Thời gian qua, người dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) phản ánh về một "núi cát" nằm ngay sau lưng bia di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức.
Theo người dân bãi tập kết cát này đã có từ lâu, xe tải chở cát về đây tập kết, vun thành đống cao. Việc tập kết cát tại đây không có che chắn, rào cản đã gây ra tình trạng cát bay, bụi bặm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Ngày 1/4, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo UBND TX Hoài Nhơn, cho biết, địa phương đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn bộ các bãi cát dự trữ trên địa bàn (trong đó có điểm tập kết cát nằm phía sau lưng bia di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức).
Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy bãi cát tập kết cát nằm phía sau lưng bia di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức của Công ty TNHH Tân Lập (trụ sở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), có khối lượng hơn 15.000m3.
"Sắp tới địa phương, sẽ có thông báo kết luận. Chúng tôi sẽ đề nghị phía doanh nghiệp khẩn trương di dời bãi cát đi, trong tháng 4 là phải hoàn thành”, lãnh đạo TX Hoài Nhơn nói.
Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy bãi cát trên của Công ty TNHH Tân Lập khối lượng hơn 15.000m3. |
Thừa nhận núi cát phía sau lưng bia di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức là của doanh nghiệp, ông Đoàn Thế Hòa - Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Lập cho hay, vị trí tập kết cát cũng đã được đơn vị chủ khu đất cho phép. Nguồn cát này đã đóng thuế, có kê khai đầy đủ giấy tờ.
Qua tìm hiểu, di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng ngày 9/1/2006. Theo quy định, đây là khu vực nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm.
Liên quan sự việc này, ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin Sở đã chỉ đạo phía Bảo tàng Bình Định ra phối hợp với Trung tâm Văn hóa của địa phương để kiểm tra, sự việc sau đó cũng đã có văn bản báo cáo.
“Vừa rồi cũng đã có chỉ đạo để địa phương cùng với Sở để quản lý bảo vệ. Bãi tập kết cát này tuy chưa vô vành đai bảo vệ của di tích nhưng cũng đã làm ảnh hưởng không tốt đến di tích”, ông Chánh nói.
Ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng cho biết, qua làm việc đã yêu phía doanh nghiệp khẩn trương di dời đống cát trả lại mặt bằng.
“Bia di tích ngày xưa đặt trùng với đất của quốc phòng và đất văn hóa. Vị trí doanh nghiệp tập kết cát thuộc đất quốc phòng. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cho di dời bia di tích xuống chỗ mộ tập thể Sư đoàn 3 Sao Vàng”, ông Tĩnh nói.