Ông Park Hang-Seo đã hết 'tuần trăng mật'

0:00 / 0:00
0:00
Ông Park Hang-Seo đã hết 'tuần trăng mật'
TP - Ba năm ngọt ngào nhất của nhà cầm quân Hàn Quốc tại Việt Nam đã trôi qua. Phía trước, ông Park Hang-Seo đang đối diện nhiều thử thách không dễ vượt qua.

Trận thua Oman tại Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á là thất bại thứ 5 liên tiếp của đội tuyển Việt Nam. Đây là kỷ lục mới nếu xét trong lịch sử, chuỗi trận thua lớn nhất của đội tuyển Việt Nam chỉ dừng ở con số 4. Gần nhất vào năm 2012, đội tuyển Việt Nam từng thua liền 4 trận dưới thời HLV Phan Thanh Hùng.

Cụ thể gồm thất bại 0-1 trước Philippines và 1-3 trước Thái Lan ở AFF Cup 2012, dẫn tới bị loại sớm ngay từ vòng bảng. Đội tuyển Việt Nam sau đó thua tiếp 2 trận trước UAE và Hong Kong tại vòng loại Asian Cup 2015.

Trở lại thời điểm hiện tại, trước khi để thua Oman 1-3, đội tuyển Việt Nam đã lần lượt nhận thất bại trong các cuộc đối đầu với UAE (Vòng loại thứ 2), Saudi Arabia, Úc và Trung Quốc. Kết quả này khiến cho lần đầu đội bóng của ông Park Hang-Seo tụt khỏi tốp 15 châu Á sau 2 năm, từ vị trí 95 xuống 98 trên bảng xếp hạng FIFA.

Các con số thống kê có thể không phản ánh hoàn toàn chính xác những gì thầy trò ông Park Hang-Seo đã thể hiện. Thất bại trước các đội bóng ở tốp đầu châu lục cũng không khiến nhiều người quá bất ngờ.

Thực tế, màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam trước Saudi Arabia, Australia hay Trung Quốc không hoàn toàn quá tệ. Đội tuyển Việt Nam thậm chí đã từng dẫn trước trong các cuộc đối đầu với Saudi Arabia và Oman, đẩy Australia và Trung Quốc vào thế khó. Giới chuyên môn cũng nhận định, chuỗi trận thua của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể dài hơn khi tới đây, thầy trò ông Park sẽ tiếp tục đụng Nhật Bản và gặp lại Saudi Arabia tại Mỹ Đình.

Thách thức với ông Park dù vậy có thể đến từ những vấn đề khác rất khó giải quyết. Đầu tiên là yêu cầu làm mới lối chơi của đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh những miếng đánh cũ không còn gây được bất ngờ trước những đối thủ trong khu vực. Điều này là không hề dễ dàng bởi mỗi HLV đều có triết lý bóng đá riêng, sở trường riêng. Dưới thời ông Park, đội tuyển Việt Nam chơi phòng ngự-phản công cực tốt nhưng tấn công lại không thực sự đa dạng.

Hệ thống phòng ngự chắc chắn ông Park xây dựng nên hiện tại đang bị suy yếu do chấn thương của nhiều trụ cột, số khác có dấu hiệu quá tải. Ở AFF Cup 2020 vào cuối năm nay, thách thức từ các đối thủ như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều tăng lên, ngược lại tuyển Việt Nam lại không hội đủ quân số mạnh nhất. Nếu tới đây không bảo vệ được ngôi vị số 1 Đông Nam Á, những chỉ trích nhắm vào HLV Park Hang-Seo có thể tăng lên. Đó là áp lực cực lớn, có thể khiến nhà cầm quân Hàn Quốc không còn duy trì được vị thế của mình ở đội tuyển Việt Nam.

Đây là thực tế nghiệt ngã trong bóng đá mà những nhà cầm quân lừng danh thế giới đều có lúc phải đối diện ở cả cấp độ ĐTQG cũng như CLB, như Del Bosque với đội tuyển Tây Ban Nha, Jose Mourinho ở Chelsea hay Pep Guardiola tại Barcelona…

Sau trận thua trước Oman của đội tuyển Việt Nam, ông Park đã bị bầu Hiển công khai “chê” về chuyên môn. Đây là lần đầu tiên nhà cầm quân Hàn Quốc nhận ý kiến chỉ trích trực tiếp và công khai trên truyền thông. Nó là một tín hiệu xấu, cho thấy vị thế của HLV Park Hang-Seo đã bị đụng tới. Những ý kiến của bầu Hiển có thể mở màn cho luồng phê bình dữ dội hơn nếu tới đây đội tuyển Việt Nam thi đấu không thành công.

Chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam đã kéo dài qua năm thứ 3 dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-Seo. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị, hành trình phía trước của ông Park với đội tuyển Việt Nam sẽ trở nên hết sức khó khăn.

MỚI - NÓNG