Oan cho... thuốc ngừa thai!

Oan cho... thuốc ngừa thai!
Đã có những lời đồn đại và những nhận thức không đúng về TNT, như: "TNT làm cho phụ nữ bị nam tính hóa, có thể biến thành đàn ông", "sau khi dùng TNT, người phụ nữ có thể không có con", "dùng TNT làm giảm ham muốn tình dục"...

Một trong những biện pháp tránh thai khá hữu hiệu là uống thuốc ngừa thai (TNT). Giống như bất cứ loại thuốc nào khác, TNT cũng có hai mặt: lợi và hại.

Nếu sử dụng TNT không đúng, sẽ gây ra tai biến. Vì vậy, bác sĩ chỉ định thuốc và dược sĩ hướng dẫn sử dụng phải làm động tác "sàng lọc", xem đối tượng thích hợp với loại TNT nào.

Ví dụ, TNT phối hợp (chứa hai hoạt chất: dẫn chất estrogen và dẫn chất progestin, có người gọi là "TNT dùng hàng ngày") có thể gây một số tác dụng phụ (do dẫn chất estrogen gây ra), thậm chí sẽ nguy hiểm đối với một số phụ nữ có nguy cơ như: bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, gan, trên 35 tuổi và có hút thuốc lá...

Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ có những câu hỏi để loại trừ những phụ nữ có nguy cơ, khuyên họ không dùng TNT phối hợp mà nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác.

Hoặc nếu đang dùng TNT phối hợp, người phụ nữ gặp những triệu chứng như: đau bụng dữ dội, đau đầu dữ dội, đau ngực, đau chân... thì phải ngưng ngay.

Bởi đây là những dấu hiệu báo bị tác dụng phụ gây huyết khối tắc mạch của dẫn chất estrogen, thuộc loại hiếm gặp và không xảy ra đối với TNT chỉ chứa progestin như Exluton, loại dành cho phụ nữ đang cho con bú.

TNT còn gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, cương vú... Những hiện tượng này sẽ xuất hiện trong thời gian đầu (một-hai tuần) khi mới uống thuốc và sẽ hết khi đã quen thuốc.

Bên cạnh phần hại hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách sử dụng đúng, TNT loại uống có rất nhiều phần lợi. Vấn đề đặt ra là mọi người cần có cái nhìn đúng đắn về TNT.

Đã có những lời đồn đại và những nhận thức không đúng về TNT, như: "TNT làm cho phụ nữ bị nam tính hóa, có thể biến thành đàn ông", "sau khi dùng TNT, người phụ nữ có thể không có con", "dùng TNT làm giảm ham muốn tình dục", "TNT gây quái thai, dị dạng thai", "TNT có khả năng gây ung thư và tăng nguy cơ ung thư vú”... Tất cả đều sai!

TNT đã được khẳng định không làm nam tính hóa hoặc giảm ham muốn tình dục ở người phụ nữ, không làm cho phụ nữ mất khả năng sinh con nếu muốn có con. Đặc biệt, TNT không những không gây nguy cơ ung thư vú mà theo các tài liệu y dược, nó còn làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô buồng trứng và niêm mạc tử cung.

Cho tới nay, không có tài liệu y học chính thức nào cho rằng đang dùng TNT mà lỡ có thai là sẽ bị quái thai hoặc thai nhi bị dị dạng. Đã có nhiều trường hợp có thai ngay sau khi ngưng thuốc hoặc có thai ngay trong khi dùng thuốc, nhưng chưa có trường hợp nào sinh quái thai hoặc dị dạng bẩm sinh. TNT đã được sử dụng khá lâu. Vì thế, nếu có vấn đề nguy hiểm cho phụ nữ, đương nhiên chúng đã bị ngưng sử dụng.

Tuy nhiên, có một lời khuyên không bao giờ thừa: nên đến bác sĩ để được tư vấn dùng TNT thích hợp và đúng cách.

Đối với TNT khẩn cấp (TNTKC) (có người gọi là TNT uống sau khi giao hợp) cũng được ghi nhận không gây quái thai. Đây là biện pháp tránh thụ thai ngoài ý muốn sau một cuộc giao hợp không được bảo vệ, không được đồng tình hoặc sau những trục trặc của biện pháp tránh thai (bao cao su bị tuột, rách...).

Do thuốc loại này chứa hormone liều cao nên có khuyến cáo chỉ nên dùng bốn viên trong một tháng (tức cho hai cuộc giao hợp, vì sau một cuộc giao hợp dùng hai viên, viên thứ hai dùng sau viên thứ nhất 12 giờ), do nguy cơ cao gây tác dụng phụ.

TNTKC cho hiệu quả ngừa thai thấp, dùng thuốc vẫn có thể có thai, nhưng từ trước đến nay, người ta ghi nhận không có trường hợp nào có thai sau khi dùng TNTKC lại sinh quái thai.

Tóm lại, không chỉ vì một vài nhận thức sai, ngộ nhận về tác dụng của TNT mà ảnh hưởng đến chủ trương bảo vệ sức khỏe và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của chúng ta.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức
PNO

MỚI - NÓNG