Ông Biden bị chê né tránh báo chí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu vào giờ vàng trước cả nước. Ông viết hai bài nêu ý kiến riêng đăng trên các tờ báo uy tín nhất. Ông nhận một số câu hỏi bất ngờ từ phóng viên. Nhưng trong tuần này, ông lại bị chê vì từ lâu đã không nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp báo đài, cũng như không tổ chức họp báo.
Ông Biden bị chê né tránh báo chí ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc phỏng vấn trực diện đầu tiên với đài ABC kể từ khi ông lên nắm quyền.

Chỉ trích gia tăng khi cuối tuần qua đánh dấu 116 ngày kể từ khi ông có cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất.

“Việc ông Biden từ chối trả lời trước người dân Mỹ về nhiều vấn đề khủng hoảng mà họ đang đối mặt là việc không thể bào chữa được”, Emma Vaughn, phát ngôn viên của Ủy báo quốc gia của đảng Cộng hòa, chỉ trích.

Trong tuần qua, ông Biden viết bài cho Wall Street Journal về kế hoạch chống lạm phát và một bài khác cho New York Times về chiến lược của Mỹ để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tuần trước, ông có bài phát biểu trước Nhà Trắng về vấn đề bạo lực súng đạn, sau đó là bài phát biểu về vấn đề việc làm và nhận vài câu hỏi từ báo chí.

Giống như người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden thường dừng lại để trả lời báo chí ngay khi động cơ chiếc Không lực Một đang kêu ầm ầm gần đó, nhưng những trao đổi như vậy thường thiếu chiều sâu.

Cuộc trả lời đúng nghĩa gần đây nhất của ông là với người dẫn chương trình Lester Holt của đài NBC vào ngày 10/2. Với chừng đó, ông Biden đang bị nói là kém những người tiền nhiệm quá nhiều về mặt tiếp xúc với báo chí.

Từ khi lên nắm quyền vào ngày 20/1/2021 đến cuối tháng 4 năm nay, ông Biden có 23 cuộc trả lời phỏng vấn. Trong thời gian tương tự, người tiền nhiệm Trump thực hiện 95 cuộc, theo số liệu thống kê của Dự án chuyển đổi Nhà Trắng, một nhóm phi đảng phái chuyên ghi chép tiếp xúc của các tổng thống.

Trong thời gian tương đương, ông Barack Obama có 187 cuộc, George W Bush có 60, Bill Clinton 64, George HW Bush 70 và Ronald Reagan 78. Ông Biden cũng có số cuộc trả lời phỏng vấn riêng ít hơn những người tiền nhiệm gần đây nhất.

“Chúng ta chuyển từ giai đoạn ‘lũ lụt’ với ông Donald Trump, người không có ngày nào không trả lời báo chí, đến tình trạng ‘hạn hán’ với tổng thống hiện tại, người trong suốt 4 tháng không có cuộc trả lời riêng với nhà báo nào”, Bill Whalen, cựu cố vấn truyền thông của các chính trị gia Mỹ, nhận xét.

Ông Biden mắc một số sai lầm khi đưa ra những phát biểu trong thời gian là thượng nghị sĩ, phó tổng thống và tổng thống. Gần đây, ông khiến các trợ lý rơi vào tình trạng bị động khi cam kết sẽ sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) nếu hòn đảo bị Bắc Kinh tấn công. Ông cũng bị hớ khi nói rằng ông không nắm được tình trạng thiếu sữa bột trầm trọng cho đến tháng 4 vừa qua.

Các nhà quan sát cho rằng những vụ việc như vậy giúp giải thích tại sao giới chức trong Nhà Trắng không muốn tổng thống đối diện với các nhà báo hay hỏi khó.

Whalen, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover thuộc ĐH Standford ở California, đánh giá: “Chiến lược của họ rất rõ ràng. Nhà Trắng không tin tưởng rằng tổng thống có thể tự trả lời mà không gây ra vấn đề gì”.

Tuy nhiên, Whalen cho rằng cách làm thận trọng này có thể phản tác dụng đối với nhà lãnh đạo 79 tuổi. “Điều đó có thể khiến cử tri hoài nghi về năng lực, sức khỏe và khả năng xử lý công việc của ông ấy. Nó cũng đặt ra câu hỏi rằng vì sao họ phải tách tổng thống khỏi báo chí”.

Những lần trả lời báo chí của ông Biden đến nay bao gồm với các đài truyền hình lớn của Mỹ, 3 cuộc với CNN, một lần với MSNBC và 3 cuộc trả lời truyền hình khu vực qua Zoom, hai cuộc với người dẫn chương trình đêm muộn Jimmy Fallon và Sage Steele của ESPN. Ông chỉ có 3 lần trả lời báo in.

Tháng trước, ông Biden đón nhà báo Thomas Friedman, người phụ trách chuyên mục của New York Times, đến dự bữa trưa. “Nhưng tất cả đều không được ghi âm và đưa tin nên tôi không thể kể với các bạn ông ấy đã nói gì”, Friedman viết.

Trong khi đó, báo chí Mỹ nói rằng các trợ lý trong Nhà Trắng đang chia rẽ về chiến lược truyền thông của ông Biden khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút, khi kỳ bầu cử giữa kỳ đang đến gần mà các bài phát biểu của ông không tạo được dấu ấn đặc biệt nào.

“Các trợ lý thường nói về tác động ít ỏi từ những cuộc xuất hiện chập chờn của ông Biden, dù trong vấn đề lạm phát, khủng hoảng thiếu sữa bột, xả súng hàng loạt hay các cuộc khủng hoảng khác. Ông ấy trông giống như đang phản ứng với các vấn đề đã xảy ra mà cử tri quan tâm nhất, hơn là chủ động đặt ra chương trình hành động”, CNN viết trong bài đăng tuần này.

Theo The New York Post
MỚI - NÓNG