Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Ở đâu có vùng trời, vùng biển, ở đó có cán bộ khí tượng thủy văn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn chiều nay (3/10). Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn chiều nay (3/10). Ảnh: Như Ý.
TPO - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp to lớn của thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn qua các thời kỳ, đồng thời nhấn mạnh, ngành cần tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết.

Dự báo chi tiết tới 600 điểm

Chiều nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, với vị trí địa lý nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, nước ta thường xuyên bị thiên tai nặng nề, nhất là bão, mưa lũ, hạn hán, giá rét. Vì vậy, ngay từ các triều đại Nhà nước Phong kiến đã quan tâm đến việc quan sát các quy luật của thời tiết phục vụ quản lý xã hội của Triều đình và cuộc sống của người dân.

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, người Pháp thấy được vị trí, vai trò quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, do đó đầu tư xây dựng một số trạm khí tượng như  Trạm Khí tượng Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Hà Nội. Năm 1900, Đài Khí tượng Trung ương Phủ Liễn được xây dựng và năm 1902, tại Đông Dương, một Đài quan sát từ trường và khí tượng Trung ương được thành lập, đó là Đài Thiên văn Phủ Liễn Hải Phòng. Năm 1931, Nha Khí tượng Đông Dương được thành lập.

Ở đâu có vùng trời, vùng biển, ở đó có cán bộ khí tượng thủy văn ảnh 1 Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái chia sẻ về những bước phát triển của ngành KTTV trong 75 năm qua. Ảnh: Như Ý.

Ngay sau khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính, thành lập Sở Khí tượng. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 3/10 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng với đó, đội ngũ những người khí tượng thủy văn dù công tác trong bất cứ giai đoạn nào luôn nêu cao tinh thần yêu nước, vừa dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ tổ quốc, vừa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp, đã có người để lại một phần xương máu. Tất cả nhằm phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước.

Ở đâu có vùng trời, vùng biển, ở đó có cán bộ khí tượng thủy văn ảnh 2   Cán bộ Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thông tin thời tiết. Ảnh: Như Ý.

Trong 75 năm qua, ngành khí tượng thủy văn đã đạt được nhiều thành tích như xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng thủy quốc gia với 1719 trạm/công trình/phương tiện đo khí tượng thủy văn, trong đó nhiều trạm đã được tự động hóa với tỷ lệ cao.  Công nghệ dự báo phát triển mạnh mẽ những năm qua với việc ứng dụng các mô hình tiên tiến của các nước phát triển như Đức, Mỹ, Châu Âu.

Nhờ đó, tiến hành dự báo tới khoảng 600 điểm địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố. Bản tin dự báo khí tượng thủy văn đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh. Đặc biệt, tăng cường các bản tin dự báo khí tượng thủy văn biển, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao nguồn lực dự báo

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Ở đâu có vùng trời, vùng biển, ở đó có cán bộ khí tượng thủy văn ảnh 3   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng nhấn mạnh, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ biên giới núi rừng đến hải đảo xa xôi, không ngại ngày đêm, bất chấp thời tiết mưa to, lũ lớn, bão mạnh, luôn tận tụy, âm thầm truyền tin, thu thập dữ liệu, thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thời tiết, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

“Chúng ta có thể khẳng định ở đâu có vùng trời, vùng biển của Việt Nam, ở đó có sự hiện diện của cán bộ nhân viên ngành KTTV.  75 năm qua, ngành đã đạt những thành quả to lớn, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và sự nghiệp xây dựng tổ quốc ngày nay”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng biểu dương sự phát triển lớn mạnh của ngành KTTV nước nhà, nổi bật là chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết thiên tai ngày càng được nâng lên, tiệm cận trình độ của các nước phát triển, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngày nay, bất kỳ lúc nào, ở đâu, mọi người, mọi nhà đều xem nghe và thường xuyên đọc bản tin dự báo thời tiết, coi đó như nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Vì vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp hơn, khắc nghiệt hơn, nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn càng quan trọng hơn, nặng nề hơn.

Ở đâu có vùng trời, vùng biển, ở đó có cán bộ khí tượng thủy văn ảnh 4 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành KTTV cần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai. Ảnh: Như Ý.

Thủ tướng đề nghị, ngành KTTV phải thường xuyên làm tốt nhiệm vụ theo dõi sát mọi diễn biến về thời tiết, tập trung nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là thời tiết thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền, trên biển, thời tiết trên cả nước để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia.  Ngành cần phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại hoá. Cần đầu tư nguồn lực khoa học công nghệ, nhân lực, sử dụng thành tựu khoa học công nghệ trong nước đồng thời chọn lọc thành tựu khoa học công nghệ thế giới để đẩy nhanh hiện đại hoá ngành khí tượng thủy văn. Chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hoá.

“Chúng ta đều biết rằng thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra thường rất lớn, chi phí phòng chống, khắc phục cũng rất lớn, mức độ chính xác, kịp thời và tin cậy trong dự báo thời tiết, dự báo thiên tai sẽ góp phần quyết định giảm được thiệt hại và chi phí khắc phục trong công tác phòng chống thiên tai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng đề nghị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực dự báo chính xác, đi trước một bước để cung cấp kịp thời thông tin, luận cứ khoa học khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, tập trung đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động để có đầy đủ số liệu phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cảnh báo các hiện tượng thiên tai bất thường lớn như lũ quét, sạt lở đất để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.

MỚI - NÓNG