> Số hưởng như ông Tuấn 'Tổng'
Ông Viễn hiền và mô phạm. Cái chất nghiên cứu, nặng đầy khối lý thuyết khiến ông cựu Tổng thư ký VFF càng thêm lặng lẽ trong sự chuyển động vội vã, có phần chóng vánh như tên lửa ở VFF. Bởi thế, có người ví ông Viễn như ông bụt ở VFF, vì ông lành quá, không có tí xíu gì gọi là bon chen dù khối người ở bóng đá Việt Nam đều nể ông.
Thật ra, cái ghế Phó Chủ tịch chuyên môn dù tiếng là quan trọng bậc nhất ở VFF, chỉ đứng sau vị Chủ tịch nhưng nó lại vô thực. Vả lại, kể từ ngày sáng lập ra chiếc ghế ấy, vô hình chung, tiếng nói của ông Phó chuyên môn thường ít nặng ký. Thời ông Lê Thế Thọ đảm nhận, ông Thọ “lắc” dám ra mặt khẳng định nhưng vì lẽ đó mà kênh với phần còn lại của VFF. Chuyện ông Thọ văng khỏi VFF sau sự cố ở Bacolod là ví dụ. Đến lượt ông Dương Vũ Lâm và giờ là Phạm Ngọc Viễn, tiếng nói ấy cũng ít cất lên. Cũng phải thôi, thời lãnh đạo của VFF lúc này, số lượng chuyên môn sành sỏi bóng đá, chuyên ngành bóng đá, chỉ đếm đầu ngón tay, còn hiếm hơn cả việc đi đào đá đỏ.
Ông Viễn rụt vào trong chiếc vỏ ốc hiền từ, đúng với tâm tính của mình. Ông đâu khỏe như đám trẻ Trần Quốc Tuấn, Dương Nghiệp Khôi, còn cũng chưa “khôn” như những cấp trên vốn sàng sàng một lứa. Thế mới gọi là của hiếm của VFF. Ông Viễn mất 6 năm rời VFF, quay lại vì được làng quý, ít khi chọc ngoáy và “giết” ai. Vả lại, nó cũng như một sự bù đắp cho lần ông Viễn sắm vai “Lê Lai cứu chúa”, chấp nhận ra đi vì đại cục bắt buộc phải thế, chứ không hẳn cái lỗi trong vụ ký hợp đồng tai tiếng với HLV Letard hoàn toàn do phốt của ông cựu Tổng thư ký.
Trong môi trường như VFF, có lẽ ông Viễn là người đáng tin và đáng nhận được những chia sẻ nhất. Nhiều khi vì đại cục, ông Phó chuyên môn phải chường mặt giữ thế cho VFF, chứ một người học rộng, hiểu nhiều như ông Viễn, bị quy vào nhóm “mặt bằng thấp hơn xã hội”, quả là cay nghiệt. Nó nghiệt cho cả cách sống lẫn xử sự thường thấy của ông Phó chuyên môn.
Ai cho thực quyền?
Ông Viễn trở lại VFF, môi trường làm việc vẫn đầy những cuộc so găng, nhưng không gian đã khác. Cái trụ sở VFF ở Lý Văn Phức vốn một tay do ông Viễn quan hệ FIFA, AFC xin tài trợ, thậm chí đến cả bản sao kiến trúc là mô hình quả bóng làm nơi bảo vệ, giờ đã không còn là đại bản doanh của VFF. Không gian ở Mỹ Đình rộng và vi vu, yên tĩnh hơn nhiều với nơi phố xá ở trụ sở cũ.
Cảnh vật và con người như hòa vào là một. Với người mô phạm, nặng chất nghiên cứu như ông Viễn, VFF đặt trụ sở trong khuôn viên trường đào tạo bóng đá trẻ càng dễ lôi ông Phó chuyên môn vào chốn yên bình. Lại nghiên cứu, đề án này nọ, mà chuyện tương lai bóng đá, có ai đánh thuế ước mơ đâu? Có lẽ vì vậy, ông Viễn chìm luôn vào “cõi mơ”. Đề án phát triển bóng đá Việt Nam, VFF đặt mục tiêu vào top 10 châu Á. Nó hệt như bản nháp, giấc mơ đưa tuyển Việt Nam vào World Cup 2018 mà cũng chính ông Viễn là “kiến trúc sư”.
Ở hoàn cảnh mà sự thực dụng được tôn sùng, ông Viễn như người bước lạc, cứ thỏa sức bước vào cõi mê và mơ mộng. Mà hình như người ta và chính ông Viễn cũng… thích vậy. Một thì mặc sức vẫy vùng, một thì được yên thân, thái bình sau những biến cố lớn, chẳng khác gì một cú sốc. Ý tưởng của bầu Kiên tiến cử ông Viễn làm Trưởng BTC giải, hay VFF ngắm nghía ghế Trưởng Ban trọng tài, ông Phó Chuyên môn đã lặng lẽ gạt đi.
Một lần chịu biến cố, chim đã sợ cành cong. Mà thực ra, ngắm nghía chỗ này chỗ kia để giao trọng trách cho ông Viễn, nhưng thực quyền có không? Đó mới là quan trọng, giống như vai trò Phó chuyên môn được lên danh sách tuyển thuyền trưởng tuyển Việt Nam, nhưng rốt cục, người được chọn hình như nằm ngoài và không ưng lắm so với tính toán của ông Phó phụ trách chuyên môn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng