> Thương hiệu Việt bị đánh cắp
> Hết cà phê lại đến nước mắm
* Thương lái Trung Quốc mua vét cá cơm
Sản phẩm nước mắm truyền thống ở gia đình bà Phạm Thị Mười. Ảnh: Hồng Lĩnh. |
Cty TNHH Thịnh Phát sản xuất nước mắm vào hàng lớn ở Phú Quốc, trước đây mỗi năm sản xuất khoảng 1 triệu lít.
Giám đốc Trần Mỹ Thuận cho biết: “Tháng 9 và 10-2012, giá cá cơm tăng quá cao nên chúng tôi không nhập nguyên liệu. Chúng tôi đã có lộ trình giảm từ 100 thùng xuống còn trên 40 thùng. Giá nguyên liệu tăng cao kéo dài và còn không chủ động được đầu ra, nên không thể sản xuất. Chúng tôi hiện rất băn khoăn chưa biết tính toán thế nào. Một số nhà thùng khác cũng giảm công suất, bán cơ sở hoặc đóng cửa chuyển qua buôn bán, kinh doanh nhà hàng, khách sạn lợi nhuận cao hơn”.
Mỗi thùng chượp 15 tấn cá, cho khoảng 10.000 lít nước mắm các loại. Như vậy, Cty Thịnh Phát, năm nay đã giảm gần 60% công suất với gần 600.000 lít nước mắm.
Giá cá cơm, nguyên liệu chính để làm nên nước mắm Phú Quốc, trong tháng 9 và 10-2012 tăng đột biến, từ 6.500 đ/kg lên 18.000 đ/kg, thậm chí có ngày lên 20.000 đ/kg, gấp hơn 3 lần.
Giá này được mua trực tiếp trên biển, chủ yếu do thương lái từ miền Trung, mua để hấp sấy hoặc phơi khô bán cho thương lái Trung Quốc. Mức giá đã làm rúng động các nhà thùng sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc.
Bà Phạm Thị Mười ở thị trấn Dương Đông, nói bà làm nước mắm ở Phú Quốc đã ba đời, nay với giá nguyên liệu đột nhiên tăng lên như vậy thì không nhà thùng nào chịu nổi, trong khi nếu đẩy giá nước mắm cao hơn thì không ai mua. Bà cho biết thêm, bà làm nước mắm có vốn nhà chứ các nhà thùng khác vay vốn ngân hàng thì rất khó khăn.
Phú Quốc có 104 nhà thùng sản xuất nước mắm với sản lượng 30 triệu lít, trong đó khoảng 17 triệu lít đạt chuẩn 30 độ đạm. Ngày 8-10-2012, Ủy ban châu Âu đã quyết định cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu cho nước mắm Phú Quốc. |
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Nguyễn Thị Tịnh nói, không chỉ tàu miền Trung vào mua cá về chế biến bán cho Trung Quốc, mà tàu các tỉnh lân cận cũng đổ xô về vùng biển Phú Quốc gom cá cơm về để làm nước mắm hoặc phơi khô.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo bà Tịnh, mỗi ngày ước có khoảng vài trăm tấn cá cơm được đưa ra khỏi vùng biển Phú Quốc.
“Giá cá cơm đã ảnh hưởng trầm trọng đến ngành sản xuất nước mắm trên đảo chứ không phải là chuyện khó khăn bình thường”, bà Tịnh nói “trong tháng 9 và 10 vừa qua các nhà thùng chỉ chượp được khoảng 20% so với cùng kỳ và sức sản xuất đang có biểu hiện tiếp tục đình trệ.
Dự báo sản lượng nước mắm sẽ tiếp tục giảm mạnh. Giá nguyên liệu đầu vào tăng chắc chắn sẽ kéo theo đầu ra sản phẩm nước mắm tăng theo”.
Bà Tịnh nêu lên mối băn khoăn của các nhà thùng, việc thu mua cá trên biển mang đi nơi khác tiêu thụ không phải đánh thuế, trong khi làm nước mắm Phú Quốc mua vào thì phải chịu thuế 5% mà không được khấu trừ hoàn thuế.
“Chúng tôi vừa làm văn bản kiến nghị lên huyện, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra nhằm ngăn chặn thất thu thuế. Đặc biệt ngăn chặn việc mua bán cá cơm vô tội vạ bán qua Trung Quốc”, bà Tịnh nói.
Lý giải vì sao cá cơm lại tăng bất thường như thế, ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho rằng: “Thương lái Trung Quốc đặt mua giá cao nên những người thu mua đã mạnh dạn nâng giá. Chẳng hạn giá cá cơm sấy khô 70.000 đ/kg, thì việc mua vào 20.000 đ/kg là lời to. Hơn nữa do cần số lượng lớn trong thời gian ngắn nên xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán trên biển”.
Sáng 14-11, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Nguyễn Thị Tịnh thông tin, giá cá cơm nguyên liệu đã hạ xuống mức 9.000 - 9.500 đ/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn “ngoài sức chịu đựng”, theo các nhà thùng. Nên bà Tịnh nói, Hiệp hội đã họp các hội viên và những người chuyên cung cấp nguyên liệu cá cơm, đưa ra giá trần 8.500 đ/kg. Tuy nhiên, thực hiện thế nào thì chưa rõ.
GĐ Cty Thịnh Phát Trần Mỹ Thuận cho biết: “Sáng 14-11, tôi mới nhập 20 tấn nhưng chỗ mối mang lên chưa nói giá cả cụ thể, không biết có vượt 8.500 đ/kg hay không. Với giá trần đã thống nhất, chúng tôi mới tạm cân đối được đầu ra, thậm chí vẫn lỗ nếu thị trường không ổn định. Còn cao hơn thì chắc chắn lỗ”.
Tình hình chung vẫn còn rất nan giải với các nhà thùng Phú Quốc. Như Cty Thịnh Phát, khi giảm gần 60 thùng chượp, một thùng khi đóng hết 45 triệu đồng, nay bán 25 triệu đồng không có người mua, đã thấy lỗ lớn.
Trong lúc, nguồn cá cơm trên đảo Phú Quốc những năm qua cũng đã trở nên khan hiếm. Cá cơm Bãi Trường ngày xưa được ví như một kho nguyên liệu gần bờ cung cấp cho các nhà thùng Phú Quốc, nay đã cạn kiệt.
Với cách đánh bắt hủy diệt bằng đèn cao áp, với việc đẩy giá cao ngất, thực sự đẩy các nhà thùng sản xuất nước mắm vào bế tắc.