Sáu tháng trước khi huyền thoại George Best ra đi, ông Glazer hoàn thành vụ thâu tóm gây tranh cãi chưa từng có trong lịch sử thể thao Anh quốc.
Sự có mặt của gia đình Glazer làm chia rẽ người hâm mộ Man United. Một số chỉ quan tâm tới thành tích trên sân, một số sống hoài niệm phản đối kịch liệt vụ thâu tóm của Glazer. Lý do cho mọi ác cảm với Glazer không gì khác ngoài tiền.
Ngay đêm hoàn thành vụ thâu tóm với giá 790 triệu bảng, hàng trăm người đã đổ về Old Trafford để phản đối, buộc ba trong sáu người con của Glazer, hiện là đồng chủ tịch Joel và Avie, và giám đốc Bryan phải rời sân bằng cửa phụ trên chiếc xe bán tải để đảm bảo an toàn.
Sau đó, nhà Glazer “nhét” khoản nợ 525 triệu bảng của ông vào bảng cân đối tài chính của đội, biến Man United từ đội bóng giàu nhất thế giới trở thành con nợ lớn nhất làng thể thao. Một tương lai u ám tại Old Trafford được dự báo.
Thực tế trong gần thập kỷ dưới sự điều hành của gia đình Glazer, Man United đã có giai đoạn thành công cả trong và ngoài sân cỏ. Cách tiếp cận nhượng quyền thương mại trong các hoạt động tài chính đưa Man United tới sự giàu có vô bờ bến.
Nhà Glazer tối đa hóa mọi khả năng kiếm tiền bằng những liên minh với các hãng lớn. Thương hiệu Man United bỗng đi vào mọi ngõ ngách toàn cầu với khoản doanh thu có lúc lên tới 657 triệu bảng. Chính sách đó được xem là khuôn mẫu cho các đội học tập sau này.
Điều quan trọng hơn là Ferguson tiếp tục đưa danh hiệu về Old Trafford. Từ 2007 đến 2009, 3 chức vô địch Premier League, cùng Champions League 2008 và nhiều giải khác, là giai đoạn ba năm thành công nhất lịch sử.
Chiến lược gia người Scotland vẫn nhiệt huyết trong mô hình quản lý của nhà Glazer với hai chức vô địch Anh nữa là thành công lớn của ông chủ người Mỹ. Vẫn để CEO David Gill điều hành đến năm 2012 bất chấp ông từng phản đối kịch liệt vụ thâu tóm cho thấy nhà Glazer rất biết dùng người.
Từng đón nhận nhiều lời chỉ trích, nhưng ông Glazer không một lời giải thích từ ngày thôn tính cho đến ngày ra đi mãi mãi.