Nữ y tá 'sứ giả của Diêm Vương' ba ngày giết một người

Poggi thường chụp ảnh bên thi thể nạn nhân để tung lên mạng Internet.
Poggi thường chụp ảnh bên thi thể nạn nhân để tung lên mạng Internet.
Công luận Italia trong những ngày gần đây đặc biệt lưu tâm theo dõi đến tiến trình điều tra về một vụ án giết người hàng loạt, sắp được đưa ra xét xử với hung thủ được truyền thông nước này đặt cho biệt danh là "Sứ giả của Diêm vương".

Kẻ tình nghi đã bị cảnh sát bắt giữ là nữ y tá Daniela Poggi 42 tuổi, trong vòng một năm hành nghề từ tháng 4/2013 đến tháng 4/2014 tại Bệnh viện đa khoa UmbertoI, tỉnh Ravenna, miền Trung Italia, đã trực tiếp gây ra cái chết của 96 bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây. Trung bình cứ 3 ngày lại có một người thiệt mạng dưới tay tên "đồ tể mặc váy" này.

Theo lời thẩm phán Alessandro Mancini, người thụ lý việc điều tra vụ án cho biết, động cơ của hung thủ nhằm trả thù các nạn nhân vì họ đã "buông lời trêu chọc thái quá"(!), như nguyên văn lời hung thủ Poggi khai trước Cơ quan điều tra. Poggi đã có 17 năm làm hộ lý, trong đó 12 năm sau này làm việc ở Khoa Ngoại tổng quát của Bệnh viện Umberto I.

Việc cố ý giết người có hệ thống của nữ y tá biến chất được tình cờ phát giác vào cuối tháng 3/2014, bởi chỉ trong tuần lễ trước đó đã có 5 bệnh nhân tử vong thuộc ca trực đêm của Poggi. Ban lãnh đạo bệnh viện tuy nghi ngờ chân tướng thủ phạm, nhưng lại không cấp báo cho cảnh sát mà chỉ chuyển Poggi qua trực ca ngày để tiện bề theo dõi.

3 ngày sau đó, nữ bệnh nhân Rose Calderoli 78 tuổi đã tử vong vào đúng phiên trực của Poggi, cho dù tình trạng sức khỏe của bà Rose đã cải thiện đáng kể và sắp được xuất viện.

Theo tường trình của chị Manuela Alchi, con gái nạn nhân, trong phiên phát thuốc thường lệ vào buổi sáng ngày 8/4, thân nhân người bệnh bị đuổi ra khỏi phòng. Chừng 10 phút sau trở lại chị thấy mẹ nằm bất động với cặp mắt trợn ngược, rồi bà trút hơi thở cuối cùng ngay sau đó.

Nữ y tá 'sứ giả của Diêm Vương' ba ngày giết một người ảnh 1

Bệnh viện Umberto I  - nơi tên "đồ tể mặc váy" D. Poggi từng làm việc.

Lãnh đạo bệnh viện quyết định giải phẫu tử thi để tìm nguyên nhân cái chết đáng ngờ này. Kết quả cho thấy có sự hiện diện của hợp chất clorua kali (KCl) trong nhãn cầu người bệnh, một chất không có trong phác đồ điều trị mà do y tá Poggi cố tình tiêm vào tĩnh mạch nạn nhân, tạo ra cú đột tử tức thì.

KCl cũng là một trong những độc tố được sử dụng để tiêm cho tử tù tại nhiều tiểu bang ở Mỹ. Thông thường dấu vết của chất KCl biến mất khỏi cơ thể nạn nhân sau 48 giờ, gây khó khăn cho các nhà điều tra nhất là trong những vụ án cần khai quật tử thi tìm chứng cứ.

Thế nhưng, sau đó Poggi vẫn được giữ lại làm việc, tạo điều kiện để giới hữu trách bệnh viện có dịp bắt quả tang khiến hung thủ hết đường chối cãi. Tuy nhiên đến tháng 7/2014, Giám đốc Bệnh viện Umberto I buộc phải sa thải Poggi, do đã ăn cắp tiền của một thân nhân bệnh nhân. Sau đó, lãnh đạo bệnh viện liền thu thập tài liệu liên quan đến Poggi để trình báo cảnh sát. Ngày 9/10/2014, Poggi bị bắt giữ vì tình nghi sát hại bà Calderoli.

Một trong những sở thích quái gở của tên "đồ tể mặc váy" Poggi, là nhờ đồng nghiệp chụp ảnh qua máy điện thoại di động cảnh đứng bên giường nạn nhân vừa từ trần, với 2 ngón tay cái cùng giơ lên ám chỉ hiệu quả ám sát đã "thành công mỹ mãn"(?!).

Tổng cộng có 96 bức ảnh chụp bên người quá cố được kẻ sát nhân tung lên mạng Internet, nhằm phô trương "chiến tích" của mình. "Đây là bằng chứng nổi cộm để các nhà điều tra quy tội giết người hàng loạt đối với thủ phạm Poggi.

Ngoài ra, kết hợp với việc kiểm kê lượng chất KCl trong kho bệnh viện, cơ quan chức năng phát hiện độc chất trên đã vơi đi quá mức so với yêu cầu điều trị của các bác sĩ. Chỉ cần kết hợp các yếu tố nêu trên là đã quá đủ chứng cứ! Bởi theo giới chuyên môn thì chất KCl không tồn tại, nếu có tiến hành khai quật tử thi của những nạn nhân từng thiệt mạng dưới bàn tay của Poggi, thẩm phán A. Mancini quả quyết.

Nếu bị kết tội Poggi có thể lĩnh án tù chung thân truất quyền ân giảm, cũng là mức án cao nhất ở Italia do nước này đã bãi bỏ án tử hình theo luật hình sự chung áp dụng trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), đi vào lịch sử như là một trong những thủ phạm giết người hàng loạt không ghê tay.

Lịch sử tội phạm học thế giới từng ghi nhận nhiều vụ trọng án trong ngành y, biến những kẻ đội lốt lương y thay vì sứ mạng cứu người lại trở thành những tên đao phủ tàn ác. Điển hình là vụ bác sĩ Luis Garavito người Colombia, chỉ trong 5 năm hành nghề đã cướp đi mạng sống của 138 trẻ em vào thập niên 90 của thế kỷ trước; hay vụ điều dưỡng viên Charles Cullen người Mỹ vào năm 2006 đã lĩnh 6 bản án chung thân, vì gây ra cái chết của 40 bệnh nhân trong 16 năm hành nghề ở 2 tiểu bang New Jersey và Pennsylvania...

Theo Quang Long
Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG