Chiều 13/1, được Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội gọi lên bổ sung bản bào chữa của các luật sư và nêu quan điểm tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng vừa tự bào chữa vừa xin nhận trách nhiệm cho các cựu cán bộ cấp dưới là các bị cáo trong vụ án, với tư cách nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Tiếp đó, ông Đinh La Thăng trình bày với Hội đồng xét xử về bản thân và gia đình. Theo ông Thăng, sau vụ án này ông còn tiếp tục đối mặt với vụ án góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank (giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng TMCP Đại Dương) nên mong có được mức án "nhân văn". Ông nói mình có bố 87 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, có hai con gái nhưng một cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ.
Phiên tranh tụng xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm chiều 13/1. Ảnh: TTXVN
"Khả năng khi bố bị cáo mất chắc bị cáo khó được gặp mặt... Nếu bị xử hai vụ án, bị cáo không biết còn sống để đủ thời gian thụ án không… Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè, được thành con ma tự do, không phải con ma tù. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình" – ông Đinh La Thăng nói.
Khi ông Đinh La Thăng về chỗ, tới lượt bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC được tự bào chữa. Ông Thanh vừa khóc vừa nói: “Tôi thấy mình có lỗi với anh Thăng, với lãnh đạo PVN”. Lấy lại bình tĩnh, Trịnh Xuân Thanh phân tích quan điểm buộc tội của VKSND. Bị cáo khẳng định không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 (để thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) một cách sai phạm và dùng tiền từ dự án Thái Bình 2 để đầu tư các dự án khác.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN.
Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho mình. “Bị cáo ít tuổi hơn anh Thăng nhưng chắc chắn bị cáo cũng là con ma trong tù, không được làm con ma tự do" - ông Thanh trình bày.
Ngày mai (14/1), tòa tiếp tục làm việc.