Đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9 khiến nước sông Mã tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá dâng cao, có nơi vượt báo động ba hơn 2 m. Tại vị trí cây cầu La Hán (hay còn gọi là cầu Cành Nàng) thuộc tỉnh lộ 521B có lúc nước lũ mấp mé mặt cầu, khiến cầu hư hỏng nặng.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá, các nhịp cầu từ số 2 đến số 6 bị đẩy trượt về phía hạ lưu 10-60 cm. Trong đó lệch lớn nhất là nhịp 3 và 4, bị đẩy trượt 60 cm. Dầm biên hạ lưu của hai nhịp này chỉ còn kê trên xà mũ trụ khoảng 12 cm. Gối cầu các dầm chính trên đỉnh trụ T2, T3, T4 và T5 bị cong vênh, lớp cao su bị xé rách, nhiều gối bị lũ cuốn trôi.
Toàn bộ các khe co giãn của cây cầu bị hư hỏng, bu lông liên kết khe bị cong gãy, bung bật khỏi bê tông... Nhiều thanh dầm không còn được kê trên gối cầu đúng vị trí ban đầu nên kết cấu nhịp mất ổn định, có hiện tượng rung lắc nhẹ.
Do không đảm bảo an toàn nên nhà chức trách địa phương đã cho dựng biển cấm các phương tiện cơ giới qua lại hai đầu cầu, cử người trực gác 24/24h hướng dẫn giao thông. Người dân chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ qua cầu.
Cầu La Hán hư hỏng khiến đời sống người dân 8 xã khu vực Tây Bắc của huyện Bá Thước, gồm Ban Công, Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Tân Lập, Thành Sơn, Hạ Trung và Thành Lâm bị ảnh hưởng lớn. Các phương tiện chở hàng hóa, xe khách nếu muốn vào các xã trên phải đi vòng quãng đường khác xa hơn khoảng 75 km.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn sau khi đi kiểm tra đã giao Sở Giao thông Vận tải sớm lên phương án sửa chữa cầu La Hán theo diện khẩn cấp nhằm đảm bảo giao thông cho các xã phía Tây Bắc của huyện Bá Thước.
Cầu La Hán có chiều dài 206 m, rộng 8 m, khởi công năm 2004 và đưa vào sử dụng tháng 5/2006. Theo thiết kế, cầu có 6 nhịp dầm đơn giản bằng bê tông dự ứng lực chữ T, mố và trụ cầu bằng bê tông cốt thép.