Căn bệnh kinh niên
Đến hẹn lại lên, hàng năm Bộ KH&ĐT đều tổng hợp báo cáo giám sát tình hình đầu tư công. Năm nào cũng xảy ra tình trạng, dự án đầu tư được khởi công rầm rộ rồi chậm tiến độ. Theo Báo cáo tổng hợp giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 của Bộ KH&ĐT, cả nước có 1.778 dự án chậm tiến độ, tăng 169 dự án so với năm 2017. Đây là năm thứ 3 liên tiếp các dự án chậm tiến độ, lãng phí tăng cao.
“Các dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Bên cạnh việc chậm tiến độ, các dự án đầu tư công vẫn còn tình trạng thất thoát lãng phí. Kiểm tra 15.600 dự án đầu tư công, cơ quan nhà nước phát hiện gần 500 dự án thất thoát, lãng phí và vi phạm về quản lý chất lượng. Các chi phí không hợp lý chỉ phát hiện ra khi thanh, quyết toán, kiểm toán.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT nói có 450 dự án phải ngừng thực hiện. Thậm chí cả nước có gần 250 dự án vừa hoàn thành, đưa vào khai thác đã gặp vấn đề kỹ thuật, không hiệu quả. Một số công trình sau khi được đầu tư chưa có vốn duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, đặc biệt các công trình giao các xã quản lý. Các đơn vị quản lý, vận hành không có biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng, quản lý công trình phù hợp dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hiệu quả chưa cao.
Các dự án thất thoát lãng phí chủ yếu do địa phương thực hiện. Bắc Giang là địa phương có số dự án khởi công nhiều nhất trên cả nước trong năm 2018 với 1.244 dự án. Dù rầm rộ khởi công nhưng địa phương này cũng “đội sổ” về thất thoát lãng phí. Cơ quan chức năng sau khi kiểm tra 372 dự án đã phát hiện gần 200 dự án có tình trạng thất thoát lãng phí .
Cơ quan chức năng buông lỏng giám sát?
Dù được xem như “chìa khóa”, quyết định hiệu quả của dự án đầu tư, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra đối với các chương trình, dự án đầu tư. Vì nguồn vốn đầu tư khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự thủ tục tiến độ đầu tư, chất lượng công trình, thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đánh giá về thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc lựa chọn dự án đầu tư, thẩm định, xét duyệt dự án vẫn thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Việc quyết định dự án đầu tư công theo đề xuất của bộ, ngành, địa phương dẫn tới hàng loạt dự án đầu tư công vừa dàn trải, lãng phí, không phù hợp, nhiều dự án nhưng không hiệu quả.
“Đầu tư công không có trọng tâm, nhiều dự án không thật sự cần thiết cho hỗ trợ phát triển kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế vẫn khởi công. Hiện nay, ngân sách còn khó khăn, cần ưu tiên các dự án cấp thiết trước”, ông Thịnh khuyến cáo.
Theo ông Thịnh, dù có thay đổi quy định pháp luật để cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư công nhanh hơn nhưng quan trọng vẫn phải có các điều khoản để khống chế trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu dự án chậm tiến độ, vướng mắc ở khâu nào, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tháo gỡ khó khăn. Như vậy, các dự án mới có thể mang lại hiệu quả.
Năm 2018 cả nước có có 1.778 dự án đầu tư công chậm tiến độ; 422 dự án đầu tư công thất thoát, lãng phí và 450 dự án phải ngừng thực hiện.