Sân bay Điện Biên đang đóng cửa để sửa sang nên chúng tôi chọn ô tô làm phương tiện di chuyển. Mất nguyên ngày nếu đi từ Hà Nội, nhưng dọc đường bạn có thể ghé nhà tù Sơn La và dừng chân ở đèo Pha Đin để ngắm cảnh, thưởng thức những sản vật địa phương.
Những tác phẩm khổng lồ
Điểm đến đầu tiên trong ngày là tượng đài bằng đồng thau lớn nhất Việt Nam mang tên Chiến thắng Điện Biên Phủ tọa lạc trên đồi D1- nơi cho phép du khách ngắm toàn cảnh thành phố và những dải núi giăng mây mờ phía xa.
Tượng đài thể hiện hình ảnh các chiến sĩ trong tư thế phất cờ chiến thắng cũng như vững tay súng để bảo vệ hòa bình - tượng trưng bằng một em bé trong trang phục dân tộc Thái được chiến sĩ nâng cao trên tay. Khi trực tiếp quan sát tại chỗ, tác phẩm cao 13,25 m (chưa tính bệ) toát lên vẻ đẹp đường bệ, uy nghiêm và là điểm nhấn độc đáo của thành phố.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ quan sát bằng mặt thường sẽ khó thấy hết chi tiết. Ảnh: N.M.HÀ |
Tuy nhiên màu tượng bị xỉn chắc chắn ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi nó ngăn không cho du khách quan sát rõ được chi tiết, nhất là ở phía ngược sáng trong một ngày nhiều mây như khi chúng tôi đến. Chưa kể những vết nứt kèm gỉ xanh vẫn có thể quan sát bằng mắt thường trên thân tượng.
Điểm đến tiếp theo là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với kiến trúc hình nón cụt, trang trí những vạch quả trám mô phỏng chiếc mũ bọc lưới ngụy trang của chiến sĩ ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Các lối vào được thiết kế theo hướng đi xuống gợi nhớ đến hệ thống giao thông hào nơi chiến trường xưa. Có lẽ vừa từ tượng đài về nên tôi có cảm giác tòa nhà nên to cao hơn chút nữa.
Phục dựng cảnh kéo pháo trong bảo tàng Chiến Thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: N.M.Hà |
Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý và quan trọng nhưng bức sơn dầu vẽ toàn cảnh trận chiến cũng là một điểm nhấn quan trọng thu hút khách. Cũng chính do bức tranh này mà giá vé tham quan bảo tàng từ 25.000 đồng tăng lên 100.000 đồng từ tháng 8/2022.
Phải chứng kiến tận mắt mới thấy được độ hoành tráng của tác phẩm toàn cảnh 360 độ được thể hiện liên hoàn theo lối đồng hiện phủ kín toàn bộ tường tầng hai của bảo tàng. Tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ dài 132 m, cao 20,5 m, đường kính 42 m trên tổng diện tích 3.225 m² là bằng chứng hùng hồn cho “quyền năng” của chủ nghĩa hiện thực mang tính sử thi.
Điều này kể cũng hợp lý vì mỗi năm được biết bảo tàng phải chi gần 2 tỷ đồng cho công tác bảo trì tranh, trong đó tiền điện đã lên tới hơn 1,3 tỷ đồng (mỗi ngày tốn 3,7 triệu đồng). Theo tiêu chuẩn châu Âu, tranh phải được bảo quản trong nhiệt độ 20 độ C, độ ẩm dưới 70%. Do đó với thời tiết Điện Biên, hệ thống điều hòa gần như phải hoạt động liên tục.
Tranh được phân ra làm 4 trường đoạn. Đầu tiên là “Toàn dân ra trận” thể hiện trùng trùng từng đoàn bộ đội, dân công thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến.
Kế tiếp là Khúc dạo đầu hùng tráng với điểm nhấn là trận Him Lam như một đòn đánh phủ đầu quân Pháp, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn 3 Cuộc đối đầu lịch sử mô tả những hầm hào, dây thép gai, những trận đánh giáp lá cà và cú nổ tung hầm của 960 kg bộc phá trên đồi A1. Trường đoạn 4 Chiến thắng Điện Biên thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh Pháp và từng đoàn quân của ta lao lên chiếm lĩnh hầm tướng De Castries.
Trích đoạn tranh toàn cảnh trong bảo tàng Chiến Thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TL. |
Tác phẩm khắc họa hơn 4.500 nhân vật trên khung cảnh núi rừng, chiến trường sống động và giàu cảm xúc do hơn 200 họa sĩ thực hiện trong gần 3 năm là một trong 3 bức tranh toàn cảnh (đề tài chiến tranh) lớn nhất thế giới. Năm ngoái, tác phẩm được trao giải Nhất tại Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Khách được bố trí vào thăm tranh theo từng đợt, mỗi đợt chắc chỉ được tầm 20 phút. Tranh sẽ được chiếu sáng từng phần kèm lời thuyết minh. Sau đó khách một lần nữa xem tranh trong tiếng nhạc và được tự do quan sát thêm một chút nữa rồi phải ra ngoài nhường cho đoàn khách tiếp theo. Chắc hẳn ai cũng như tôi đều cảm thấy thời gian được thưởng tranh hơi ngắn. Chưa kể ai cũng muốn quay chụp lại hình ảnh chuyến tham quan đặc biệt này…
Nói chung để tìm hiểu tổng thể bảo tàng, bạn nên bỏ ra một tiếng hoặc nhiều hơn. Nếu bảo tôi nêu lên một vài hiện vật ấn tượng nhất có lẽ đó là chiếc xe cút kít bằng gỗ và tre của bác nông dân Trịnh Đình Bầm (Thanh Hóa). Chiếc xe hình chữ A dài 206 cm, bánh xe có đường kính 75 cm, được ghép bởi ba mảnh gỗ khác nhau trong đó có một mảnh sơn son thếp vàng lấy từ bàn thờ gia tiên nhà bác.
Xe có thể chở được một lúc tới 280 kg. Suốt 4 tháng, cứ 3 ngày một chuyến với quãng đường dài hơn 20 km, bác Bầm vận chuyển gần 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Một hiện vật đáng chú ý nữa là bồn tắm của tướng De Castries. Dù phải ở trong hầm giữa chiến địa, ông vẫn muốn sống xa hoa nhất có thể…
Phượng đỏ đồi A1
Rời bảo tàng, chỉ ít phút sau chúng tôi đã bắt đầu leo đồi A1. Đồi thấp, thoai thoải nhưng quân ta đã phải mất 39 ngày với bao hy sinh mất mát mới giành lại được. Ước tính 2.500 chiến sĩ ta nằm lại nơi này. Đến màu đất nơi đây cũng đỏ đậm chứ không có sắc cam như thường thấy ở các vùng bazan khác...
Du khách lưu lại hình ảnh phượng nở sớm trên đỉnh đồi A1. Ảnh: Hoàng Lan. |
Đồi có nhiều cây cao nhưng lại đứng xa nhau và sáng sớm trước khi chúng tôi đến, Điện Biên hứng chịu một trận mưa lốc lớn, có cả mưa đá. Hẳn vì thế mà nhiều cây bị gẫy ngọn, chơ vơ. Lại càng gợi nhớ đến những ngày đỏ lửa cách đây 69 năm.
Sát đỉnh đồi, mấy cây phượng nở hoa trĩu trịt còn nguyên vẹn, cành sà đúng tầm tay du khách. Cứ như thay vì vươn lên trời, cây muốn hướng xuống đất, thành hình tán ô che cho mảnh đất chứng kiến nhiều hy sinh này. Kề đó đó là mộ chung của 4 chiến sĩ đã có công tiêu diệt xe tăng địch. Xác xe tăng cũng đứng sát bên.
Dấu tích hố bộc phá trên đồi A1. Ảnh: Lương Anh |
Dấu vết của cú nổ bộc phá là một cái hố có hình dáng y như một miệng núi lửa nhỏ. Để đặt được khối thuốc nổ ngay sát nách địch, chiến sĩ ta phải đào 33 m hầm ngầm trong 15 ngày đêm gian khổ. Đúng 20h30 ngày 6/5/1954, khối bộc phá được giật nổ, như hiệu lệnh để quân ta từ các hướng tiến lên tổng tấn công cứ điểm A1 và làm chủ hoàn toàn vào 4h sáng 7/5/1954. Toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích và giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ đồng hồ.
Đường lên đồi A1 sáng 29/4. Ảnh: N.M.HÀ |
Các điểm tham quan trong thành phố sẽ đóng cửa vào lúc 11h và mở lại đầu giờ chiều. Do phải tiếp tục hành trình đến A Pa Chải, nên chúng tôi chỉ kịp ghé cầu Mường Thanh - cây cầu được vận chuyển từ Pháp sang, đứng nhìn hầm De Castries qua hàng rào. Một thành viên lớn tuổi đi cùng đoàn kể cách đây 10 năm ông đến đây, bên hầm vẫn còn cây đa lớn tạo cảnh quan đẹp. Nhưng sau đó do phải xây mái che cho hầm, người ta đã chặt cây đa đi.
Điện Biên Phủ níu chân người bởi sự mến khách cùng các món ăn được chế biến tươi ngon. Một nhà hàng ngay dưới chân đồi A1 thậm chí còn giảm 20% tổng hóa đơn nhân ngày nghỉ lễ thay vì chặt chém như một số nơi khác. Thành phố cũng tập trung nhiều sản vật phong phú như gạo, mật ong, các loại thảo dược… cho du khách tha hồ mua sắm.
Tuy nhiên có thứ mà tôi không bao giờ muốn đem về. Đó là những đồ gỗ cỡ bự được trưng bày, chào bán ở khắp nơi. Chúng tôi còn được ăn sáng ở một nhà sàn gỗ lim mệnh danh lớn nhất Việt Nam… Chúng lý giải vì sao nhiều ngọn đồi cao trong vùng đều trọc lóc.