Nước mắt mẹ cha khi con thú nhận giới tính

TP - Đến đầu tháng 10, chuỗi sự kiện Vietpride dành cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) vẫn đang tiếp diễn. Và mặc dù xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn với những người “không phải dị tính” song như chia sẻ của chính họ, cuộc chiến cam go mệt mỏi nhất vẫn là cuộc chiến với gia đình và người thân.

Nữ yêu nữ: rất nhiều nước mắt

“Chạm đến yêu thương” là một sự kiện đặc biệt được tổ chức trong dịp Viet pride dành cho cộng đồng Nữ Yêu Nữ và các thành viên LGBT. Chương trình diễn ra chiều ngày 23/9 tại Học viện Phụ nữ (Hà Nội) đã thu hút hàng trăm người tham gia.

Từ bãi gửi xe, người bảo vệ trông thấy một loại các cặp đôi Nữ yêu Nữ đang chụp ảnh cho nhau đã hỏi tôi: thế đấy là cô hay cậu? Nghe tiếp những câu chuyện trong hội trường, mới biết thông tin “xã hội cởi mở” dường như đã được thốt ra một cách hơi lạc quan.

Diệu Linh (sinh năm 1998) quê Hải Phòng vừa cầm mic trả lời câu hỏi “từ bao giờ come – out (công khai)” vừa khóc: em nói một lần, bố mẹ đâu có tin, vừa mắng chửi, cấm đoán vừa bắt đi lấy chồng! Nói lần hai, bố gầm lên: mày là con cả đấy! Cho đến nay, hành trình come-out vẫn dừng lại ở số không. Mơ ước lớn nhất của Linh hiện tại là được bố mẹ đồng ý cho sống đúng với giới tính của mình, còn tất cả mọi chuyện khác đều là chuyện nhỏ!

Yến (sinh năm 2000) đến từ Hải Dương tận lực né tránh nhà báo vì “em chỉ lén đến đây thôi, ở nhà đâu đã biết em là les, nếu ảnh lộ ra em chỉ có nước chết”. Khi quen rồi, Yến bảo: em đã đọc câu chuyện của một bạn ở Lạng Sơn, bạn ấy đã thành công come out khi lừa được mẹ đến một hội thảo về LGBT. Em ngưỡng mộ cực kỳ. Từ lúc ý thức được giới tính thật của mình em chỉ có một ao ước: không phải giả vờ khi ở trong nhà. Nhưng chả biết lúc nào mới làm được. Hiện tại Yến kéo dài thời gian độc thân bằng cách tuyên bố với cả nhà là mình ế hoặc tìm cách gây ấn tượng xấu để những đối tác được giới thiệu tự biết khó mà lui.

Hiệp (Nam Định) kể: cậu sống ở một vùng quê ở Nam Định, nơi đây mọi định kiến với người đồng tính vẫn rất nặng nề. Ra đường mẹ cậu không dám nhận con vì sợ người ta chỉ trỏ: bê-đê à? Về nhà, bà trút tất cả mọi ấm ức, xấu hổ, giận dữ lên “đứa con gái lạc loài”. Hiệp bảo: mơ ước lớn nhất đời là được làm con mẹ một cách đàng hoàng!

Trong số mười người được yêu cầu đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình, có đến sáu bảy người lặng lẽ lau nước mắt. Ngay cả những người đã come out thành công, khi nghĩ lại quãng thời gian “sống trong sợ hãi” vẫn thấy “mọi chuyện như một giấc mơ, chỉ sợ tỉnh lại thì vẫn là tiếng chì chiết và sự kỳ thị của chính những người thân”.

Nước mắt mẹ cha khi con thú nhận giới tính ảnh 1 Ảnh về một cặp đôi đồng tính trong triển lãm của Vietpride.

Phụ huynh: chấp nhận hay mất con?

Vietpride năm nay dành khá nhiều thời gian và dung lượng để tác động đến nhóm đối tượng là phụ huynh và người thân của những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Một chuỗi các sự kiện liên tiếp diễn ra ở khắp 34 tỉnh thành, với rất nhiều hoạt động: chiếu phim, triển lãm ảnh, talk show, hội thảo, diễu hành, thi viết v.v...

Hiện nay cộng đồng LGBT đã có hẳn một hội phụ huynh ủng hộ viết tắt là PFLAG hoạt động khá hiệu quả. Câu chuyện của chính họ đã truyền cảm hứng “chấp nhận và vui sống” đến nhiều gia đình khác có con là LGBT.

Cô Phạm Thị Minh Hòa (Thái Nguyên, có con là chuyển giới nam) được giới LGBT like rất nhiệt tình vì gần như là người mẹ duy nhất kể chuyện chuyển giới của con mà không khóc. Cô Hòa là mẹ đơn thân, một mình nuôi hai con và “không muốn mất bất cứ đứa nào vì bất cứ lý do gì”. Con cả của cô Hòa tên là Hoàng Anh, ngay từ nhỏ đã nói không với váy vóc búp bê, thay vào đó chọn làm mọi công việc nặng nhọc trong nhà. Khi nhận ra xu hướng giới tính của con, cô Hòa đã chủ động giới thiệu với những người xung quanh rằng nhà đã có con trai. Kiên trì nhiều năm như vậy, Hoàng Anh đã bớt rụt rè, trốn tránh, cũng tự tin hơn. Bây giờ vẫn có người thỉnh thoảng lại hỏi: “Hoàng Anh sắp lấy chồng chưa?”, khi đó cô Hòa sẽ trả lời: “Nó thành thằng cu rồi. Bây giờ chỉ đợi có con dâu về thôi.”

Cô Nga (Quảng Ninh) được con trai thú nhận mình là gay khi cậu tròn 18 tuổi. Khi đó cô sốc nặng, ốm sụt mất 8kg. Chồng cô là người phong kiến, không chấp nhận sự thật đã đánh con rất dữ. Sau đó con trai bỏ nhà ra đi. Trải qua ba tháng trời tìm kiếm và vận động chồng, hiện tại con trai cô đã đem người yêu về ra mắt gia đình. Cô Nga có chung nhận xét như nhiều phụ huynh khác: từ khi gia đình chấp nhận giới tính của con, tình cảm của bố mẹ và con tốt hơn nhiều, không như trước đây con tìm mọi cách né tránh, tâm sự, chia sẻ gần như là chuyện không bao giờ xảy ra!

Cô Cúc (Ninh Bình) có con là đồng tính nam kể: năm lớp 12 con viết cho cô một lá thư rất dài thú nhận giới tính thật và nhấn mạnh rằng đó là điều con không muốn và cũng không lựa chọn được, con cũng đã đấu tranh suốt 10 năm trước khi công khai với mẹ. Khi đó cô sốc nhưng vẫn hy vọng con sẽ thay đổi, “thẳng” trở lại. Hàng năm trời sau đó là quãng thời gian “hoang mang ghê gớm, thương con, cũng thương mình”. Sau khi được tham gia hội PFLAG, cô Cúc mới thở phào: chỉ tí nữa thôi là mất con, vì thời gian đó con đã có những biểu hiện trầm cảm rất rõ. Sau này, cậu cũng kể, nhiều lúc đã nghĩ đến chuyện tự vẫn để kết thúc mọi hoang mang, đau đớn!

Nước mắt mẹ cha khi con thú nhận giới tính ảnh 2 Xuống đường yêu cầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

 Nhiều người nổi tiếng công khai giới tính

Cây viết trẻ Hạ Vũ, tác giả của cuốn sách best seller “Hôm nay tôi thất tình” (trong vòng ba giờ bán hết 1.000 cuốn) cũng nhân dịp này công khai giới tính thật. Trước đó fan thường nhầm Hạ Vũ là nữ. Tác giả này khẳng định: “chưa bao giờ dùng từ “được” hay “bị” để nói về đồng tính. Chỉ là nó chính là ta, cứ thế mà sống tốt và phát triển những gì mình có mà thôi”.

Đạo diễn trẻ Ngọc Diệp chọn đúng ngày Vietpride tổ chức sự kiện “Cầu vồng trò chuyện” để đăng lên trang cá nhân bài hát “Girl like girl” (Nữ thích nữ) do ca sĩ, nhạc sĩ Hayley Kiyoko trình bày kèm lời trích: “Con gái yêu con gái cũng giống như con trai yêu họ, chẳng có gì mới cả’’!

Ca sĩ Đào Bá Lộc trong tháng 9 cũng gây “bão” dư luận khi chính thức trải lòng về mối tình đồng giới của mình sau rất nhiều đồn đoán. Đào Bá Lộc còn tiết lộ, người yêu cũ của anh là một nam danh hài, MC nổi tiếng, giờ đã kết hôn với nữ ca sĩ nổi tiếng. Những kỉ niệm đẹp cũng như nguyên nhân tan vỡ được Đào Bá Lộc kể rõ tận tình. Tuy nhiên danh tính người tình vẫn được bí mật, thu hút sự tò mò của đông đảo cư dân mạng.

Một sự kiện văn hóa cũng được cộng đồng LGBT chờ đợi để kết thúc chuỗi hoạt động Vietpride năm nay là bộ phim “Tao không xa mày” dự kiến khởi chiếu vào 6/10. “Tao không xa mày” đi theo dòng phim ngôn tình đam mỹ của Trung Quốc, kể về mối tình thanh xuân nhiều hoài niệm của một người đàn ông với một người đàn ông khác. Đạo diễn Rony Hòa trước đó từng gây bão trên Youtube và mạng xã hội với hai phim ngắn “Tao yêu mày” và “Tao không yêu mày”. Phim đã đạt được giải thưởng “Phim được yêu thích nhất” tại cuộc thi phim ngắn “3,2,1 Action” năm 2014. Tính đến nay cả hai phim ngắn nói trên đã thu hút gần 3 triệu lượt xem trên Youtube. 

Chiều 24/9 trong sự kiện mang tên Viet Pride 2017 hàng ngàn bạn trẻ đã tham gia đi bộ trên phố Nguyễn Huệ chào mừng ngày hội của cộng đồng LGBT. Lá cờ cầu vồng, một biểu tượng của cộng đồng LGBT rộng khoảng 15 m2 được đem ra diễu phố trong hơn một giờ đồng hồ. Đại sứ Mỹ cũng xuống đường ủng hộ sự kiện này. Tuy nhiên, sau khi thông tin lan tỏa, một bạn trẻ đã comment: “Hô khẩu hiệu tự hào là người LGBT là quá lố. Chúng tôi không kỳ thị giới tính nhưng làm ơn cứ yên lặng mà sống”. Comment này sau đó được chia sẻ rộng rãi và cũng nhận được sự đồng thuận của hơn 3.000 người tính đến thời điểm ngày 30/9.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.