Học sinh TP.HCM ưu tiên chọn sách giáo khoa miền Nam?
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục thừa nhận từ năm 2015 NXB phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia có kinh nghiệm để biên soạn bộ sách giáo khoa của các tác giả khu vực phía Nam.
Bộ sách này được gọi là "Bộ sách giáo khoa miền Nam", tới khi hoàn thiện có tên chính thức là "Chân trời sáng tạo" và bản quyền sách thuộc về NXB Giáo dục.
Về những băn khoăn khi Sở GD&ĐT "vừa đá bóng vừa thổi còi", tham gia tổ chức biên soạn nhưng lại ảnh hưởng trong việc chọn sách giáo khoa, ông Tùng cho rằng: “Vai trò của giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý cấp trường quyết định việc này chứ không phải sở GD&ĐT hay NXB. Với đặc trưng của mỗi bộ sách giáo khoa, hy vọng có thể phù hợp với các địa phương và được lựa chọn dựa vào chất lượng thực”.
Không ít chuyên gia phủ nhận những khẳng định trên, TS Lê Hoàng Hải, giảng viên đại học cho rằng, ai là người dám đảm bảo 100% các trường cơ sở sẽ chọn sách công bằng, không chịu sự cả nể, tác động, định hướng của Sở GD&ĐT.
Nhất là địa phương có Sở GD&ĐT trực tiếp tham gia biên soạn sách và cũng từng đăng đàn khen ngợi hết lời về bộ sách của địa phương mình.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng chỉ ra nước cờ khôn ngoan khi NXB Giáo dục trả thù lao cho Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn 1 bộ sách giáo khoa đặc thù riêng của miền Nam.
Bộ sách mang đầy đủ những tinh hoa, tập tục, thói quen, văn hóa đời sống của người dân Nam Bộ. Vì thế, khi xuất bản ra thị trường, các giáo viên, phụ huynh ít nhiều sẽ có phần ưu tiên chọn bộ sách giáo khoa có nội dung gần gũi với địa phương để dạy học sinh tiếp thu nhanh.
Theo tiến sĩ Hải, việc làm đó vẫn giữ đúng tinh thần theo nghị quyết 88 của Quốc hội “một chương trình dạy bằng nhiều sách giáo khoa", mặt khác cũng giúp NXB Giáo dục không phải chia nhỏ “miếng bánh lợi nhuận” sách giáo khoa cho các NXB khác ở thị trường niềm Nam, nơi có số học sinh đông nhất cả nước.
Thậm chí nhiều chuyên gia từng nói đùa rằng, chưa cần đợi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn chọn sách ở các địa phương thì TP.HCM đã chọn xong sách cho năm học 2020-2021.
NXB Giáo dục “dắt tay” Sở GD&ĐT “lách qua kẽ hở”
Trên thực tế, tháng 12/2017, Bộ GD&ĐT từng ban hành thông tư số 33 quy định về việc tổ chức biên soạn, thẩm định SGK, trong đó không có nội dung nào cấm các Sở GD&ĐT tham gia biên soạn sách giáo khoa chương trình phổ thông mới.
Khi đó, dự thảo thông tư này nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia. Họ cho rằng cần phải bổ sung quy định Sở GD&ĐT không được tham gia hoặc cử người tham gia quá trình biên soạn sách giáo khoa. Bởi nếu không quy định thì các Sở GD&ĐT có thể sẽ được các NXB mời chào hợp tác, liên kết để biên soạn sách. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Đúng như những dự đoán của các chuyên gia, sau 2 năm, việc NXB Giáo dục trả thù lao cho Sở GD&ĐT TP.HCM được phát hiện. Dư luận càng băn khoăn, lo ngại về tính khách quan trong việc chọn sách giáo khoa ở các địa phương sau này.
Ông Trương Ngọc Lâm, một chuyên gia trong ngành giáo dục đặt vấn đề, nếu các Sở GD&ĐT đều liên kết với các NXB để tham gia biên soạn sách giáo khoa riêng cho địa phương mình, thì có thể sẽ hình thành tình trạng 63 bộ sách giáo khoa/63 tỉnh, thành phố. Cơ quan nào sẽ đảm bảo chất lượng của học sinh cả nước về sau này.
“Tinh thần một chương trình, nhiều sách giáo khoanhằm đa dạng hóa tài liệu dạy học chứ không đơn thuần chỉ là ngăn chặn cơ chế độc quyền của các nhà xuất bản. Sự chuẩn bị và nước cờ của NXB Giáo dục quá khôn ngoan, đánh lạc hướng dư luận. Đơn vị này vừa có thể bỏ được lớp áo độc quyền nhưng vẫn thu về đến 90% thị phần trên thị trường sách cả nước” - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lâm, mặc dù sự bất cập đang thể hiện ra ngay trước mắt, nhưng trong văn bản dưới luật chưa quy định, thì các Sở GD&ĐT tham gia biên soạn sách không phạm quy. Vì vậy, nhận định của dư luận về việc chọn sách giáo khoa khó mà khách quan và không thực hiện công bằng cũng chỉ dừng lại ở lo lắng.
Tuy nhiên, không thể vì thế mà dễ dàng bỏ lơ vấn đề này, bởi nếu không có biện pháp xử lý triệt để, sau này sẽ có rất nhiều Sở GD&ĐT sẵn sàng vào cuộc để chia "miếng bánh lợi nhuận" và "địa phương hóa" sách giáo khoa theo từng năm, từng giai đoạn.
Bộ GD&ĐT chưa lên tiếng về vấn đề này.