Nước mắt người mẹ

Bà nội Nguyễn Thị Lạp (trái) và mẹ Hiếu - bà Nguyễn Thị Hạnh
Bà nội Nguyễn Thị Lạp (trái) và mẹ Hiếu - bà Nguyễn Thị Hạnh
TP - Chiều qua (7-11), PV Tiền Phong đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi), mẹ em Nguyễn Trung Hiếu (học sinh lớp 11 chuyên Lý, trường Hà Nội - Amsterdam) - tác giả bài văn Thư gửi mẹ cảm động.

> Thư gửi mẹ!
> Bài văn 'nghĩ về tiền' đong đầy yêu thương

Bà nội Nguyễn Thị Lạp (trái) và mẹ Hiếu - bà Nguyễn Thị Hạnh
Bà nội Nguyễn Thị Lạp (trái) và mẹ Hiếu - chị Nguyễn Thị Hạnh.
Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Mở cửa đón chúng tôi tại ngôi nhà ngõ 87, phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội là một phụ nữ dáng người nhỏ bé, gầy gò, da dẻ xanh xao, đôi mắt sưng húp, hai tay nổi đầy những cục u vì những vết tiêm.

Bà Hạnh chia sẻ, chồng mình - ông Nguyễn Xuân Sơn (50 tuổi) - bị viêm tai giữa từ nhỏ, để lâu bị biến chứng não từ khi ba tuổi, vì thế, ông không ổn định về tinh thần, làm việc chậm chạp... Bà nội Hiếu là Nguyễn Thị Lạp (73 tuổi), bị bệnh tiểu đường 30 năm nay. Ông nội nay cũng 90 tuổi, bị cả bệnh phổi và tim nên rất yếu, hiện chỉ nằm một chỗ không đi lại được.

Hằng ngày, bà Lạp và vợ chồng con trai phải thay phiên nhau trực bên ông nội. Cả gia đình năm người chỉ trông chờ vào đồng lương quân nhân về hưu ít ỏi của ông bà nội (hơn 4 triệu đồng/tháng).

“Hồi cháu nó mới học hết lớp ba, tôi bắt đầu đổ bệnh, ốm nặng, phải nhập viện 108. Đến đó, bác sĩ bảo bệnh khó chữa nên cháu nó khóc suốt. Sau đó, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, họ xác định tôi bị suy thận, tim và phổi cũng bị ảnh hưởng nên phải điều trị ở phòng chuyên khoa thận” - bà Hạnh nghẹn giọng.

“Thấy tôi đổ bệnh, cháu Hiếu càng thêm hoang mang. Nó bảo, ông bà thì đã già yếu, bố lại như thế, con chỉ còn mỗi mẹ thôi. Mẹ phải cố gắng mà sống, không có mẹ con không sống nổi” - bà Hạnh nhắc lại lời con trong đầm đìa nước mắt. “Nhiều hôm, thấy cháu đi học về, mặc dù rất mệt nhưng tôi cũng phải nói một hai câu cho cháu yên tâm” - bà Hạnh tiếp.

Được biết, suốt từ năm 2004 đến nay, do bị bệnh suy thận mãn tính, bà Hạnh phải chạy thận mỗi tuần ba ngày vào các sáng thứ hai, tư, sáu. Từ 5h30 sáng, bà đã phải đến bệnh viện. Bà tự đi xe buýt. Hôm nào mệt quá phải nhờ chồng đèo bằng xe đạp...

Bữa cơm ăn thường ngày của gia đình chỉ có cơm trắng, muối vừng với xì dầu. Một nồi cá diếc kho ăn tận mấy ngày chưa hết.

Biết gia đình khó khăn, túng thiếu, cả ông bà và bố mẹ đều bị bệnh nên Hiếu quyết tâm dồn hết tâm trí vào học tập. Em mong muốn được theo học ngành ứng dụng thực tế để có thể ứng dụng được nhiều phương pháp khoa học trong chữa trị, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo Hiếu, ngành này chỉ có thể học ở nước ngoài vì thế em đầu tư nhiều cho việc học tiếng Anh và Vật lý.

Do không có tiền để đi học thêm ở những trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nên Hiếu chỉ có thể mua sách về tự học, đồng thời luyện nghe nói trên máy tính. Hằng ngày, em vẫn ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ để tới trường học. Từ khi mẹ phải chạy thận, em thường xuyên nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền cho mẹ. Hôm nào học cả ngày thì em mang cơm và muối vừng đi ăn.

Dẫu khó khăn là thế nhưng thành tích học tập của Hiếu rất đáng nể. Năm lớp 10, Hiếu đoạt giải nhì kỳ thi Olympic Vật lý do Trung tâm Học Mãi tổ chức. Hiếu học giỏi đều các môn trong lớp 11 chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Từ sáng 6-11, nhiều diễn đàn đăng lại bài văn lạ của Nguyễn Trung Hiếu. Với đề bài “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày quan điểm, Hiếu kể câu chuyện thật: Cả nhà phải sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của ông nội, bà nội mắt lòa, mẹ chạy thận từ 8 năm nay, bố cũng phải nghỉ vì đau ốm.

Cũng từ hoàn cảnh ấy, Hiếu bày tỏ thái độ với đồng tiền: Thù ghét đồng tiền, sợ đồng tiền vì sợ mất mẹ nếu không đủ tiền chạy thận, quý đồng tiền vì mang ơn những tấm lòng hảo tâm. (Xem toàn bộ bài văn Thư gửi mẹ trên tienphongonline).

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.