Cục Đăng kiểm Việt Nam không nhận được chứng nhận NCAP từ Toyota
Từ triển lãm Vietnam Motor Show 2017 hồi đầu tháng 8, Toyota Việt Nam liên tục phát đi các chương trình quảng bá về chất lượng, an toàn trên các mẫu xe Toyota bán ở Việt Nam. Dải sản phẩm của hãng này có những model nhập khẩu lẫn sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tổng giám đốc Toyota Việt Nam ông Toru Kinoshita nói các mẫu xe TMV đạt chuẩn an toàn 4 sao NCAP ở VMS 2017.
Với triết lý “Chuyển động tiên phong” và mục tiêu trở thành “Thương hiệu được yêu mến nhất tại cộng đồng”, Toyota Việt Nam khẳng định chất lượng luôn là yếu tố tiên quyết trong cam kết từ trước đến nay. Hãng này còn đặt mục tiêu các sản phẩm cho chất lượng ở tầm cao mới.
Cũng theo Toyota Việt Nam (TMV), các mẫu xe của TMV sản xuất, nhập khẩu và phân phối đều do tập đoàn Toyota Nhật bản thiết kế, phát triển, thử nghiệm và theo xác nhận của Toyota Nhật Bản các mẫu xe này đều đạt NCAP 4 sao trở lên.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam - Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực an toàn chất lượng và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cho biết, hiện tại Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được chứng chỉ 4 sao NCAP nào của Toyota Việt nam.
"Trên thế giới có các tổ chức đánh giá độc lập thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm về an toàn kỹ thuật và công bố các kết quả khảo sát thử nghiệm đối với các dòng xe mà các tổ chức đã thực hiện trên trang web. Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được văn bản của công ty Toyota Việt Nam về chuẩn 4 sao NCAP", Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Về tiêu chuẩn 4 sao NCAP, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam NCAP là chương trình thử nghiệm mang tính chất tự nguyện cao để gắn mức độ sao cho xe. Kết quả đánh giá theo thử nghiệm NCAP sẽ được đưa ra theo hình thức mức độ về sao tương tự như đánh giá hạng của khách sạn về mặt hình thức. Nhiều hãng xe áp dụng tiêu chuẩn này để nhằm mục đích quảng bá cho sản phẩm của mình liên quan đến vấn đề an toàn khi va chạm.
Trên thực tế thử nghiệm, kiểm tra về va chạm là phép thử khó khăn nhất và trên thế giới chỉ
có các quốc gia đứng đầu và có nền công nghiệp ôtô phát triển mới có thể thưc hiện được
các hạng mục của phép thử va chạm.
Các thử nghiệm về va chạm ngoài việc đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao rất tốn kém và khi tiến hành thử nghiệm phải phá hủy rất nhiều mẫu thử nên chi phí để thử nghiệm cũng rất cao, chưa phù hợp với điều kiện đáp ứng tại Việt Nam.
Dấu hiệu quảng cáo sai sự thật?
Trao đổi với Tiền Phong về việc Toyota Việt Nam quảng cáo chuẩn 4 sao NCAP trên các dòng xe Toyota trong khi Cục Đăng kiểm Việt Nam - Cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng phương tiện lên tiếng chưa nhận được văn bản nào từ Toyota Việt Nam có đúng luật hay không? Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Văn phòng Luật sư SBLaw (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết trong trường hợp này Toyota Việt Nam đã có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật.
"Theo Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005, quảng cáo sai sự thật được hiểu là việc đưa thông tin không đúng sự thật dưới bất kỳ hình thức nào đều được coi là vi phạm nguyên tắc trung thực - nguyên tắc cơ bản của luật thương mại.
Luật Thương mại năm 2005 đã quy định rõ về những nội dung của sản phẩm khi không được cung cấp thông tin đúng thì sản phẩm bị coi là quảng cáo sai sự thật. Đây đều là những thông tin cơ bản mà bất kỳ người tiêu dùng nào muốn tiếp cận với sản phẩm đều quan tâm, vì vậy mà việc quảng cáo không đúng sẽ trực tiếp gây nên hiểu nhầm cho khách hàng. Pháp luật quy định một sản phẩm quảng cáo sai sự thật một trong những nội dung cơ bản đã nêu đều phải bị xử phạt", luật sư Nguyễn Thanh Hà thông tin thêm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trên thực tế, mặc dù tình trạng quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho không ít người tiêu dùng, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại khởi kiện, khiếu nại đơn vị quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của nhà sản xuất.