Nước ngọt dần cạn kiệt
Hằng năm, khi bước vào mùa khô cũng là lúc huyện đảo Lý Sơn phải đối mặt thực trạng thiếu hụt trầm trọng nước ngọt phục vụ sản xuất. Trữ lượng các mạch nước ngầm cạn kiệt dần, túi nước ngọt bị xâm nhập mặn mà nguyên nhân chính là do việc đào, khoan giếng vượt kiểm soát.
Dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ các mạch nước ngầm, nhưng tình trạng khoan giếng trái phép lấy nước phục vụ tưới tiêu các cánh đồng tỏi, hành vẫn đang tiếp diễn. Một số người dân lén lút đào, khoan giếng vào ban đêm. Đồng thời dùng các thùng xốp, bao, bì, cành cây ngụy trang cho máy bơm nước từ những giếng khoan chưa được cơ quan chức năng cấp phép ngay trên ruộng tỏi, hành.
Số giếng nước ngày càng tăng, khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ nguồn nước ngọt ở trên đảo cạn kiệt. Theo thống kê, năm 2014 toàn huyện có 546 giếng, đến cuối tháng 4/2020 tăng lên 2.150 giếng. Ước tính, tổng trữ lượng nước khai thác thực tế mỗi ngày ở Lý Sơn gần 23.000m3.
Trong khi đó, lượng nước được phép sử dụng theo khuyến cáo chỉ ở mức 16.000 m3/ngày.
Theo một số người dân, nếu không được phép khoan giếng thì bắt buộc họ phải giảm diện tích trồng hành, tỏi. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng cũng sụt, kéo theo thu nhập của họ giảm đáng kể.
Ông Võ Thôn (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn), cho biết, mỗi năm nông dân Lý Sơn trồng 2 vụ hành và 1 vụ tỏi. Ngoài ra, trồng một số cây trồng khác như ngô, lạc, vừng... Cây hành, tỏi phải cần lượng nước tưới nhiều, nếu không sẽ rất dễ chết vì mắc sâu bệnh. Tuy nhiên, không phải khoan giếng nào cũng sẽ có nước, có những giếng đầu mùa khô có nước nhưng đến giữa mùa khô lại hết nước nên người dân lại phải khoan giếng khác.
“Bà con chúng tôi cũng biết nếu tự ý khoan giếng sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng nếu không khoan giếng thì không đủ nước để sản xuất. Nông dân Lý Sơn sống dựa vào hành tỏi, mà không sản xuất được thì đời sống chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế và du lịch rất là nhiều”, ông Thôn nói.
Sẽ đầu tư thêm hồ chứa nước
Tình trạng khoan, đào giếng vô tội vạ để lấy nước tưới cây trồng dẫn đến nguồn nước ngầm ở Lý Sơn đang suy kiệt mạnh, nạn xâm nhập mặn ngày càng tăng. Chính quyền huyện đảo liên tục tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các hộ dân khoan giếng trái phép. Từ giữa tháng 4 đến 10/5, cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt và yêu cầu lấp 8 giếng khoan không phép.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, người dân thường lợi dụng ngày nghỉ, ban đêm để lén lút khoan giếng trái phép, khi bị phát hiện họ sẵn sàng bỏ lại máy móc, dụng cụ để rời khỏi hiện trường, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử phạt.
“Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt những hộ dân tự ý khoan giếng. Ngoài ra, để giảm lượng nước phục vụ sản xuất và để bảo vệ nguồn nước ngầm đang bị cạn kiệt, huyện cũng sẽ đầu tư xây dựng hồ chứa nước Giếng Tiền, hồ chứa nước An Bình nhằm dự trữ nước mưa để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Thành nói.
Bất cứ tổ chức, cá nhân nào ở huyện Lý Sơn muốn đào, khoan giếng mới đều phải làm đơn trình UBND tỉnh xin phép. Trên cơ sở kiểm tra, xét duyệt tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp ngành liên quan, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho phép hoặc không cho phép người dân địa phương đào, khoan giếng.