có cảm giác ông sống trên đời này chỉ để… chơi là chính!

“Dù là di sản cổ, nhưng phải luôn tạo ra những cảm xúc mới. Nhạc cụ của các dân tộc anh em phải về với phố cổ, nếu không di sản sẽ cô đơn. Câu chuyện quá cảm xúc của hôm nay với tôi, là di sản đã biết nói. Và đến giờ tôi cảm thấy hạnh phúc với những cảm xúc mà mình góp phần đem lại. Bởi từ hơn 20 năm nay tôi và các bạn bè doanh nhân đã được hưởng lợi từ di sản Hội An, Mỹ Sơn quá nhiều rồi, nên luôn phải tìm cách trả ơn. Tôi nghĩ không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà ngay cả những người bán chè, cà phê, bán bánh mỳ,…cũng phải biết ơn di sản để có những ứng xử văn hóa trong kinh doanh…”. 
ông Nguyễn Thanh Sang 

Như chuyện ông cùng ông Nguyễn Sự và những người bạn đưa nhạc bolero ra Cù Lao Chàm. Từ những ca sĩ hàng đầu ở Sài Gòn, tới các giọng ca doanh nhân, nhà báo, bác sĩ, kiến trúc sư, luật sư,… Để dần hình thành sản phẩm du lịch mới mang tên “Đêm Cù lao”. 

Nhưng cuộc chơi đáng nể nhất với ông Sang Palm là xe cổ trong phố cổ, dù trong tay ông chẳng sở hữu chiếc nào!

Tháng 6/2007, dịp lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” chủ đề “Hội ngộ di sản văn hoá Đông Dương”, ông Sang Palm bỏ tiền tài trợ bày cuộc chơi xe cổ với gần 200 chiếc, rong ruổi từ phố cổ tới đền tháp Mỹ Sơn. Lần đầu tiên phố cổ được chứng kiến cuộc chơi xe cổ kỳ thú đến thế. Hơn 70 triệu đồng Ban tổ chức quyên góp được trao cho Quỹ người nghèo và Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh.

Hai năm sau, xe cổ ba miền lại hội ngộ tại “Hành trình Di sản Quảng Nam” tháng 6/2009 với gần 300 chiếc xe với đầy đủ các chủng loại, Volkswagen, BMW, Vespa, Mobylette… Đặc biệt hành trình có sự tham gia của Hoa hậu thế giới 2008 Ksenia Sukhinova, Hoa hậu thế giới 2004 Maria Julia Mantilla Garcia và Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy. Năm ấy, ông Trưởng ban tổ chức Nguyễn Thành Sang đi lại điều hành bằng xe đạp cổ.

Chương trình khép lại bằng một cuộc đấu giá đặc biệt với chiếc Vespa mini 50cc màu xanh ngọc từng được các ca sĩ Trần Thu Hà, Phương Thanh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Tuấn Khanh, … sở hữu và sử dụng. Doanh nhân Lan Hạnh, giám đốc Công ty thời trang Lan Hạnh (TPHCM) đấu giá thành công với mức 70 triệu đồng, nhưng bà đã trả gấp đôi số tiền, để số tiền 140 triệu đồng được trao cho Quỹ khuyến học Hội An, tiếp sức cho những con em nghèo hiếu học.

Đầu tháng 9/2019 mới đây, cuộc chơi trở nên bề thế hơn với cùng lúc hai hoạt động kết hợp hành trình xe cổ với biểu diễn đường phố các nhạc cụ của 54 dân tộc, chào mừng 20 năm Hội An-Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm được thế giới vinh danh. Với 140 xe cổ (80 ô tô, 60 xe gắn máy), trong đó có những dòng ô tô kinh điển như Ford Mustang, Volkswagen Beetle/Kombi, Triumph Mk3 Spitfire, Ford Oakland 1972,… Lần này đoàn diễu hành các trục đường bên ngoài về đền tháp Mỹ Sơn mà không vào phố cổ, giữ cho phố cổ không tiếng ồn.

Đạo diễn phần nhạc cụ dân tộc Ngô Hồng Quang cho biết, để chuẩn bị cho “cuộc chơi”, ngay từ cuối năm 2018 anh đã cùng ông Trưởng ban tổ chức Nguyễn Thành Sang lặn lội nhiều tỉnh thành miền núi, vào tận từng buôn làng gặp gỡ các nghệ nhân để mời về Hội An biểu diễn. Kết quả mời được  gần 200 nghệ nhân dân gian của 54 dân tộc về phố Hội…

Đằng sau cái dáng lúc nào cũng chỉnh tề, thong thả của ông Nguyễn Thành Sang là cái chất “máu lửa” hiếm có, của một người Quảng điển hình. Như hồi 2016 ông tự bỏ tiền tổ chức hội thảo khoa học tầm quốc tế để tìm cách cứu Cửa Đại khỏi bị cát lở. Và cho đến giờ ông vẫn đau đáu tìm kiếm những phương án cứu Cửa Đại. Xe cổ và nhạc cổ - một cuộc chơi kết hợp hai loại hình tưởng chừng không liên quan gì đến nhau, mà ông cũng “nghĩ” ra được và làm bằng được! 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.