Bà Jeni Thornley - nhà văn, nhà làm phim tài liệu Úc: Tôi thích phim Ông lão bán chuối
Tôi đã xem 3 phim Việt Nam. Tôi ấn tượng với Ông lão bán chuối, xử lý rất tốt cả nội dung và hình thức. Qua cuộc đời của một người bán chuối, tác giả làm nổi bật lên mối quan hệ của cá nhân với môi trường văn hóa xung quanh, từ đó xây dựng được một bức tranh xã hội Việt Nam sống động.
Với hai phim Việt Nam khác, vấn đề được nêu lên cũng hấp dẫn, do đó có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với các tác giả của nó. Tuy nhiên tính điện ảnh chưa thật tốt lắm. Nếu có lời khuyên với tác giả, tôi nghĩ rằng cần phải nâng cao tính điện ảnh trong phim nhân học để tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn.
Ông Best Schmidt - đạo diễn phim truyện và phim nhân học Đức: Làm phim giúp tôi hiểu hơn về những người đi xe máy
Bộ phim tôi dự là Xe máy. Tôi tới Việt Nam lần này là lần thứ hai. Lần đầu tiên, xuống sân bay, tôi thấy rất nhiều xe máy lưu thông và tự dưng thấy mình cần phải làm một bộ phim về xe máy. Tại sao lại để uổng phí một đề tài như thế chứ! Tôi làm mà trong đầu chưa hề có ý định tham dự LHP. Hình ảnh về những chiếc xe máy như biểu tượng của sự nỗ lực vươn lên của con người để tồn tại. Điều đó hấp dẫn tôi.
Khi đi sâu làm phim tôi dần khám phá thêm về con người Việt Nam. Trông hàng ngàn xe máy chạy với tốc độ cao như vậy, nhưng khi tôi đi ngang đường để quay phim, mọi người đều cố sức tránh va chạm và tránh gây thương tích cho tôi. Tôi nghĩ người Việt Nam có đức tính kiên nhẫn mà các tài xế xe ô tô ở Đức không có được. Người Việt Nam cũng có sự nhường nhịn rất đặc biệt.
Hạn chế và cấm xe máy ư? Để chuyển sang ô tô? Điều đó là không thể ở Việt Nam, vì lấy đâu ra đường để đi ô tô. Đi xe máy còn tắc nói gì đến đi ô tô. Nếu cấm xe máy, tôi nghĩ các bạn nên trở lại với xe đạp như trước đây, đó là giải pháp tốt.
Johamnes Ruhl - nhà giám tuyển người Thụy Sĩ: Việt Nam có truyền thống phim nhân học
Tôi đánh giá cao bộ phim làm về nạn diệt chủng ở Campuchia. Những người dân ở đó tự quay và tự kể những gì họ muốn nói về tội ác ấy. Con người không nên quên những câu chuyện như thế.
Tôi đã xem một số phim Việt Nam, trong đó có Hầu đồng của TS Bùi Quang Thắng và Vịt ơi của sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Tôi thấy thú vị và ấn tượng. Việt Nam có truyền thống về phim nhân học chứ không phải bây giờ mới có.
Tôi muốn giới thiệu với các bạn là LHP lần này quy tụ nhiều phim hay, có sự tham dự của nhiều nhà làm phim nhân học hàng đầu thế giới. Nếu nói về khuynh hướng làm phim nhân học hiện đại thì đề tài chính tập trung vào cuộc sống ở thành thị.
TS Bùi Quang Thắng nhà giám tuyển Việt Nam: Vinh dự cho LHP đầu tiên
LHP quốc tế nhân học Việt Nam lần đầu tiên tổ chức đã vinh dự đón được nhiều nhà làm phim nổi tiếng. Điều quý nữa là các đại biểu đều tự trang trải kinh phí đi lại.
Bà Jeni Thornley có kế hoạch giới thiệu một bộ phim của Việt Nam ra thế giới. Ông Johamnes Ruhl đánh giá cao chất lượng của điện ảnh Việt Nam, với vai trò cầu nối và là nhà tổ chức các LHP nhân học, ông có thể giới thiệu phim Việt Nam với cộng đồng phim nhân học thế giới. Tuy mới tổ chức lần đầu, các bạn quốc tế đều đánh giá LHP thành công và chất lượng.
Nguyên Anh ghi