Theo phó giáo sư Heather E. Volk thuộc Trường Y Keck của Đại học Nam California, trẻ bị phơi nhiễm với nồng độ cao chất gây ô nhiễm do giao thông khi còn trong bụng mẹ và trong năm đầu đời đã tăng nguy cơ bị tự kỷ so với trẻ phơi nhiễm nồng độ thấp nhất.
Nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Archives of General Psychiatry, cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí cao nhất làm tăng gấp 2 lần nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ và phơi nhiễm nồng độ cao trong năm đầu đời khiến trẻ tăng gấp 3 lần nguy cơ.
Volk cho biết ô nhiễm không khí liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai, vì vậy việc xem xét ô nhiễm không khí và nguy cơ tự kỷ là rất có ý nghĩa.
Trong nghiên cứu trước, nhóm của Volk đã ghi nhận nguy cơ bị tự kỷ cao hơn ở những trẻ mà gia đình chúng sống cách đường cao tốc khoảng 305m (1.000 feet), nhưng trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 279 trẻ 2-5 tuổi mắc bệnh tự kỷ và nhóm đối chứng gồm 245 trẻ không bị tự kỷ.
Họ đã dùng địa chỉ của người mẹ để đánh giá việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí như chất dạng hạt và nitơ dioxide trong mỗi giai đoạn của thai kỳ và trong năm đầu đời của trẻ.
Tác giả vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân chính xác tại sao ô nhiễm lại liên quan với nguy cơ bị tự kỷ và cần phải nghiên cứu thêm. Họ không thể đánh giá trực tiếp nồng độ chất gây ô nhiễm mà người mẹ bị phơi nhiễm khi mang thai hoặc thời gian ngắn sau đó nên họ đã dùng dữ liệu thời tiết và mật độ xe cộ để ước tính tỷ lệ ô nhiễm phát ra.
Hoàng Thái
Theo UPI