Năm ngoái, NXB Hội Nhà văn gây dư luận ồn ào quanh chuyện nghỉ hưu của giám đốc- nhà văn Trung Trung Đỉnh. Những ngày này dư luận lại xôn xao về việc NXB dừng hoạt động vì thiếu giám đốc. Chiếc ghế trống suốt hơn nửa năm qua chỉ là một trong những yếu kém của NXB Hội Nhà văn. Cục Xuất bản, In và Phát hành nhiều lần ý kiến, thậm chí gửi công văn báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TT&TT về sai phạm có hệ thống của NXB, cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản - Hội Nhà văn Việt Nam.
Công văn ngày 16/12/2016 của Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo về sai phạm của NXB Hội Nhà văn nêu: Trong hai năm 2015-2016 để xảy ra sai phạm đối với 70 xuất bản phẩm. Trong đó năm 2015 có 30 xuất bản phẩm và năm 2016 có 40 xuất bản phẩm sai phạm. Sai phạm về nội dung tư tưởng xảy ra ở 24 xuất bản phẩm, 13 xuất bản phẩm chưa chính xác về sự kiện lịch sử và nhầm lẫn ngày tháng, 24 xuất bản phẩm sai chính tả câu chữ, 9 xuất bản phẩm thực hiện không đúng các quy định tại điều 27 Luật Xuất bản về thông tin ghi trên xuất bản phẩm.
Xem lại các công văn Cục Xuất bản yêu cầu đình chỉ phát hành để sửa chữa một số cuốn sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành, dễ ngạc nhiên về lỗi sai chính tả, cẩu thả trong biên tập. Chẳng hạn cuốn Sét nổ ngang trời Quảng Trị của Tô Đức Chiêu, Cục phát hiện khoảng 20 lỗi chính tả và ngữ pháp như: đa xắc tộc, xắp sếp, xanh cánh trả. Ở cuốn Tiếng vọng Miền Đông tập 2, bài thơ “Mặt trời không bao giờ tắt ở Hoàng Sa” nhưng nội dung lại viết về Trường Sa.
Sai sót về ngày tháng, sự kiện trong cuốn Đinh Văn Niêm - Những mảng đời: Trang 12 nhắc tới Đinh Soạn đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đánh Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Dung. Thực tế vua nhà Mạc không có ai lấy niên hiệu Đánh Chính 9, chỉ có Mạc Đăng Doanh lấy niên hiệu Đại Chính và đúng ra Đinh Soạn đỗ đạt đời Mặc Đăng Doanh không phải Mạc Đăng Dung. Trang 31 nhắc “Khoa Quý Dậu, Tự Đức 26 (1837) đúng phải là 1873. Trang 130 về Nguyễn Công Trứ, phần đầu trang sách viết năm sinh năm mất của ông 1778-1858, nhưng cuối trang lại ghi ông mất năm 1800, hưởng thọ 80 tuổi.
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết ngày 12/1 có công văn yêu cầu NXB kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý từng cá nhân để xảy ra sai phạm, đồng thời có biện pháp khắc phục. “Tuy nhiên, sai phạm vẫn không được khắc phục. Cục tiếp tục có công văn ngày 21/2/2017 yêu cầu NXB yêu cầu thực hiện nội dung nêu ra trước đó”, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nói. Ông Hòa cũng nhấn mạnh, những sai phạm nêu trên của NXB là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm và không cẩn trọng trong biên tập cũng như đọc duyệt nội dung. Cục cũng đề nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, lãnh đạo Bộ TT&TT làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam - cơ quan chủ quản của NXB Hội Nhà văn để chấn chỉnh hoạt động và kiện toàn tổ chức của NXB. “Học sinh cấp 1 viết sai chính tả còn bị điểm xấu. Thế mà NXB Hội Nhà văn-đại diện tầng lớp tinh túy, nhiều chữ nhất và câu từ chính xác nhất - lại cho ra đời câu chữ không đúng ngữ pháp, thiếu tinh tế nhất, là điều không thể chấp nhận”, ông Chu Văn Hòa nói.
Đang khẩn trương làm quy trình bổ nhiệm?
Chiều 18/4, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trả lời phóng viên Tiền Phong: “Ban Chấp hành đang khẩn trương làm quy trình bổ nhiệm ban giám đốc mới cho NXB Hội Nhà văn. Phương án cụ thể chưa có vì có nhiều khả năng, nhiều nhân sự được đưa ra. Hiện nay BCH đang lấy ý kiến từ dưới lên, xem xét tất cả các khả năng”.
Sau khi nhà văn Trung Trung Đỉnh nghỉ hưu từ 1/10/2016, nhà thơ Trần Quang Quý tạm thời giữ vai trò Phó Giám đốc phụ trách đến hết 31/3/2017. Hội tiếp tục gia hạn để ông Quý đảm nhiệm chức vụ này, tuy nhiên lãnh đạo Cục Xuất bản trả lời “làm thế là Cục vi phạm pháp luật”.