Nước mắt SEA Games: Lực sĩ và căn chung cư trên giấy
> Chia tay người yêu, ở lại với cử tạ
> Cử tạ Việt Nam có thêm người giỏi
Cô gái vàng của cử tạ Việt Nam được hứa thưởng… nóng một căn hộ chung cư có giá trên 1 tỉ đồng. Nhưng sau 3 năm, căn chung cư ấy vẫn nằm bất động trên giấy, còn nhà vô địch SEA Games thì không đủ tiền thuê nhà, phải ở nhờ nhà mẹ đẻ cùng đứa con 1 tuổi.
Nguyễn Thị Thiết rơi nước mắt khi đoạt huy chương SEA Games. |
Cục vàng của Hải Dương
Thiết bảo: “Số em bị quả tạ đè lên người nên lúc nào cũng phải gồng gánh”. Lúc đầu Thiết được tuyển vào bộ môn bơi ở Hải Dương, sau đó được phát hiện và đào tạo theo nội dung cử tạ.
Cái tên với cái nghiệp của Thiết như gắn chặt với nhau. Lúc đầu ai cũng nghĩ, bố mẹ đặt tên là Thiết là có ý gắn đời con gái với... cục sắt, tức là môn cử tạ. Hỏi, thì Thiết cười ngất: “Thiết không phải là sắt thép gì đâu. Đơn giản, chị em tên là Thắm”.
Thiết không phải là “cục sắt”, nhưng từng là cục vàng của thể thao Hải Dương. Đoạt 2 HCB các SEA Games 2003, 2005. Đến SEA Games năm 2007 tại Thái Lan, Nguyễn Thị Thiết đã lần đầu đoạt HCV - chiếc HCV đầu tiên của cử tạ nữ Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Thiết còn đại diện cho cử tạ nữ Việt Nam dự Olympic các năm 2004 và 2008.
Cuối 2010, Thiết chính thức chia tay nghiệp VĐV bằng việc mang về cho Hải Dương 3 HCV Đại hội TDTT toàn quốc. Trong lễ tuyên dương công trạng cuối năm 2010, một Công ty bất động sản ở Hải Dương đã cao hứng tuyên bố: Tặng Thiết căn chung cư trị giá 1 tỉ đồng ở thời điểm ấy, chìa khóa sẽ trao cho Thiết vào giữa năm 2011.
Chờ đợi và hy vọng
Thiết chờ và chờ. “Nhà tài trợ chung cư” sau đó không thấy hồi âm. Thiết cũng không dám hỏi bởi căn nhà ấy là “quà tặng”. “Họ nói thế mình biết thế, sao dám đòi?” - Nguyễn Thị Thiết cho hay. Trong khi đó, ai cũng nghĩ là Thiết đã có chung cư tiền tỉ nên trong các đợt hỗ trợ nhà, đất, tên của Thiết bị gạt đầu tiên.
“Nhiều đêm tôi chỉ biết ôm gối khóc. Những gì mình cống hiến có thể trở về con số 0 nếu người ta thất hứa - Thiết nói - tôi giờ phải về ở với mẹ tại Thanh Hà, hằng ngày đi mấy chục cây số đi làm. Tôi cũng không đủ tiền thuê nhà. Lương tháng tròn 3,5 triệu, chồng là bộ đội đóng quân ở Quảng Ninh, chúng tôi lại mới sinh con. Tôi chẳng cần chung cư cao cấp, mà chỉ mong có cái gọi là nhà để ở”.
Thiết thông báo: “Cách đây vài hôm, công ty ấy gọi điện có nhã ý “đền nhà chung cư” bằng một mảnh đất, hoặc một cái nhà nhỏ dưới đất. Cũng rất may là họ chỉ chậm, chứ không quên lời hứa. Thôi thì lại chờ và hy vọng vậy.”.
Với Nguyễn Thị Thiết, bây giờ chị chỉ mong mọi việc sẽ suôn sẻ, chấm dứt nỗi khắc khoải bấy lâu.
Ngoài Nguyễn Thị Thiết, nhiều VĐV khác cũng được hứa thưởng nếu đạt thành tích cao, nhưng lời hứa như gió thoảng. Điển hình là trường hợp Nguyễn Thị Thu Cúc nhiều năm đoạt HCV SEA Ganmes nội dung 7 môn phối hợp. Ngoài việc tập luyện nặng nhọc, từ nhiều năm nay đã phải gồng mình làm thêm để kiếm tiền trang trải, khi chỉ có khoản lương hợp đồng 2 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, hết chạy bàn ở quán cà phê (ảnh), chị còn phải đến công ty quảng cáo làm thêm, rồi mới đến sân Cần Thơ tập luyện. Đến năm ngoái, sau khi giành HCV quốc gia ở tuổi 32, Cúc mới được đặc cách xét vào biên chế, rồi được cho đi học đại học. Trước Đại hội TDTT toàn quốc 2010, Sở VHTTDL Cần Thơ cam kết nếu Cúc giành HCV sẽ hỗ trợ một khoản tiền lớn, như một hình thức đãi ngộ. Cúc đã đoạt HCV, nhưng gần 3 năm trôi qua, tiền không thấy đâu. Cúc đã phải đi hỏi khắp nơi thì mới được những người có trách nhiệm thông báo: Do tình hình kinh tế khó khăn nên họ chưa vận động tài trợ được, và cũng chỉ hứa sẽ giúp vận động tài trợ chứ không phải cam kết. Giờ đây, vì hoàn cảnh éo le riêng, nên Cúc vẫn phải đang gánh một món nợ lớn. Cô vẫn chờ ngành thể thao Cần Thơ thực hiện đúng lời hứa. Nhưng chưa biết đến bao giờ... |
Theo Lao Động