Tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát (VKS), luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở TN&MT nói: Tại phiên tòa này, công tố cho rằng Công ty Lavenue không phải là đối tượng được giao, thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn, mà khu đất này phải đấu giá. Luật sư dẫn giải trên thực tế, thể hiện qua nhiều văn bản và chủ trương thì khu đất số 8-12 Lê Duẩn được chuyển sang huy động vốn theo hình thức liên doanh trong đầu tư.
Sự thay đổi chủ đầu tư và hình thức đầu tư khu đất đã được Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chấp thuận. Điều đó được thể hiện tại Tờ trình của Văn phòng HĐND và UBND TPHCM ngày 25/1/2008, Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân có bút phê: “Đồng ý, phải thiết kế thật đẹp và đảm bảo quy hoạch”.
Việc không tiến hành đấu thầu, chuyển sang hình thức liên doanh, liên kết để hình thành nên pháp nhân mới thực hiện dự án, là chủ trương đã được phê duyệt bởi Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân và sau đó được họp bàn, triển khai trên thực tế. Theo luật sư Công,tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cũng khẳng định chủ trương này là từ ông Lê Hoàng Quân.
Bào chữa cho bị cáo Thúy, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, chứng cứ duy nhất để cơ quan tố tụng buộc tội là mối quan hệ tình cảm với ông Tài, từ đó xúi giục ông Tài ban hành các văn bản có lợi cho bà Thúy nhằm mục đích trục lợi. Tuy nhiên, không có bất cứ bút lục nào chứng minh mối quan hệ tình cảm giữa bị cáo Thúy và ông Nguyễn Thành Tài.
Đối đáp lại, đại diện VKS bảo lưu quan điểm các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Lê Thị Thanh Thúy, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy Quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT) bị đề nghị các mức án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là có căn cứ.