Đầu năm 2015, Câu lạc bộ Fanconry Bình Dương chính thức thành lập, nhóm qui tụ được trên 50 thành viên có cùng đam mê nuôi dưỡng huấn luyện chim săn mồi, chim se sẻ, kỳ đà và các thú cưng khác.
Chúa tể bầu trời
Đại bàng là một loài chim săn mồi cỡ lớn thuộc bộ Ưng. Chúng sinh sống trên mọi nơi có núi cao và rừng nguyên sinh, nhưng chủ yếu là lục địa Á - Âu với khoảng 60 loài, còn lại 11 loài khác tìm thấy tại các lục địa còn lại bao gồm 2 loài ở Bắc Mỹ, 9 loài ở Trung và Nam Mỹ và 3 loài ở Úc.
Ở nước ta có ba loại đại bàng sinh sống. Hai loài sinh sống ở Tây Nguyên và một loài ở Phú Quốc và Côn Đảo. Hai loài ở Tây Nguyên gồm đại bàng đen và đại bàng xanh. Loài ở Phú Quốc và Côn Đảo là đại bàng biển bụng trắng.
Đại bàng có nhiều đặc điểm nhận dạng khác nhau nhưng nổi bật là màu lông và kích thước từng loài. Loài đại bàng lớn nhất có chiều dài cơ thể hơn 1m và nặng 7 kg. Loài bé nhất chỉ dài có 0,4m và nặng khoảng hơn 0,5 kg.
Chim mái thường lớn hơn chim trống và nặng hơn chim trống khoảng 25%. Theo một số tài liệu tra cứu, đại bàng có sải cánh hơn 3m và nặng tới 30 kg.Thực tế thì đại bàng nhỏ hơn thế. Sải cánh của chúng chỉ dài từ 1,5m cho đến 2m.
Đại bàng thường làm tổ trên núi hoặc cây cao. Tổ của chúng rất lớn và mỗi năm chúng lại tha về tổ nhiều cành cây mới để làm cho tổ kiên cố hơn. Tổ là nơi chim cái đẻ trứng, mỗi kì sinh nở thì chim cái sinh 2 trứng. Do chim bố mẹ chỉ có khả năng nuôi một chim non nên thường sẽ có cuộc quyết đấu giữa hai chim con. Con nào thắng sẽ được nuôi cho đến khi trưởng thành.
Thành viên câu lạc bộ Fanconry Club Bình Dương và một chú đại bàng.
Chơi vì mê vẻ hùng dũng của chim săn
Anh Lữ Hoài Phong, công tác ở Ban quản lý dự án Bến Cát (Bình Dương), Chủ nhiệm Câu lạc bộ tâm sự: “Chim đại bàng có đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn, có khả năng lao nhanh như tên bắn, là nỗi khiếp đảm của các loài chim trời, rắn và những loài thú nhỏ như chồn, thỏ, chuột, sóc, do đó huấn luyện chim trở lên tinh khôn là niềm đam mê của các thành viên Fanconry Club Bình Dương”.
Theo anh Phòng, từ lúc mới đem chim về, người chơi phải tập luyện cho chim ăn, sau đó là những kỹ năng bay lượn, săn mồi...Thời gian sau chim và người huấn luyện như đôi bạn, chim sẽ nghe theo heo hiệu lệnh của người. Đến khi đạt đến trình độ cao, có thể thả chim bay lượn trên bầu trời và dùng còi làm hiệu lệnh để chim đại bàng quay lại, hoặc tấn công con mồi theo lệnh chủ.
Để có thể nuôi và thực hiện huấn luyện cho một con chim săn, người chơi cần trang bị rất nhiều dụng cụ. Sơ lược có khoảng 12 món đồ cho một tay chơi chuyên nghiệp. Có thể kể đến như: Găng tay da 3 lớp, bộ dây buộc chân, bộ chụp móng vuốt chim, mồi giả, cân điện tử, còi, thiết bị định vị… Giá mỗi món cũng dao động trong khoảng vài trăm đến vài triệu đồng.
Đắt đỏ nhất có lẽ là thiết bị định vị GPS, dụng cụ này giúp người chơi xác định được vị trí bay của đại bàng ở trên không trong khi đang huấn luyện hoặc thả chim đi săn và để phát tín hiệu cho chim bay về. Khoảng cách để định vị của thiết bị này có bán kính độ 80km. Do ở Việt Nam không sản xuất nên hầu hết người chơi phải mua hàng từ nước ngoài, giá mỗi sản phẩm lên đến 16 triệu đồng.
Ngoài ra, đại bàng trống bao giờ cũng quý hơn những con đại bàng mái, bởi lí do người ta mê thú chơi này cũng vì cái dáng to lớn, oai vệ, hùng dũng của đại bàng, về điểm này, con trống bao giờ cũng vượt trội hơn. Một con đại bàng trưởng thành có thể đạt từ 4 - 5kg, sải cánh có thể rộng đến 1m.
Đối với loài chim bay lượn nhiều, việc bổ sung canxi để tạo khung xương và đôi cánh vững chắc là vô cùng quan trọng. Thức ăn của những loại chim săn này thường là thịt, đặc biệt là những loại thịt có xương như chim cút, bồ câu, chim sẻ, thỏ, chuột đồng… Tuy nhiên lại hạn chế các loại thịt nhiều mỡ, đạm như thịt heo, không được cho đại bàng ăn đồ lạnh hay đồ ôi thiu vì chim sẽ bị tiêu chảy.
Một chú chim có vẻ mặt "tỉnh rụi" trước đám đông.
Mối lo lớn nhất của dân chơi đại bàng là căn bệnh lở miệng bởi khi vết lở ăn sâu vào trong xương, chim sẽ chết vì đói. Trong khi đó, ở Việt Nam gần như không có bác sĩ thú y chuyên trị bệnh cho chim. Theo kinh nghiệm của anh Phong, để ngăn tình trạng đại bàng lở miệng thì khi đại bàng ăn xong, phải nhanh chóng dùng bình xịt rửa sạch miệng và chân cho chúng.
Theo anh Quang, nhà ở phường Chánh Mỹ, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương - người sở hữu 2 con đại bàng đầu nâu: đây là loài có nguồn gốc ở vùng sa mạc bên châu Phi. Đặc điểm của loài đại bàng này là móng vuốt và mỏ dài, sắc như dao nhọn và có khả năng sát thương rất lớn.
Tuy nhiên, đại bàng nuôi hiện nay đều được nuôi từ bé nên chúng không có khả năng săn mồi, vì vậy, người nuôi phải huấn luyện để khơi dậy khả năng của loài thú hoang dã này. Đây là công việc kỳ công, cần luyện tập hàng ngày, chỉ những ai thực sự yêu thích và quan tâm đến loài chim này mới có thể huấn luyện được chúng.
Thế nên, khi nuôi đại bàng, người nuôi phải có thêm một số dụng cụ hỗ trợ như bao da để huấn luyện hay hệ thống dây, nơi trú ngụ cho chim. Nếu muốn thả chim bay tự do vào bầu trời, người nuôi, sau khi huấn luyện thuần thục để chim có thể quay về, còn phải dùng hệ thống con chip phát tín hiệu để hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi chim ở Việt Nam chưa sử dụng và quan tâm đến loại dụng cụ này.
Anh Quang kể: “Người nào nuôi đại bàng cũng phải thực sự yêu thích và kiên nhẫn vì loài chim này rất khó tính và khó thuần phục”.
Những chia sẻ "ngộ nghĩnh"
Em Đỗ Quốc Hậu, học sinh lớp 6 ở thị xã Dĩ An, Bình Dương tâm sự: “Khi đi học về gặp trời gió lớn, một chú chim se sẻ rơi khỏi tổ nên em mang về nuôi dưỡng, qua 3 tháng huấn luyện chú chim non đã thành thục, không sợ người, lúc nào cũng bay quanh quẩn bên em. Nhìn vào các anh chị trong nhóm em là thành viên “nhí” nhất, nhưng trình độ huấn luyện chim thuộc dạng có hạng.
Trong câu lạc bộ, có lẽ anh Phi “sóc” là người vui vẻ nhất, bởi đi đâu cũng có một chú sóc bu quanh nhảy nhót. Tuy nhiên khi các bạn thả đại bàng ra săn mồi thì lập tức Phi phải nhốt sóc vào lồng, nếu không chú sóc yêu quí sẽ trở thành mồi ngon cho đại bàng. Còn anh Lê Quốc Đạt, năm nay 42 tuổi, có 2 năm huấn luyện đại bàng đem đến cho một bất ngờ thú vị. Khi anh thả đại bàng bay lượn xung quanh Công viên Thành phố Mới, chim cứ bay mãi, bay mãi... và cứ ngỡ đại bàng sẽ bay về với rừng, nhưng đến chiều tối hôm đó đại bàng mới quay về trong niềm vui và sự thán phục của cả nhóm!
Huấn luyện đại bàng là một môn thể thao mang tính nhân văn và trí tuệ cao, chính vì vậy Câu lạc bộ Fanconry Bình Dương ra đời không chỉ mang tính chất đơn thuần là giải trí, mà tất cả anh em trong hội mong muốn sẽ cùng mọi người cùng chung tay cứu hộ những con vật hoang dã, những con đại bàng bị săn bắt trộm, hoặc chuẩn bị làm thịt, ngâm rượu...được đem về nuôi nấng chu đáo, huấn luyện thành thục các kỹ năng săn mồi, sau đó thả chúng về với môi trường tự nhiên.