Ở nơi cả đời chưa biết đến tivi

Những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui học trong những căn phòng không đủ ánh sáng Ảnh: Nguyễn Ngọc
Những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui học trong những căn phòng không đủ ánh sáng Ảnh: Nguyễn Ngọc
TP - Người lớn ăn cơm, trẻ con học bài phải đội trên đầu chiếc… đèn pin. Điện đặt máy phát kéo từ suối về thì quá xa bản làng, rất yếu, lúc được lúc không. Đó là cảnh sống của gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu ở thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi suốt nhiều năm qua.

Mịt mờ con chữ 

Dù chỉ cách trung tâm xã Ba Trang chưa đầy 10 km, nhưng để đến được Bùi Hiu chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ vật lộn với những đoạn đường đất lởm chởm đá, gồ ghề, dốc cao dựng đứng lên đỉnh núi. 

Nằm ở độ cao gần 700 m so với mực nước biển, thôn Bùi Hui tách biệt trên thảo nguyên.Địa hình rừng núi hiểm trở nên đến nay thôn Bùi Hui vẫn chưa có điện. Suốt từ nhiều năm qua người dân ở đây luôn phải sống trong cảnh “khát” điện.

Thôn Bùi Hui có 2 điểm lẻ của trường Tiểu học & THCS, và trường Mầm non xã Ba Trang với 36 học sinh. Trong đó, 3 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2 được bố trí học chung trong một phòng. Phòng học cho 28 học sinh mầm non nằm sát bên cạnh.

“Hiện thôn Bùi Hui có gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu. Thôn nằm tách biệt, địa hình rừng núi hiểm trở nên chưa thể có điện. Do đó, đời sống người dân ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Chưa biết khi nào điện lưới quốc gia mới về đến đây để cho bà con sử dụng, cho các cháu học tập tốt hơn”.
Ông Phạm Văn Mang - Chủ tịch UBND xã Ba Trang, trăn trở 


Suốt 15 năm gắn bó với Bùi Hui, cô giáo Phạm Thị Tiên giáo viên trường Mầm non xã Ba Trang chia sẻ: “Mùa nắng lớp mở cửa đón gió nên cũng đỡ nóng, nhưng hễ vào mùa mưa tội cho các cháu lắm. Sương mù giăng kín nên phòng học rất tối. Nhiều hôm sương nặng tối đến mức đứng ở đầu phòng không nhìn rõ cuối phòng. Nhưng không thể mở cửa lấy thêm ánh sáng vì gió rất mạnh, lạnh buốt”. 

Phòng học chung của 8 học sinh tiểu học trống hoác. Phòng học của bậc mầm non còn đỡ hơn, vì mới được xây 3 năm trước. Trong phòng có đầy đủ đèn điện, quạt máy nhưng chưa bao giờ hoạt động.
 
Chập chờn điện suối 

Ở trường không có điện, về nhà cũng chẳng khá hơn. Ban đêm, những đứa trẻ phải học tập, sinh hoạt trong ánh sáng chập chờn từ các chiếc đèn dầu, đèn pin, đèn điện của những chiếc máy phát điện yếu ớt nằm cạnh con suối nhỏ.

Anh Phạm Văn Điết, trú ở thôn Bùi Hui, xã Ba Trang cho biết, địa hình ở Bùi Hui hết sức hiểm trở nên muốn lắp máy phát điện dưới suối rất khó khăn. Điểm đặt máy cách làng hơn 3 km, vậy nên khi điện về đến nơi cũng chẳng sử dụng được. Có bữa sáng chập chờn một xíu rồi tắt hẳn không sử dụng được. 

“Ở đây chỉ có mấy nơi đặt được máy phát, lại cách xa làng nên điện rất yếu. Nhiều hộ chung nhau 1 máy nên mỗi nhà chỉ được sử dụng 1 bóng đèn. Đèn này chỉ sáng vào ban ngày, ban đêm nhiều người sử dụng cùng lúc là không sáng. Ăn cơm hoặc mấy đứa nhỏ học bài thì phải đội đèn pin”, anh Điết cho biết. 

Chỉ tay về hướng chiếc máy quạt ở trong nhà, anh Điết cười nói: “Mấy cái này mình mua về chỉ để trưng bày thôi, chứ chưa dùng tới lần nào. Lũ trẻ được nghỉ hè không sao chứ tới lúc đi học, tối ở nhà cắm mặt vào vở, chữ này đè lên chữ kia, bò loằng ngoằng như rắn, thấy mà thương nhưng cũng không biết làm sao”.

Cô Phạm Thị Phê - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Ba Trang tâm sự, có điện sẽ giúp những đứa trẻ trên thảo nguyên học tập được tốt hơn. Không có điện nên không bơm được nước từ giếng. Mỗi ngày phụ huynh phải mang theo 10 lít nước đến trường dự trữ cho các cháu sinh hoạt. Đèn, quạt trang bị trong phòng 3 năm rồi mà có dùng được đâu. Muốn mua cái tivi cho các cháu học tập, giải trí mà cũng đành chịu.

Việc không có điện khiến việc tiếp cận văn hoá thông tin cũng gần như không thể. Cách trung tâm huyện không xa lắm nhưng những gia đình ở đây cả đời chưa một lần được xem ti vi. 
Trên đường tiễn chúng tôi về, đi ngang qua thảo nguyên Bùi Hui, anh Điết luôn miệng nói về “Uớc mơ làng mình có điện, có điện cho dân làng bớt khổ, cuộc sống được ổn định hơn, để cho các cháu học tập tốt hơn”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.