Hoãn sinh con để nghiên cứu khoa học
Trần Phương Thảo đam mê nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Dược Hà Nội, chị săn học bổng du học để theo đuổi đam mê của mình. “May mắn tôi nhận được học bổng toàn phần của ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Thời điểm đó, chồng tôi cũng nhận được học bổng tại đất nước này. Vì vậy, chúng tôi quyết định cùng nhau đi du học”, Thảo kể.
Để tập trung cho việc học tập, nghiên cứu khoa học, hai vợ chồng chị kế hoạch 5 năm liền không sinh con. Hai vợ chồng chọn ở trong ký túc xá gần trường và phòng thí nghiệm của Thảo. Thời gian biểu của chị bắt đầu từ sáng sớm và thường kết thúc tầm 10 giờ đêm trong phòng thí nghiệm. Có hôm chị làm việc khi rời phòng thí nghiệm thì đã quá nửa đêm.
Trần Phương Thảo được giáo sư hướng dẫn tin tưởng giao thực hiện nhiều đề tài, trong đó có đề tài nghiên cứu phát triển thuốc mới để điều trị căn bệnh Alzheimer - bệnh suy giảm trí nhớ ở người. Đây là đề tài hoàn toàn mới ở phòng thí nghiệm Hàn Quốc. Thời gian chị bắt đầu nghiên cứu đề tài này, trên thế giới mới chỉ có 1 nhóm nghiên cứu ở Đức. Vì thế, chị gặp rất nhiều khó khăn, tất cả mọi thứ đều phải tự mày mò, nghiên cứu.
Chị Thảo cho biết, Alzheimer là căn bệnh gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ, diễn biến theo thời gian và ảnh hưởng đến toàn bộ các chức năng của não bộ. Hiện trên thế giới chưa có thuốc điều trị tận gốc căn bệnh này mà chỉ điều trị triệu chứng. Chị mong muốn tìm ra được chất ngăn chặn nguy cơ gây bệnh để điều trị tận gốc.
Trăn trở tìm hoạt chất mới chữa trị ung thư
Đề tài cấp Nhà nước về chữa trị bệnh ung thư do TS Trần Phương Thảo chủ trì là một trong những đề tài chị dành nhiều tâm sức, bởi tính hữu ích với cộng đồng. Chị và cộng sự đặt ra mục tiêu sẽ tìm ra những chất mới hoạt hóa Enzym caspases, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư. Đề tài do quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí nghiên cứu trong giai đoạn từ 2017 - 2020. Với đề tài này, chị và nhóm cộng sự đã vượt tiến độ cả về thời gian, sản phẩm cũng như số bài báo đăng (quốc tế và trong nước).
TS Trần Phương Thảo cho biết, đây là đề tài lớn đầu tiên chị thực hiện sau khi về nước. Đó cũng là thời điểm chị mang bầu, nuôi con nhỏ nên phải vượt qua nhiều khó khăn, cân bằng giữa công việc và gia đình. Hết thời gian giảng dạy trên giảng đường, chị lại vào phòng thí nghiệm. Buổi tối ru con ngủ say, chị mới dậy làm việc.
“Chồng thấy vất vả, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, thường nhắc nhở tôi đi ngủ sớm, nhưng nhiều hôm say mê quá nhìn đồng hồ thì đã 1-2 giờ sáng. Tôi thấy mình may mắn khi được chồng, gia đình nội ngoại, bạn bè đồng nghiệp luôn ủng hộ hết mình. Chính điều này càng thôi thúc tôi cần nỗ lực nhiều hơn nữa”, TS Thảo nói.
Hy vọng sớm ra đời thuốc điều trị bệnh Alzheimer
Năm 2015, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, TS Trần Phương Thảo quyết định về nước tiếp tục nghiên cứu điều trị căn bệnh Alzheimer. Sau gần 6 năm, cùng các cộng sự, TS Thảo tìm thấy một số dẫn chất mới có khả năng gây ức chế Enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây bệnh Alzheimer. Hiện các chất tiềm năng trong nghiên cứu của TS Thảo đã bước qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tiếp tục thử sâu hơn trên động vật. Chị hy vọng trong tương lai gần sẽ có hoạt chất thử nghiệm trên người để sớm ra đời loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiệu quả.