Ở phòng ấp con bằng phương pháp Kangaroo

Ở phòng ấp con bằng phương pháp Kangaroo
TP - “Những ổ bánh mì”- các điều dưỡng thường ví von như vậy khi nhắc đến những em bé sơ sinh nhẹ cân ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM.
Anh Phương đã “làm mẹ” bằng cách ấp con theo phương pháp kangaroo. Ảnh: L.N
Anh Phương đã “làm mẹ” bằng cách ấp con theo phương pháp kangaroo. Ảnh: L.N.

Mỗi năm có hơn 1.000 trẻ có trọng lượng khoảng 1,5kg ra đời ở bệnh viện này, và tất cả những “ổ bánh mì” này đều được cứu sống nhờ cách nuôi “da kề da” mà y học gọi là kangaroo.

“Cục cưng” 700gr

Ba tuần tuổi bé vẫn chưa được cha mẹ đặt tên. Nhưng ở 4 phòng ấp kangaroo của khoa sơ sinh, ai cũng biết đến bởi bé chỉ nặng 700gr.

Chị T. ngụ Long An, mẹ bé này cứ gọi bé là “hạt tiêu”. Để giành sự sống cho “hạt tiêu”, cứ vài ba tiếng, bé được đưa qua phòng điều dưỡng để mát - xa.

Chị T. mang thai con đầu lòng, cả hai bên nội ngoại mừng hớn hở. Lúc thai lên 27 tuần, bỗng dưng chị đau bụng dữ dội, sau đó xuất huyết.

“Đêm hôm ấy cả nhà đưa mình vào Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ bảo phải sinh gấp. Thế là "hạt tiêu" ra đời" - chị T. nhớ lại.

Từ khi sinh cháu rất yếu, phải nuôi trong lồng kính. “Nó nhỏ quá, chỉ bằng ổ bánh mì. Da nhăn nheo như ông cụ non. Thương ơi là thương”- chị T. buồn rầu. Khoảng 3 đến 4 tiếng, chị lại vắt sữa để chồng đưa qua mớm cho con.

Đã có 6.000 trẻ được cứu sống bằng phương pháp ấp kangaroo sau 13 năm Bệnh viện Từ Dũ áp dụng kỹ thuật này. Theo bác sĩ Xuân, khoảng 3 năm trước, mỗi năm có khoảng 300 - 400 trẻ phải dùng kangaroo nhưng từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có trên 1.000 trẻ nằm trong chương trình này.

Hơn 2 tuần nay, "hạt tiêu" của chị T. được bác sĩ trả về cho mẹ. Như bao trẻ sinh non nhẹ cân khác, cháu được hai vợ chồng thay nhau chăm sóc bằng phương pháp kangaroo.

Người mẹ hoặc bố sẽ “ấp” con như chuột túi cho đến ngày trẻ đủ tháng theo tuổi thai. “Vậy mà gần một tuần nay, sau khi được ấp, "hạt tiêu" giờ đã lên được 2 gr rồi”, chị T. khoe.

Ở khu nuôi con kangaroo này không chỉ vợ chồng chị T. mà các cặp vợ chồng khác gần như ngày nào cũng cân con, xem có tăng cân hay không.

“Đối với những bà mẹ có con bị nhẹ cân, thiếu tháng, con tăng được gr nào là hạnh phúc gr đó” - sản phụ Diệu Hoa ở Bình Dương thổ lộ.

Hai tháng trước chị H.,21 tuổi ở Thủ Đức (TPHCM) đau bụng, sau đó vỡ ối nên được người thân chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu.

Dù thai mới 26 tuần tuổi nhưng khi đến bệnh viện, các bác sĩ tiên lượng xấu, không thể giữ được em bé, thế là chị quyết định sinh.

“Cứ tưởng cháu không qua khỏi, bởi khi sinh ra cháu chỉ nặng 600gr” - chị H. kể, và cho biết qua gần 2 tháng chăm sóc đặc biệt, giờ cháu đã lên được 1,2kg.

Bắt đầu một tháng nay, bé được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Cũng từ đây cháu được áp dụng phương pháp kangaroo. Ngày cũng như đêm, vợ chồng chị H. thay nhau “ấp” con. Hơi ấm của đôi vợ chồng trẻ ngày ngày cứ thay nhau truyền qua “cục cưng” như vậy.

Cả nhà “làm mẹ”

Một tuần nay, anh Lê Hoài Phương, 35 tuổi ở Gò Công, Tiền Giang đã thay vợ “làm mẹ” để ấp con. 20 ngày nằm ở lồng kính, con trai anh Phương đã được bác sĩ cho về với mẹ để áp dụng phương pháp kangaroo.

“Lúc mới sinh ra, cháu chỉ được 1kg. Em cũng không hiểu tại sao lần sinh này con lại bé như vậy. Con gái đầu lòng sinh cách đây 3 năm nặng 3,2kg và rất khỏe mạnh”- anh Phương kể.

Trong phòng có 8 giường, toàn các bà, các mẹ đang ấp con, cháu, chỉ một mình anh Phương là đàn ông “làm mẹ”. Bé nằm như chú ếch trên ngực bố. Cả hai không rời nhau đã 4 giờ.

“Lần đầu cởi áo cho con nằm lên ngực để ấp thấy hơi ngại vì trong phòng toàn các chị, các bà. Nhưng nay thì không vấn đề gì. Thấy con lớn hơn, khỏe hơn là mừng rồi” - anh Phương bảo.

Sau một tuần hai vợ chồng thay nhau ấp con, anh Phương khoe "hạt tiêu" của mình đã lên được 3gr.

Anh Phương nói, bác sĩ bảo ấp cháu cho đến khi nào con không chịu được nữa mới thôi. “Đến khi nó đạp mình, không chịu ấp nữa thì mới xin về nhà được” - anh Phương nói.

PGS-BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ cho biết, phương pháp kangaroo giúp điều trị cho trẻ sinh non nhẹ cân rất hiệu quả.

“Ở trẻ sinh non, do các bộ phận chưa trưởng thành nên trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài, do đó nguy cơ tử vong rất cao” - bác sĩ Xuân nói.

“Lúc đầu kỹ thuật kangaroo áp dụng cho trẻ sinh non từ 2kg trở xuống nhưng số trẻ ra đời nhẹ cân quá lớn buộc chúng tôi chỉ nhận trẻ từ 1,5kg trở lại mà thôi” - bác sĩ Xuân cho hay.

Hiện mỗi ngày ở Khoa Sơ sinh có đến 120 trẻ được sinh ra có trọng lượng dưới 2kg. Tuy nhiên, hiện khoa chỉ có 30 giường dành cho trẻ dùng phương pháp kangaroo nên phải chọn lọc, cháu nào khỏe, không cần ấp thì có thể chăm sóc bình thường.

Theo bác sĩ Ngô Minh Xuân, khi trẻ được ấp trực tiếp với một cơ thể khỏe mạnh, nhất là bố mẹ thì trẻ như được kích thích nhịp tim, nhịp thở, ổn định nồng độ ôxy trong máu, giảm tỷ lệ bại não và đột tử do trào ngược sữa.

Cũng giống như những đứa trẻ bình thường, phát triển theo xu hướng tự nhiên, những em bé kangaroo đến khi đủ ngày đủ tháng sẽ tự động từ chối phương pháp ấp, do tự biết điều hòa thân nhiệt.

Đến thời gian ấy, trẻ cũng có thể tự bú mẹ mà không cần dùng đường truyền sữa đến thẳng bao tử.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG