Ông đồ xứ nghệ Phan Huy Dũng

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Với nhiều thế hệ sinh viên Đại học Vinh, PGS - TS Phan Huy Dũng vừa là người thầy, người anh, người bạn lớn đã khơi gợi nên trong họ niềm say mê văn chương và sự yêu thích đối với phê bình văn học.

Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét: “Phan Huy Dũng là người học hành chu đáo, đọc sách có suy nghĩ riêng. Đa tài, biết làm thơ, biết vẽ tranh, nhưng ít xuất hiện, ít công bố…”.

Gắn bó với thành Vinh

Thế hệ sinh viên chúng tôi là học trò của người thầy Phan Huy Dũng từ những năm 1980, lúc ấy bao quanh trường chỉ toàn là ruộng rau muống, thứ rau dành cho cả người và lợn, hay nói đúng hơn thì cọng non người ăn, cọng già cắt cho lợn ăn. Giáo viên thường tăng gia bằng việc nuôi gà, nuôi lợn, bóc lạc xuất khẩu. Khi ấy chưa có phong trào dạy kèm và luyện thi vào đại học cũng chỉ có vài trung tâm. Thầy Phan Huy Dũng chỉ hơn chúng tôi mấy tuổi, còn rất trẻ, chưa có người yêu, nhà thầy nằm trong ngõ trúc có hàng rào bằng cây chè Tàu. Chúng tôi thường tới nhà thầy để hỏi han bài vở và hàn huyên, khi thân thiết, lũ con trai chúng tôi được gọi thầy bằng anh xưng em, nhưng tới giảng đường nhớ gọi là thầy. Hôm nay, trong bài viết này, tôi cũng xin được phép gọi thầy bằng “anh” cho gần gũi.

Ông đồ xứ nghệ Phan Huy Dũng ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Những bài giảng của thầy Phan Huy Dũng cuốn hút chúng tôi bởi sự nhiệt huyết, những cái nhìn mới mẻ và hơn tất cả, thầy không áp đặt mà chỉ cố gắng thuyết phục chúng tôi tin vào điều mình đang giảng. Phan Huy Dũng không du học ở nước ngoài, song các giảng viên trong trường được đào tạo từ châu Âu đều khâm phục sức học của anh. Phan Huy Dũng có thể làm thơ bằng cả chữ Hán và tiếng Nga, tiếng Anh. Một thầy giáo giảng viên môn Hán Nôm nói với chúng tôi rằng: “Phan Huy Dũng tự học Hán Nôm mà làm thơ chẳng kém gì các cụ học chữ Hán ngày xưa”. Hỏi ra, được biết anh Phan Huy Dũng là hậu duệ của dòng họ Phan Huy rất nổi tiếng ở Nghệ An.

Ăng – ten văn học

Nhiều người khuyên Phan Huy Dũng nên ra Hà Nội để phát triển sự nghiệp, nhưng anh kể: Mình phải ở đây để chăm sóc bố mẹ mình. Kho báu của anh Phan Huy Dũng là thư viện sách được bọc kỹ, từng trang sách được chăm sóc không một hạt bụi. Nhưng nếu sinh viên cần, anh sẵn sàng cho mượn và đôi khi anh tặng luôn cả những cuốn sách rất quý.

Vinh, một thành phố tỉnh lẻ, nhưng tiến sĩ Phan Huy Dũng có mối quan hệ quen biết rất rộng với các nhà nghiên cứu khắp cả nước và mỗi khi họ ghé qua xứ Nghệ, vẫn thường ghé thăm anh. Người trong giới cũng phải trầm trồ về tình bạn cố tri của tiến sĩ Phan Huy Dũng với các nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, Văn Giá, Chu Sơn, Đăng Điệp…  Anh cũng đặt hầu hết các tờ báo, tạp chí văn nghệ để nắm bắt tình hình văn chương.

Những năm sau này, tiến sĩ Phan Huy Dũng tham gia giảng dạy ở một số trường đại học các tỉnh thành khác, đồng thời với tư cách phó khoa ngữ văn, tiến sĩ mời các giáo sư đầu ngành về giảng dạy tại Vinh. Tiến sĩ Trương Đăng Dung (Viện Văn học) khi được mời về giảng dạy tại Đại học Vinh cũng thường khen lòng hiếu học của sinh viên ở Vinh.  Xem các đề tài luận án mà sinh viên sau đại học của khoa Ngữ văn, Đại học Vinh thực hiện những năm vừa qua, thấy đề tài thực hiện rất rộng, theo sát với thực tiễn sáng tác văn học và cố gắng không bỏ sót những hiện tượng văn học đáng được nghiên cứu. Không ít trong số các công trình ấy, có công sức của thầy đồ xứ nghệ Phan Huy Dũng.

Ông đồ xứ nghệ Phan Huy Dũng ảnh 2 Tiến sĩ Phan Huy Dũng (phải) và tác giả bài viết. Ảnh chụp 12/2017.

Anh Phan Huy Dũng tiết lộ với tôi: “Thực ra mình rất nhiều việc có tên và không tên nên không thể theo thời sự văn học như một vài anh em phê bình khác, nhưng khi có những hiện tượng văn học, xuất hiện những tác phẩm có giá trị thì cần phải dốc sức tìm đọc, nghiên cứu”.

Nâng đỡ khát vọng văn chương

Cách đây một thời gian, cậu học trò nghèo Lê Thanh Nga (SN 1976) đã vượt qua tất cả để bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, rồi trở thành Tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ.Nga sinh ra trong gia đình không có cha, vào học trường đại học Vinh, có nhiều hôm chàng trai này nhịn đói để học tập. Khi Lê Thanh Nga cầm trên tay tấm bằng đại học, TS Phan Huy Dũng, là thầy giáo của Nga nơi giảng đường ĐHSP Vinh giúp đỡ để cậu học trò nghèo này có thể tiếp tục ở lại trường để học cao học. Nga trở thành thủ khoa cao học của Trường ĐH Vinh năm đó. Bảo vệ xong, đang loay hoay chưa kiếm được việc làm, anh được thầy Phan Huy Dũng và một số bạn bè giúp đỡ để tiếp tục chuyển lên làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ.

Lê Thanh Nga không phải là trường hợp cá biệt, thầy Phan Huy Dũng thường âm thầm giúp đỡ các sinh viên giỏi mà khó khăn trong cuộc sống, anh cũng động viên rồi trực tiếp sửa chữa, hướng dẫn các bạn trẻ viết phê bình, nghiên cứu văn học đăng trên các báo, tạp chí.

Mới đây, anh nói với tôi về “hiện tượng” cô giáo Phan Thị Thanh Thủy. Một cô giáo yêu văn chương, viết nhiều bài phê bình. Bằng cách nào đó, cô biết Phan Huy Dũng và nhờ anh đọc, góp ý, giới thiệu. Cuốn sách “Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ…” của Phan Thị Thanh Thủy được in với bài giới thiệu của tiến sĩ Phan Huy Dũng, mới đây đã đạt giải thưởng VHNT năm 2017 của Hội liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Thanh Thủy và nhiều bạn yêu văn học vẫn tìm tới ông đồ xứ Nghệ với các tác phẩm của họ như tìm một người bạn tri kỷ. Phan Thị Thanh Thủy nói với người viết bài này: “Phải nói rằng nhờ thầy Dũng dìu dắt một cách công phu thì tác phẩm mới hoàn thiện được như thế!”

Trọn đời mê thơ

Mỗi lần về Vinh, tôi lại thường được mọi người “khoe” nhà mới, xe mới, thậm chí cả chức tước mới nữa. Gặp Phan Huy Dũng thì anh bảo: “Mình làm phó khoa được vài năm, thấy công việc nhiều quá, không phù hợp với một người nghiên cứu giảng dạy nên mình chủ động xin nghỉ”. Chúng tôi vẫn ngồi trò chuyện ở cái bàn nhỏ trong phòng ăn, dưới bóng cây khế như vài chục năm trước không có gì thay đổi. Thơ là một thế giới vô tận mà có lẽ một đời người ta không bao giờ đi tới hết những bến bờ của nó. Thơ lại biết tự làm mới nó, mỗi một thời đại lại có những giọng thơ, những nhịp thơ của mình. Câu chuyện cứ thế đến 2 giờ sáng lúc nào không biết. Hai thầy trò cũng là hai anh em rủ nhau đi tìm gì ăn khuya, trên con hẻm khu Trường Thi năm xưa, nay nhà cửa đã thay cho những rặng tre. Chợt nhớ bóng áo trắng ai đó thấp thoáng trên hàng rào cây xanh năm xưa. Anh Dũng bảo: “Mình vẫn làm thơ!”.

Năm 1988, chúng tôi có thành lập một hội thơ sinh viên của khoa Ngữ văn mà nhiều bạn bè và các thầy giáo các khoa khác cũng tham gia. Dĩ nhiên, thầy giáo trẻ Phan Huy Dũng là một thành viên tích cực. 30 năm đã trôi qua, trường Vinh chúng tôi đã đổi thay và nghe nói rằng có thể khoa Ngữ văn chúng tôi sẽ nhập với các khoa trong khối xã hội mà không còn tên khoa nữa. Song Phan Huy Dũng vẫn làm thơ. “Chỉ trong vòng mấy năm, mình đã làm khoảng 300 bài thơ!” –  Phan Huy Dũng tủm tỉm nói. Có lẽ chính tác giả cũng không ngờ mình còn làm được nhiều thơ như thế, một giọng thơ khác trước ít nhiều.

Phan Huy Dũng làm thơ đăng trên facebook cá nhân, được Chu Văn Sơn tuyển chọn giới thiệu trên trang “Thơ hiện thời Plus”, thấy nhiều người vào trang mình đọc quá, anh khóa trang facebook của mình lại. Anh vẫn muốn tránh chỗ đông người như thế.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận xét: “Thơ Dũng là niềm bất an và ngán ngẩm về trạng thái nhân thế thời nay, là nỗi ngao ngán với tình trạng hời hợt và chém gió suông của thứ thơ cuối thời, cuối vụ. Chọn lối thơ kiệm lời, sắc hình, chặt tứ, lắm chỗ lắm lúc ngỡ cằn, ngỡ cặn, song, bao giờ móng nền của mỗi tiếng thơ anh vẫn là những xáo động tâm tư. Kết hợp những yếu tố giễu nhại để gia tăng vị chua chát cho tiếng nói trữ tình, anh cũng xài các chiêu chữ Hậu hiện đại cho thơ thoát tính monotone quen cũ. Có lẽ, anh đang muốn tìm một ngôn ngữ mới, một giọng điệu mới cho tiếng nói trữ tình hôm nay”.

Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét: Phan Huy Dũng là người đức độ, làm việc gì cũng có trách nhiệm. Đặc biệt Dũng quan tâm đào tạo nhân tài, giúp đỡ tận tình, nhiều khi giúp đỡ cả kinh phí cho sinh viên. Phan Huy Dũng là người khiêm tốn, biết mình. 

MỚI - NÓNG