Nuôi bồ câu thu nhập hàng trăm triệu đồng

TP - Sau nhiều năm mày mò, học hỏi kinh nghiệm nuôi, giờ anh Đặng Thanh Điền, ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã làm chủ trang trại nuôi bồ câu, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nuôi bồ câu thu nhập hàng trăm triệu đồng ảnh 1

Điền bên đàn bồ câu của mình. Ảnh: Hòa Hội

Khởi nghiệp từ 2 triệu đồng

Anh Điền là con thứ 2 trong gia đình 3 anh em. Do hoàn cảnh nghèo nên anh chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ để phụ giúp cha mẹ.

Anh Điền kể: “Cách đây 10 năm, tình cờ tôi xem ti vi thấy mô hình nuôi bồ câu hiệu quả, chi phí thấp có thể áp dụng tại địa phương. Từ đó, thôi thúc tôi quyết tâm đi tìm mua giống về nuôi cho bằng được. Ban đầu, tôi vay 2 triệu đồng để mua 5 cặp bồ câu trị giá 500.000 đồng về nuôi thử nghiệm và làm giống, số còn lại chi phí làm chuồng trại”.

Sau 2 tháng nuôi, từ 5 cặp ban đầu đã nở ra 10 cặp, càng về sau đàn bồ câu đẻ ngày càng nhiều, lên đến hàng trăm con. Lúc đó, anh nghĩ cách tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Anh Điền nhớ lại: “Lúc đó, thịt bồ câu còn xa lạ với nhiều người. Họ chỉ biết con cu đất, thấy con này có hình dáng giống con cu đất nhưng to hơn nên hỏi về chất lượng thịt như thế nào”.

Sau khi các chủ nhà hàng, quán ăn được anh giới thiệu, tư vấn, từ đó, thịt bồ câu của anh được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Dần dần, các nhà hàng, quán ăn đặt hàng của anh ngày càng nhiều, trung bình mỗi tháng các nhà hàng như: Cửu Long, khu du lịch Mỹ Khánh, quán ăn bên cầu Quang Trung ở Cần Thơ, nhà hàng ở Kiên Giang đặt mua gần 300 con với giá 45.000 đồng/con. Người dân khắp các tỉnh ĐBSCL đến tận nhà mua con giống giá 150.000 đồng/cặp, mỗi tháng bán được 8 triệu đồng.

“Trước đây ở quê, nhà nghèo ngoài làm lúa, làm thuê thì không có việc gì khác. Hơn nữa, ở xã này chưa có ai nuôi bồ câu nên tôi quyết tâm đi tiên phong nuôi thử. Nếu có thất bại thì rút kinh nghiệm cho bản thân còn thành công thì mình sẽ đi trước người khác một bước”.

Anh Đặng Thanh Điền

Chia sẻ về nghề, chị Lê Thị Thủy (vợ anh Điền) tiết lộ: “Đặc tính của bồ câu là loài ăn sạch, ở sạch, uống sạch nên vợ chồng tôi chú trọng khâu vệ sinh bằng cách mỗi ngày vệ sinh 1 lần, nước cho bồ câu uống đảm bảo sạch sẽ, làm sân cát để bồ câu tắm không dơ chân. Vì chân bị dơ khi bồ câu lên ấp sẽ giẫm lên trứng dẫn đến bị thối, không nở con được. Mỗi lồng thả tối đa 1- 2 cặp bồ câu nên không mắc bệnh.

Thời gian ấp, nở đến bán được là rất ngắn, khoảng hơn 1 tháng nên lưu ý, nếu phát hiện bồ câu bố mẹ bỏ bồ câu non thì phải thay bố mẹ cho ăn, để bảo vệ bồ câu con không bị chết”. Anh Điền cho biết thêm, thông thường bồ câu chết là do cơ thể bị nóng, thiếu dinh dưỡng dẫn đến bị bệnh đường ruột. Vì thế cần phải chăm sóc kỹ từ bố mẹ đến con, tỷ lệ hao hụt sẽ dưới 10%.

Thành công nhờ đi tiên phong

Nhớ về thời gian chưa nuôi bồ câu, anh Điền tâm sự: “Trước đây ở quê, nhà nghèo ngoài làm lúa, làm thuê thì không có việc gì khác. Hơn nữa, ở xã này chưa có ai nuôi bồ câu nên tôi quyết tâm đi tiên phong nuôi thử. Nếu có thất bại thì rút kinh nghiệm cho bản thân còn thành công thì mình sẽ đi trước người khác một bước”.

Anh cho biết, bồ câu dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc chỉ cần cho ăn lúa, đậu xanh và nước là đủ. Nên hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi gia súc, gia cầm khác, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công sức để chăm sóc, thời gian thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa, diện tích nuôi bồ câu không cần lớn, có thể vừa nuôi bồ câu vừa làm thêm việc khác để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2013, gia đình anh Điền bán gần 5.000 con bồ câu giống và thịt, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, anh có gần 200 cặp bồ câu bố mẹ và hàng trăm con bồ câu thịt đang chờ bán, trung bình 1 con bồ câu mẹ sẽ cho đẻ 12 lần/năm.

Hiện tại nhu cầu của thị trường lớn nên anh Điền đang đóng thêm chuồng để nuôi 700 cặp bồ câu bố mẹ, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Đồng thời cung cấp giống, kỹ thuật cho người dân trong vùng.

Anh Huỳnh Tấn Nuôi, Phó Bí thư huyện Đoàn Châu Thành A, cho biết mô hình nuôi bồ câu của anh Điền đã mang lại hiệu quả lớn, giúp cho nhiều thanh niên khác trong huyện học tập. Bản thân anh là thanh niên nông thôn có ý chí cầu tiến, nghị lực vươn lên bằng chính khả năng của mình.

Anh Điền không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn luôn chia sẻ, sẵn lòng giúp đỡ khi người khác có nhu cầu, mong muốn học hỏi và làm giàu chính đáng. Huyện Đoàn luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để mô hình nuôi bồ câu của anh ngày càng phát triển.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.