Nữ tiến sĩ trẻ và hành trình chinh phục nước Nga

Gia đình TS Nguyễn Thu Hương với vợ chồng Giáo sư hướng dẫn Ảnh: NVCC
Gia đình TS Nguyễn Thu Hương với vợ chồng Giáo sư hướng dẫn Ảnh: NVCC
TP - TS Nguyễn Thu Hương (SN 1988) không chỉ gây ấn tượng bởi thành tích nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – AI, với nhiều bài báo quốc tế và công trình được cấp sở hữu trí tuệ ở nước Nga, mà còn bởi câu chuyện tình yêu đẹp như mơ với chồng là TS Nguyễn Thế Long.  

TS Nguyễn Thu Hương hiện là nhà khoa học, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Nghiên cứu tổng hợp kỹ thuật Quốc gia Irkutsk (Liên bang Nga), đồng thời cũng là giảng viên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. TS. Nguyễn Thế Long, SN 1988, là nhà nghiên cứu cao cấp tại Phòng thí nghiệm AI và giảng viên tại Viện Baikal BRICS,cũng thuộc Đại học Nghiên cứu tổng hợp kỹ thuật Quốc gia Irkutsk (Liên bang Nga).

7 năm yêu xa

Kể về hành trình 7 năm yêu xa để rồi có một kết thúc đẹp như mơ, khi cả hai cùng nắm tay nhau sang Nga nghiên cứu sinh, TS. Nguyễn Thu Hương nhớ như in từng cột mốc thời gian. Ngày 19/11/2006, hai người nhận lời yêu. Đầu tháng 3 năm 2007, Bộ Giáo dục thông báo về học bổng Hiệp định với Liên bang Nga, cả hai cùng làm hồ sơ nhưng chỉ có anh Long đỗ, còn Hương trượt. “Lúc đó, tôi rất buồn. Vì nghĩ cho tôi, nên anh Long có ý định không đi du học. Tôi quả quyết: “Không, anh đừng đánh mất tương lai của mình”. Từ lời động viên đó, ngày 3/10/2007 anh lên đường bay sang Nga. Từ đó, hai người bắt đầu hành trình 7 năm yêu xa nhưng luôn hướng về nhau và hỗ trợ nhau gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.

“Hồi đó, điện thoại, internet còn đắt đỏ lắm nên chúng tôi trao đổi với nhau qua chát Yahoo và điện thoại chỉ gọi block 3 giây, 6 giây. Có khi chỉ một câu hỏi vô cùng quen thuộc: “Anh đang làm gì đấy?”, với câu trả lời vội vàng: “Anh đang học” hay “anh đang ăn cơm”… là đủ thấy ấm áp. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng chúng tôi đã nuôi dưỡng tình yêu bền chặt vượt qua 7 năm cách xa.

Năm 2011, chị Hương tốt nghiệp đại học và được mời ở lại làm giảng viên Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Đó cũng là thời điểm anh Long tốt nghiệp đại học ở Nga. Anh Long động viên, cả hai cùng làm hồ sơ sang Nga học nghiên cứu sinh tiến sĩ. “Lúc đó, tôi rất tự ti vì mình đã từng bị trượt một lần.

Nhưng anh Long động viên tôi hãy tin vào mình, vì ở Liên bang Nga với trình độ kỹ sư như tôi có thể học thẳng lên nghiên cứu sinh nếu tìm được giáo sư hướng dẫn phù hợp. Tôi quyết định làm hồ sơ”, chị Hương kể lại. Ngày 30/8/2013, là một trong những dấu mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời vợ chồng TS trẻ Nguyễn Thu Hương và Nguyễn Thế Long khi cả hai cùng nhận thông báo đỗ học bổng nghiên cứu sinh tại Nga. Ngày 2/10/2013, Hương, Long nắm tay nhau cùng bay sang Nga học, kết thúc 7 năm yêu xa.

2 bản quyền trí tuệ nhân tạo cho 1 dự án AI

Sang Nga, Hương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngôn ngữ.May mắn, giáo sư hướng dẫn có sự thấu hiểu, đồng cảm và động viên: “Có thể ngôn ngữ chúng ta khác nhau nhưng trong khoa học chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung, hướng đi chung”. “Chỉ với câu nói đó thôi, tôi như được tiếp sức mạnh vượt qua mọi thử thách”, Hương nói.

Thành công đầu tiên khi sang Nga của Hương là giải Nhất cho Nhà phát minh trẻ với nghiên cứu: “Hệ thống tự động và phân loại các khuyết tật đường giao thông” tại Festival khoa học toàn Nga. Nghiên cứu sau này được phát triển thành luận án Tiến sĩ của cô.

Từ nghiên cứu nền tảng đó, Thu Hương đã quyết định thực hiện dự án “Hệ thống tự động và phân loại các khuyết tật đường giao thông”, áp dụng các phương pháp học máy của trí tuệ nhân tạo – AI. Với việc áp dụng AI, hệ thống tự động phân tích tình trạng mặt đường giao thông này như thế nào, cần sửa chữa hay chưa, diện tích cần sửa chữa, chi phí sửa chữa thế nào; đồng thời, đưa ra khuyến cáo cho người giao thông có nên đi đường đó hay không và đưa ra gợi ý lựa chọn giao thông tốt nhất.

Dự án nhận được 2 bản quyền sở hữu trí tuệ của Hội đồng thẩm định tối cao khoa học Liên bang Nga và đã được áp dụng trên cơ sở dữ liệu của tỉnh Irkutsk (Liên bang Nga) và Bồ Đào Nha. Với những tính ưu việt đó, Hương mong muốn dự án này có thể được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Nữ tiến sĩ trẻ và hành trình chinh phục nước Nga ảnh 1

Bên cạnh tình yêu đẹp, vợ chồng TS Hương tiếp sức cho nhau giành nhiều thành tựu khoa học đáng ngưỡng mộ trên đất nước Nga 
Ảnh: NVCC

Hai lần tiếp xúc hội đồng bảo vệ Luận án Tiến sĩ

Để có được thành quả ngọt ngào đó, Thu Hương phải trải qua hành trình 6 năm “vượt lên chính mình” ở nơi đất khách quê người.

Do bận chăm con nhỏ, Hương chỉ có thể tập trung làm việc và nghiên cứu khoa học vào buổi tối và khuya khi con đã ngủ say.

Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cũng là hành trình đầy cảm xúc của Hương. Lần thứ nhất, tiếp xúc và bảo vệ thử trước Hội đồng Viện năng lượng Siberia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Khi đó, Hương mới mổ sinh con trai đầu lòng được hơn tháng. “Vết mổ còn đau lắm nhưng được bảo vệ ở Hội đồng này là vinh dự lớn lao nên tôi cố gắng. Giáo sư ái ngại hỏi: “Hương có làm được không?”. Tôi trả lời ngắn gọn: “ĐƯỢC Ạ”, rồi bước vào phòng bảo vệ”.

Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Thầy trưởng Hội đồng nhận xét: “Hương làm nhiều toán nhưng lại ít về mảng năng lượng. Hương phải làm thêm để phù hợp với hội đồng hơn”. “Tôi sốc nặng! Nước mắt chực trào khi nghĩ đến hành trình 6 năm học và nghiên cứu của mình, chưa kể những tháng ngày, con trai nhỏ phải theo mẹ lên viện nghiên cứu, phải nhờ thầy cô giáo trông hộ; rồi chồng đi làm về muộn cũng vội vàng lên Viện nghiên cứu trông con cho vợ”, Hương xúc động kể lại. Cuối cùng, cô quyết định tìm một Hội đồng khác phù hợp hơn, không làm lại đề tài.

Lần thứ hai tiếp xúc hội đồng bảo vệ là sau 6 tháng, bảo vệ trước Hội đồng chuyên về toán và kỹ thuật thuộc trường Đại học Quốc gia Baikal, với sự tham gia phản biện của tổ chức trường Đại học ITMO, trường đại học hàng đầu về Công nghệ thông tin của Nga, thuộc TOP 100 thế giới. Phản biện chính là Giáo sư hàng đầu của Nga về lĩnh vực thị giác máy tính, phản biện thứ hai là một PGS,TS. thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Hội đồng phản biện không chỉ đánh giá cao luận án Tiến sĩ của Hương mà còn rất bất ngờ về một cô gái nhỏ bé đến từ Việt Nam vừa chăm con nhỏ, vừa làm khoa học, hàng năm có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín.“Nhận kết quả bảo vệ thành công, tôi vỡ òa ôm lấy cô giáo (vợ giáo sư hướng dẫn, cũng là người hướng dẫn thứ 2 của tôi) khóc nức nở như một đứa trẻ. Cảm giác những khó khăn đã trải qua không là gì hết, 6 năm xa cách gia đình, tôi đã không làm ai thất vọng. Nước Nga cho tôi tất cả nhưng Việt Nam mới là nền tảng cho tôi ngày hôm nay”, Hương nói trong niềm xúc động xen lẫn tự hào.

Nữ tiến sĩ trẻ và hành trình chinh phục nước Nga ảnh 2 Vợ chồng TS Nguyễn Thu Hương và con trai tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tham gia Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019. ẢNH: LÂM ĐĂNG HẢI

Hiện tại, TS Thu Hương có 20 công bố khoa học bằng tiếng Nga và tiếng Anh, trong đó, có 8 bài báo quốc tế thuộc hệ thống Web of Science và Scopus, 4 chứng nhận sở hữu trí tuệ bản quyền phần mềm. Thời gian tới, TS Hương tiếp tục các nghiên cứu trong lĩnh vực thị giác máy tính, trí tuệ nhân tạo.

“Đứng trước Hội đồng uy tín như vậy, tôi tự nhủ phải nỗ lực hết mình để những nhà khoa học Nga nhìn thấy được trí tuệ, sự tự tin của người trẻ Việt”. TS Nguyễn Thu Hương

MỚI - NÓNG