Núp bóng đấu thầu, móc tiền bảo hiểm

Núp bóng đấu thầu, móc tiền bảo hiểm
TP - Dự kiến hôm nay, TAND tỉnh Gia Lai tuyên án cựu giám đốc, 2 phó giám đốc cùng 7 trưởng, phó phòng và nhân viên Sở Y tế Gia Lai, cùng bị truy tố vì sai phạm trong đấu thầu thuốc, gây thiệt hại 8,5 tỷ đồng.

> Chín quan chức Sở Y tế Gia Lai hầu tòa
> Khởi tố cựu Giám đốc Sở Y tế Gia Lai

Chọn thuốc đắt và sai xuất xứ

Từ năm 2008 đến năm 2010, Sở Y tế Gia Lai tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc phục vụ nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Thuốc này được thanh toán thông qua quỹ bảo hiểm y tế do Nhà nước chi trả. Các cơ sở y tế công lập căn cứ kết quả đấu thầu để ký kết hợp đồng mua thuốc trong năm.

Để đấu thầu thuốc, Giám đốc Sở Y tế Phùng Xuân Quýnh thành lập Hội đồng và Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc từng năm. Từ năm 2008 đến 2010, các ông Phan Minh Hiếu (Phó Phòng nghiệp vụ Y), Đặng Đức Châu (Phó giám đốc Sở), Đoàn Cường (Phó Phòng Nghiệp vụ Dược) tham gia đấu thầu thuốc 3 năm; Nguyễn Công Nhân (Phó giám đốc Sở), Lê Khánh Lân (Phòng Kế hoạch) tham gia 2 năm; Nguyễn Thị Kim Liên (Phòng Nghiệp vụ Dược), Rơ Mah Plih (Trưởng Phòng Kế hoạch Tài vụ) tham gia 1 năm.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chuyên gia xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu… để trình Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả xét thầu.

Thuốc tham gia dự thầu phải đảm bảo đúng chủng loại, xuất xứ, hàm lượng, có phiếu kiểm định chất lượng…Việc xét thầu tiến hành đối với từng mặt hàng của từng nhà thầu. Thế nhưng, Tổ chuyên gia xét thầu trong 3 năm trên đã loại 9 mặt hàng thuốc dự thầu đủ tiêu chí để chọn 9 mặt hàng khác chào thầu giá cao hơn, 7 mặt hàng chào thầu sai xuất xứ, 61 mặt hàng không đảm bảo tiêu chí của hồ sơ mời thầu.

Ví dụ, năm 2008 thuốc Bifuroxim 500 do Cty XNK Vật tư Y tế đạt các tiêu chí theo quy định, có giá dự thầu 7.166 đồng/viên nhưng bị loại, trúng thầu là thuốc Doroxim 500 (cùng chủng loại với Bifuroxim 500) của Cty CP Dược –Vật tư y tế Gia Lai giá 13.000đ/viên.

Năm 2010, thuốc Wonforazone 1g do Cty XNK Y tế Gia Lai dự thầu đạt các tiêu chí, giá 50.614 đồng/lọ nhưng tổ chuyên gia loại không xét để chọn thuốc Zeefora của Cty Dược Vật tư Y tế với giá 65.720 đồng/lọ v.v… Thiệt hại trong việc bỏ thuốc rẻ mua thuốc đắt này hơn 7,4 tỷ đồng, còn thiệt hại do mua 7 mặt hàng thuốc không đúng xuất xứ hơn 1,1 tỷ đồng.

Ai hưởng lợi?

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã xác minh ông Phan Minh Hiếu vừa làm Phó phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế Gia Lai vừa làm trình dược viên cho Cty TNHH Dược Kim Đô tại TPHCM để bán thuốc Medoclav 625mg trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, được nhận hoa hồng lên đến gần 2 tỷ đồng. Ông Hiếu gửi mặt hàng này cho Cty CP Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai, cả 2 năm 2009-2010 đều được trúng thầu.

Ông Đoàn Cường, Phó phòng Nghiệp vụ Dược trước thời điểm bán hồ sơ mời thầu thuốc năm 2010 đã gửi danh mục một số thuốc mời thông qua email cho dược sĩ Võ Đình Hiệp ở Cty Dược Vật tư Y tế Gia Lai. Cũng trong năm 2010, ông Cường còn gởi toàn bộ chi tiết danh mục thuốc đấu thầu cho địa chỉ email khác.

Nguyễn Thị Kim Liên, nhân viên Phòng nghiệp vụ Dược, thừa nhận năm 2008 thông qua Cty Dược Đà Nẵng gửi 4 mặt hàng cho Cty XNK Y tế Gia Lai để dự thầu, và đã trúng thầu cả 4 mặt hàng.

Đối với ông Phùng Xuân Quýnh, cáo trạng xác định, với tư cách Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, là chủ đầu tư dự án đấu thầu thuốc năm 2008, là người chịu trách nhiệm chung trong đấu thầu thuốc 3 năm 2008-2010, song ông Quýnh đã buông lỏng quản lý.

Ông Quýnh trực tiếp ký vào tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả xét thầu trong đó có 6 mặt hàng thuốc xét thầu sai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,9 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.