Chó trăm cân giá trăm triệu
Vài năm trở lại đây, người chơi chó ở Hà Nội và một số vùng lân cận miền bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh... rộ lên một thú mới: nuôi chó khổng lồ với các giống như Barbarian Mastiff, Great Dane, Alabai...
Ban đầu những dòng chó này được nhập khẩu về từ các quốc gia châu Âu như Nga, Đức, Ý, Ba Lan, hoặc một số nước vùng Trung Á. Nhưng khoảng hai năm nay, một số trại chó ở Việt Nam đã có thể tự lai tạo và cho ra các dòng chó được đẻ trong nước.
Giá chó nhập từ nước ngoài nhẹ nhàng cũng phải hơn 1.000 USD, có nhiều con thuần chủng có đủ giấy chứng nhận, có bố mẹ đã được giải thưởng của nước ngoài có giá không dưới 3.000 - 4.000 USD. Các dòng chó được sinh sản tại Việt Nam cũng có giá không dưới 15.000.000 đồng.
Những loại chó này có điểm chung là thể hình to lớn, con trưởng thành có thể nặng trung bình 80 - 100kg, thể hình cao lớn với khoảng 1m cho con trưởng thành. Nguyên gốc những dòng chó này được dùng để canh gác các trại gia súc ở nước ngoài, hoặc dùng làm chó vệ sỹ, chó chiến đấu. Đây là dòng chó có sức khỏe tốt, cơ xương rắn chắc và khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới cao.
Chi phí để nuôi một con chó này cũng không hề rẻ. Thực đơn của chó trưởng thành khoảng 7 lạng cho đến 1 kg thịt/ngày, thường sẽ sử dụng thịt bò để tốt cho các nhóm cơ, bắp. Ngoài ra phải bổ sung thêm các loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao.
Điều đáng chú ý nhất là dòng chó này có nhu cầu cao về không gian, không phải giống có thể nuôi nhốt. Vì thế người nuôi chó phải có không gian rộng rãi, chó thường xuyên được chạy nhảy và người chủ phải thực sự chuyên tâm.
Những nguy hiểm tiềm tàng
Chia sẻ với phóng viên về những dòng chó khổng lồ này, anh Nguyễn Tuấn Hải, chủ một trại chó trên đường Võ Chí Công cho biết cửa hàng của anh dù đã chuyên những dòng chó lớn như Doberman, Rottweiler, Becgie... với con trưởng thành cân nặng khoảng 40 - 50kg, nhưng so với các dòng chó khổng lồ này chắc chỉ như chó con.
Chủ trại chó này cho biết thêm, anh cũng từng nghiên cứu về dòng chó này khi thấy nhu cầu ngày càng lên của thị trường. Tuy nhiên những bản tính hoang dã của dòng khổng lồ có thể ảnh hưởng đến đàn chó của anh.
"Những con chó này thuộc dòng hung dữ. Chúng phải được huấn luyện bài bản từ 2-6 tháng trước khi giao cho chủ mới. Chủ mới muốn vuốt ve cho phải có chủ cũ ở cạnh, dần dần thiết lập mối quan hệ và tin tưởng của con chó khổng lồ thì nó mới nghe lời. Tôi rất lo ngại việc các người buôn chó xuất chuồng liên tục trên một số diễn đàn mà bỏ qua yếu tố an toàn này" - Anh Hải chia sẻ.
Một con chó khổng lồ trưởng thành biểu diễn kỹ năng tấn công bảo vệ chủ đã được huấn luyện (Ảnh: Zing)
Theo anh Hải, chó càng to thì tính khí càng thất thường. Những dòng chó này sẽ biết trung thành tuyệt đối với con đầu đàn. Nếu nó coi chủ nuôi là "đầu đàn" thì sẽ nhất mực tuân lệnh.
"Tuy nhiên, nếu người chủ không chăm sóc đúng cách, không có uy trước con chó hoặc bỏ bê, thiếu sự giao tiếp giữa chủ và chó, nó sẽ dần quên đi vai trò của con đầu đàn và bắt đầu có những biểu hiện chống đối.
Về lâu dài, đây sẽ là mối họa khi con chó khổng lồ này muốn vượt mặt để làm đầu đàn. Chắc chắn nó sẽ tấn công lại chủ khi gò ép nó vào một mệnh lệnh nó không muốn. Với sức mạnh của nó, việc đớp chết người trưởng thành là chuyện bình thường" - anh Hải đánh giá.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Đạt - chủ một trại chó ở Hà Đông cho biết những dòng chó khổng lồ này rất tự tin vào sức mạnh và luôn muốn thị uy sức mạnh.
"So sánh giữa các giống chó với nhau là điều không phù hợp, nhưng tôi ví dụ vì sao có những trường hợp Pitbull cắn những con chó nhỏ hơn, bởi bản tính hiếu chiến và muốn thể hiện sức mạnh của nó. Đôi khi nó thừa năng lượng và khiến nó hăng máu hơn. Nếu các con chó khổng lồ này không được huấn luyện và luyện tập để giải tỏa năng lượng, lúc nó hăng máu lên điều gì sẽ xảy ra?" - anh Đạt bày tỏ lo ngại.
Ông Thuần, bán quán nước giải khát tại cổng sau công viên Bách Thảo (Ba Đình, Hà Nội) cho biết trong khu vực cũng có một con chó khổng lồ theo mô tả áng chừng gần 100kg.
"Nó to hơn tất cả con chó tôi từng thấy dù là chó tây. Nhiều khi chủ nó buộc nó bằng cái xích sắt ở gốc cây rồi biến đi đâu mất, nửa tiếng sau mới quay lại. Mỗi lần như thế chúng tôi đều hoảng sợ vì nghĩ rằng với sức của con chó thì 10 sợi xích bằng ngón tay thế cũng không đủ" - ông Thuần cho biết.