Cánh rừng ở xã Đak Smar (huyện Kbang) có rất nhiều ốc núi. Sau những con mưa, loài ốc này sẽ xuất hiện để kiếm ăn. Ngày nắng chúng ẩn mình dưới đất hoặc nấp dưới đám lá mục, hốc cây nên rất khó thấy. Người dân bản địa xem đây là món ăn khoái khẩu, vị thuốc quý của núi rừng ban tặng.
Anh Đinh Sâm (24 tuổi), một tay săn ốc có tiếng trong xã chia sẻ, nghề săn ốc núi không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải có sức khoẻ để lội rừng, vượt suối. Đặc biệt đôi mắt phải tinh bởi đặc sản này có màu giống cành cây, chiếc lá. Muốn tìm được nhiều, điều quan trọng phải nắm rõ tập tính, phán đoán nơi ở của ốc.
“Ốc núi còn được dân mình gọi là ốc thuốc, chỉ có từ tháng 4 đến khoảng tháng 11 hàng năm. Nó ưa sống ở môi trường ẩm ướt, ăn các loại lá cây trong rừng. Thời gian rảnh người dân trong làng tranh thủ rủ nhau đi tìm ốc về ăn, hôm nào bắt được nhiều sẽ đem ra chợ bán với mỗi ký khoảng 70 nghìn đồng”, anh Sâm bộc bạch.
Ốc núi |
Anh Sâm đi rừng tìm ốc núi |
“Thủ phủ” ốc núi ở cánh rừng cách xã Đak Smar hơn chục cây số, đường khó đi vô cùng. Chưa hết thở dốc, anh Sâm gọi lớn “Nhanh lên, ở đây có một đám này, con nào cũng to”. Những thân ốc căng tròn to bằng ngón chân lộ ra. Con thì bò sát dưới đất, con nấp vào bọng cây, con đu bám vào cành lá. Anh Sâm chỉ chọn những con to, còn loại nhỏ để lại cho chúng sinh phát triển, sinh sản. Sau vài tiếng lội rừng anh Sâm thu hoạch được 3 kg.
“Tôi phải đặt hơn một tuần mới có được 4 cân ốc. Thức ăn chính của ốc núi là cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy, khi sơ chế ốc núi, tôi không ngâm kỹ như những loại ốc khác vì sợ chúng nhả hết vị thuốc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi”. Anh Lê Hoài Nam, (47 tuổi, thành phố Pleiku, Gia Lai)
Bên bờ suối, anh Sâm nhóm lửa rồi lấy ra cái nồi nhỏ trong ba lô, rửa sạch ốc rồi bỏ vào luộc. Thịt ốc dai, giòn, có vị hơi đăng đắng, thơm mùi dược liệu. Vừa ăn anh Sâm vừa chia sẻ: “Ốc thuốc phải ăn sạch, chỉ bỏ lại cái vỏ thôi. Không chỉ là thuốc đâu, ông bà mình nói ốc núi còn có khả năng tăng cường sinh lực đấy”.
Cũng chính vì sự thơm ngon ấy, nhiều khách hàng gọi điện liên tục đặt mua ốc từ anh Sâm, bao nhiêu cũng không đủ bán. Ngoài những dân sành ăn ở Gia Lai, nhiều người ở tỉnh thành khác cũng đặt hàng với người dân ở huyện Kbang.