Ông Bụt của những trẻ mồ côi

Ông Bùi Công Hiệp nuôi dưỡng trẻ mồ côi bằng tấm lòng yêu thương của người cha
Ông Bùi Công Hiệp nuôi dưỡng trẻ mồ côi bằng tấm lòng yêu thương của người cha
TP - Bằng tình thương của người cha, ông Bùi Công Hiệp (60 tuổi) không chỉ cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mà còn dành gần hết gia tài cho “các con” của mình.

Những tiếng khóc giữa đêm

Mái ấm Thiên Thần khá yên tĩnh, nằm sâu trên con đường số 1 (P.Long Trường, Q.9). Nếu không để ý, nhiều người tưởng nhầm là trường mầm non, bởi từng song sắt, cánh cổng đều được sơn vẽ đủ màu sắc.

Đón tôi bằng nụ cười thân thiện, ông Hiệp khẽ bảo chờ chút vì đang kho dở nồi thịt để chiều cho các con ăn. Nhấp ngụm trà tươi, ông trải lòng: “Không có người mẹ nào đành lòng xa con hết đâu. Do hoàn cảnh cả thôi. Đủ thứ áp lực từ gia đình, xã hội… đè lên người mẹ nên đừng trách họ”.

Ông Hiệp vẫn nhớ như in từng trường hợp “các con” đến “nhà”. Mùng 2 Tết cách đây 5 năm, lúc đó đã hơn 11 giờ khuya, mọi người đều đi ngủ. Thời ấy, khu vực Ông Nhiêu (Q.9 ) đa số là đồng ruộng, chó hoang rất nhiều. Bỗng có tiếng chó sủa mãi không dứt. Nóng ruột, ông Hiệp bật đèn pin lướt ra sân xem có chuyện gì. Trên bệ cổng, một đứa trẻ nhỉnh hơn trái bắp được quấn trong chiếc khăn bông đã cũ, cất tiếng khóc yếu ớt.

Con bé còn chưa rụng rốn, chỉ khoảng hơn 2 kg, da nhăn nheo và đã tím tái. Các cô bảo mẫu liền ôm vào nhà để sưởi ấm, đồng thời tìm xem có giấy tờ để lại không. Tất cả đều trống rỗng. Ông Hiệp đặt tên con theo họ mình, là Bùi Kim Tâm. Nay Kim Tâm đã là cô bé học sinh lớp 1, khỏe mạnh và thông minh.

Băng Tâm (5 tuổi) có mái tóc đen dày, đôi mắt lém lỉnh thường ngại ngùng trước người lạ, nhưng cũng dễ hòa đồng, thân thiện. Băng Tâm suýt chút nữa không được trở thành “con” của “bố” Hiệp do lý lịch có cha mẹ nhiễm HIV. “Chính ba mẹ của bé đưa con tới khi mới được vài ngày tuổi. Các cô bảo mẫu vừa nghe đến HIV thì sợ xanh mặt, bảo đừng nhận. Nhưng tôi thì ngược lại, vì mình nhìn con mà thương lắm, bởi cha mẹ bé đã ở giai đoạn cuối hết rồi. Nếu mình từ chối thì con sẽ ra sao” - ông Hiệp nhớ lại. May mắn, sau nhiều lần xét nghiệm, kết luận “âm tính” vỡ òa, ai cũng mừng vui mà mắt đỏ hoe. Riêng ông Hiệp, ông bảo lỡ “nhiễm” ông vẫn nuôi, bởi “không ai chọn số phận cho mình. Số con nếu đã vậy, thì tôi vẫn cưu mang, nuôi nấng con đến khi không thể mới thôi…”.

Có khi, ông Hiệp còn chăm sóc cả thai phụ đến ngày sinh nở. Mẹ của Kim Bách khoảng 20 tuổi, quê Kiên Giang. Có thai, cô gái sợ gia đình mắng, trốn lên Sài Gòn, lang thang xin tiền, ăn mì gói qua ngày ở công viên Lê Văn Tám. Nhiều người buổi sáng đi tập thể dục nhìn thấy, gọi điện cho ông Hiệp. Lúc này người mẹ xơ xác như bộ khung xương. Bách sinh non tới 7 tuần, nặng có 2 kg. Dù bác sĩ cảnh báo khó nuôi lắm, nhưng ông Hiệp vẫn cương quyết chăm sóc, còn chuyện sinh tử là số phận. Giờ, Bách cứng cáp, khỏe mạnh như cái tên “bố” Hiệp đặt cho.

7 năm qua, số lượng các con đến với Thiên Thần đã lên con số 85 (từ sơ sinh đến 7 tuổi). Có đứa bị bỏ rơi, có đứa được cha mẹ đem tới gửi. Nhưng ngần ấy năm, không có mấy trường hợp cha mẹ quay lại nhận con. Đơn cử có người mẹ đi miệt mài, 4 năm sau quay lại bấm chuông. Vào nhà, cô gái không hỏi con một câu, vuốt tóc một cái rồi đẩy qua cho hai người lạ nắn chân sờ tay, chụp hình con bé như một món hàng. Mấy người coi đứa bé kháu khỉnh tỏ ra rất ưng ý.

Ông Hiệp thấy lạ, cương quyết đòi gia đình chứng minh khả năng nuôi mới giao cháu. Đám người chửi bới, đập cửa, lên phường khiếu nại. Phường không giải quyết. Họ quay lại quậy phá hàng tuần liền trước cửa trung tâm, nhưng ông không sợ. “Tất cả các bé vào đây đã một lần chịu cơ cực. Nếu mình giao đi không đúng chỗ sẽ lại đẩy bé vào bi kịch lần thứ 2”.

Nhà là của con

Tâm nguyện nuôi trẻ mồ côi bùng lên mạnh mẽ trong thời gian ông Hiệp tham gia tình nguyện lực lượng thanh niên xung phong TPHCM thời gian 1976-1979. Cảm nhận được tình cảm gắn bó của những người xa lạ mà thương nhau như người trong nhà, tinh thần đóng góp cho xã hội có lẽ đã thấm vào máu của người cựu thanh niên tình nguyện như thế.

Sau thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong, ông Hiệp nhập ngũ. Chiến tranh quá khốc liệt, trẻ mồ côi rất nhiều, ông tự hứa với lòng mình nếu còn sống sót trở về sẽ nuôi mấy đứa mồ côi. Năm 1983 ông xuất ngũ, làm bảo vệ cho một công ty nhà nước, rồi ra ngoài, mở xưởng cơ khí. Khi mọi việc ổn định, con cái trưởng thành, ông bàn với vợ dùng miếng đất mua ở quận 9 từ hồi còn là sình lầy, xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất xây mái ấm nuôi trẻ mồ côi có tên Thiên Thần. Ông dùng thu nhập từ xưởng cơ khí để duy trì mái ấm. Cái tên Thiên Thần ra đời bởi ông tin vào những thiên thần hộ mệnh, luôn tới dẫn dắt con người trong những lúc gian nan nhất.

Điều đặc biệt, Thiên Thần chưa bao giờ cho đi một đứa trẻ nào trong mái ấm của mình. Chức năng của Thiên Thần là nuôi dạy lũ trẻ đến 18 tuổi, cho ăn học đàng hoàng. Khi đủ lông đủ cánh, muốn bay đi đâu thì bay. Còn không, thì đây vẫn là nhà của chúng” - ông Hiệp tâm niệm.

Không những lo cho cuộc sống của các bé được đầy đủ hàng ngày, vợ chồng ông Hiệp còn quyết định tặng gia tài gồm mảnh đất rộng 2.500 m2 đất cùng căn nhà 3 tầng (trị giá hơn 100 tỷ đồng) cho những đứa trẻ mồ côi này. “Toàn bộ tài sản này sẽ là của bọn trẻ. Vợ chồng tôi muốn rằng tương lai của chúng sẽ được tươi sáng hơn”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, thành phố có gần 15.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có gần 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa hiện được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố là 2.900 em.

“Chúng tôi cảm nhận được vai trò, trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực, tình yêu thương của ngôi nhà này” - ông Nghinh nói. Theo ông, ngoài các cơ sở công lập, những cơ sở do tư nhân thành lập đang giúp giải quyết rất nhiều vấn đề. Nhiều cuộc đời đã lớn lên và trưởng thành từ những mái ấm này.

Năm học 2019-2020 này, Thiên Thần có 3 em học lớp 2, 12 bé vào lớp 1; dự kiến năm sau có thêm 18 bé. Các em đi học đều do ông Hiệp tự lo học phí chứ chưa được hỗ trợ miễn giảm diện nghèo, mồ côi. Mong ước của ông là các con có hộ khẩu để tiện cho việc học hành. Hiện, ông đã xin nhập hộ khẩu cho 65 con, nhưng chỉ có 10 đứa được toại nguyện.

“Tôi đang nghĩ về kế hoạch tương lai cho các con của mình mỗi ngày. Tôi đang muốn xây thêm nhà để nhóm trẻ lớn và sơ sinh ra ở riêng, cần mở thêm lớp học ở trung tâm cho các con còn nhỏ, xây hồ bơi, khu vui chơi để các em vừa học tập, vừa vận động để phát triển cả về thể chất, tinh thần… Để có cơ ngơi đầy đủ cho gia đình này, còn bộn bề lắm. Nhưng cứ cố gắng hết sức thì sẽ có người hỗ trợ, chung sức với mình thôi”.
Ông Bùi Công Hiệp, chủ mái ấm Thiên Thần

MỚI - NÓNG