Ông chủ Bảo Tín Minh Châu tiết lộ 'thuyết' 6-3

Ông chủ Bảo Tín Minh Châu tiết lộ 'thuyết' 6-3
TP - Ông Vũ Minh Châu - Doanh nhân văn hóa, Tổng giám đốc Cty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu trao đổi với Tiền Phong về những vấn đề đặt ra tại Diễn đàn: Đi theo hay dẫn đường. Ông Châu cũng chia sẻ với bạn trẻ “thuyết 6-3” - một trong những bí quyết giúp ông thành công.

> Vì sao nghèo học giỏi, giỏi vẫn nghèo?
> Họ làm gì có chỗ mà dựa dẫm

Có những con người suốt đời lửng lơ

Thưa ông, đề thi môn Văn tuyển sinh đại học vừa qua đưa nhận xét của Việt kiều Tran Hung John (người Mỹ gốc Việt) rằng, đa số người Việt thụ động, đi theo đường vạch sẵn, không dám tiên phong, khai mở con đường mới... Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

Trong quá trình quản lý lao động, tôi thấy có một số người thụ động, đôn đốc, nhắc nhở thì mới làm, không tự thắp lên ngọn lửa đam mê, không định vị được mình đang ở đâu. Những người như vậy suốt đời lửng lơ, sống không làm lợi mà cũng chẳng hại ai. Họ thiếu ý nghĩa với gia đình, với xã hội, thậm chí là gánh nặng khi trở nên trì trệ. Chúng ta nên cảnh báo cho xã hội, cho giới trẻ xem xét lại mình, ý thức lại giá trị bản thân và tự đặt câu hỏi mình có phải người như vậy không.

Tiền Phong đang mở diễn đàn: Đi theo hay dẫn đường (lấy tứ từ đề Văn) để xã hội nhân dịp này nhìn lại lối sống người Việt. Ông đánh giá thế nào về giới trẻ hiện nay?

Trên thực tế hình thành hai nhóm người như diễn đàn nêu.

Một bộ phận đi theo lối cũ, truyền thống. Họ đi con đường mà những người trước đã đi. Họ muốn an toàn, ngại rủi ro. Những người thuộc nhóm này, rất tiếc đang là số đông của xã hội.

Nhóm người khác năng động, thông minh. Họ muốn là người tiên phong trong nghề mới, lĩnh vực mới, chưa ai làm bao giờ. Nếu họ đủ ý chí, nghị lực, phương pháp thì thành công sẽ rất vang dội, vì đây là miền đất hoang sơ, chưa ai đặt chân đến, không chịu áp lực cạnh tranh. Ở Việt Nam có không ít người đột phá và đã thành công.

Nghề vàng cần con người bằng vàng

Con đường khởi nghiệp của ông hẳn là đặc biệt?

Tôi sinh ra trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh. Từ năm 1971- 1977 tôi phục vụ trong quân đội. Sau khi rời quân ngũ, giai đoạn 1977- 1989, tôi làm công nhân tại Cty Vận tải Thương nghiệp. Thời gian làm việc tại Cty này tôi học được nhiều kiến thức về tổ chức sản xuất và điều hành. Thời kỳ đó gia đình tôi rất nghèo.

 “Thương trường là chiến thường”; câu nói này cũ rồi. Chiến trường là nơi người ta xả súng vào nhau; có người thắng kẻ thua; người sống kẻ chết. Không nên như vậy. Trong thương trường cần coi nhau là bạn, là đồng nghiệp… 

Tôi là anh cả trong gia đình đông anh em. Mẹ tôi buôn bán nhỏ. Tôi thường xuyên được mẹ giao mang vàng đi cả chục ki lô mét đến thuê thợ đánh vàng thành nhẫn để phục vụ bà con. Đường xa, lại phải chờ hàng tiếng đồng hồ mỗi lần như thế khiến tôi tìm cách tự học nghề. Tôi mua bộ đồ nghề về tập đánh vàng. Đầu tiên là tập trên nhôm, đồng. Sau đó là bạc rồi mới đến vàng. Tôi chịu khó học hỏi và thành nghề. Tôi không chỉ đánh vàng cho gia đình mà còn cho hàng xóm. Dân ở khu phố đến thuê tôi đánh ngày càng đông.

Sau đó tôi học nghề phân kim. Tách vàng tinh từ các loại vàng thô là công việc cần nhiều kỹ năng. Đây là nghề rất khó. Tôi miệt mài tự học, rồi mua các hóa chất về thí nghiệm. Kiên trì tự học rồi cũng thành nghề. Gia đình tôi khá lên từ nghề này.

Mẹ tôi luôn nhắc nhở, làm nghề vàng phải giữ chữ tín. Làm nghề vàng phải có con người bằng vàng. Có chữ tín sẽ thành công. Tôi tạo được uy tín với khách hàng từ thuở còn làm thuê.

Năm 1989, Nhà nước cho phép tư nhân kinh doanh vàng. Đây là bước ngoặt lớn của gia đình tôi. Lúc này tay nghề tôi đã vững, uy tín đã có nền móng tốt. Tôi biến chữ tín thành tiền. Khi đã tạo được niềm tin thì vay vốn không khó.

Mở doanh nghiệp kinh doanh vàng, tôi luôn coi trọng chữ tín. Thời đó doanh nghiệp của tôi là đơn vị đầu tiên công khai giá vàng. Lời căn dặn hãy giữ chữ Tín của mẹ từ thời nghèo khó trở thành kim chỉ nam trong triết lý kinh doanh của tôi: “Giữ tín nhiệm hơn giữ vàng”.

Con đường mà ông đang đi, gặt hái được thành công như hôm nay là do ông khai mở, hay dựa trên con đường ai đó vẽ sẵn?

Đó là con đường bắt nguồn từ gia đình. Tiếp nối truyền thống kinh doanh từ ông ngoại tôi để lại. Mẹ tôi đã trao cơ duyên để tôi đến với nghề kim hoàn. Và sau này tôi học hỏi sáng tạo, đột phá để nâng tầm doanh nghiệp trong chế tác, kinh doanh vàng bạc, đá quý. Tôi đến Ý, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… tìm hiểu và mua công nghệ tiên tiến ứng dụng để chế tác những sản phẩm tinh xảo, vượt trội để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập bằng tiêu chí “Công nghệ vượt trội, sản phẩm vượt trội”.

“Thuyết 6-3”

Ông có kinh nghiệm nào chia sẻ với những bạn trẻ đang trên đường khởi nghiệp và sẽ khởi nghiệp?

Kinh doanh cũng như trong cuộc sống, chúng ta phải hài hòa 6 mối quan hệ và 3 tiêu chí. Tôi gọi đó là “thuyết 6-3”.

Quan hệ với gia đình (làm trọn chữ Hiếu và Nghĩa). Gia đình có hạnh phúc thì mình mới hạnh phúc, mới sáng tạo và cống hiến cho xã hội.

Quan hệ với cộng sự. Không nên coi nhân viên với mình là quan hệ ông chủ và người làm thuê mà là cộng sự. Coi công ty như gia đình, mọi người đối với nhau như người thân. Trong công việc phải chuyên nghiệp.

Quan hệ với khách hàng. Khách hàng là người mang lại giàu có cho mình. Đừng biến khách hàng thành đối tượng khai thác lợi nhuận đơn thuần. Phải biết mang lợi ích đến cho họ. Bất cứ sản phẩm nào mình phải quan tâm lợi ích khách hàng. Coi khách hàng như người thân tư vấn một cách chân thành.

Quan hệ với bạn hàng, đồng nghiệp. Muốn thành công phải có bạn hàng. Coi bạn hàng là đối tác, không phải đối thủ. Triết lý của tôi trong kinh doanh là “Biến thương trường thành hội trường” (nơi đồng nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh), “Biến đối thủ thành đối tác” (mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng đều có thể hợp tác kinh doanh, cùng có lợi).

Quan hệ với xã hội. Kinh doanh phải có môi trường mà xã hội là môi trường. Mình phải tương tác tích cực với môi trường kinh doanh, với cộng đồng. Hãy chia sẻ một phần lợi nhuận kinh doanh của mình với những người gặp khó khăn, hoạn nạn trong xã hội. Điều này gia đình tôi có truyền thống từ năm 1945. Thời đó, ông ngoại tôi là một trong những người giàu có nhất Thường Tín, Hà Tây.

Trong nạn đói năm 1945, gia đình tôi mua rất nhiều xe gạo chở đến đình làng phát cho người dân; gặp những người khó khăn thì giúp đỡ... Doanh nghiệp tôi kế thừa truyền thống đó. Mỗi năm chúng tôi bỏ ra vài tỷ đồng làm từ thiện. Tôi nghĩ “Giàu mà không chia sẻ là có tội”. Tội ở đây là vấn đề lương tâm, chứ không phải pháp luật.

Quan hệ với Nhà nước. Một doanh nghiệp muốn thành công, mỗi con người muốn sống bình yên thì không thể không tôn trọng pháp luật.

Bên cạnh đó muốn cuộc sống tốt đẹp, mỗi chúng ta phải dựa vào thế chân kiềng, với 3 tiêu chí: Văn hóa, sức khỏe và kinh tế. Văn hóa lành mạnh; sức khỏe tốt, kinh tế ổn định.

Chữ tâm, chữ tài

Cứ sau mỗi kỳ thi đại học, thủ khoa lại xuất hiện và chủ yếu là những học sinh xuất thân từ các miền quê nghèo, trong các gia đình nghèo khó. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao giỏi mà vẫn nghèo? Nhìn rộng ra, Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng vẫn chưa có nhiều đột phá. Theo ông vì sao?

Trên thực tế có nhiều học sinh nghèo đỗ thủ khoa. Họ nghèo và muốn thoát nghèo. Con đường thoát nghèo bền vững và chính đáng là học tốt, lao động tốt. Chúng ta cần coi những học sinh nghèo học giỏi là tấm gương để các bạn trẻ noi theo, đặc biệt nhắc nhở các bạn con nhà giàu nhưng sống ỷ lại cha mẹ, tiêu xài ăn chơi thái quá, xao nhãng học tập. Cũng cần nhắc nhở con nhà giàu cần cố gắng học tập để phát triển sự nghiệp của gia đình.

Học giỏi nhưng ra đời vẫn nghèo là vấn đề xã hội cần quan tâm. Khi là học sinh, sinh viên nghèo mà học giỏi là đáng khen nhưng sau khi có bằng cấp, học hàm, học vị mà vẫn nghèo, không thành công thì chúng ta cần xem lại gia đình- nhà trường - xã hội đã tác động đến các hạt giống đáng quý của đất nước như thế nào. Nên có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện phát hiện khả năng của mỗi người để khuyến khích họ làm giàu.

Để tạo ra những con người sáng tạo, năng động, dám khai mở những con đường riêng, mới thì chúng ta cần những điều gì, thưa ông?

Những con người đó nếu làm việc ở môi trường mà người quản lý có tư duy đổi mới, cầu tiến thì chắc chắn sẽ thành công. Lãnh đạo phải đủ tâm, đủ tầm mới đánh giá được khả năng sáng tạo của cấp dưới. Hơn nữa, người tài cũng phải tự nỗ lực. Không ít người có tài nhưng thiếu đức, đây cũng là lực cản nằm ngay trong con người họ. Có tâm, có đức sẽ thu hút được nhiều người đến hợp tác. Vì vậy, người tài cũng phải tu dưỡng đạo đức thì mới có thành công bền vững.

Cảm ơn ông!

Nhiều bạn đến tìm việc, tôi hỏi vì sao lại học trường đó. Các em trả lời vì thi trường này không đỗ nên thi trường khác; thấy bạn học trường này nên đăng ký theo… Họ không có chính kiến, không có đam mê, không có định hướng. Gia đình, nhà trường phải giúp họ phát hiện sở trường, tạo điều kiện để học tập, theo đuổi nghề cho hợp lý. Có như vậy sau này họ mới thành công. Bỏ sở trường học sở đoản thì suốt đời đi xin việc, lãng phí công học tập.

 

Lê Anh Đạt

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG