> Cô bé nhổ cỏ thuê đỗ thủ khoa đại học
Thi xong, đi làm thuê
Ở cuối làng An Thái, xã Phượng Lâu (Việt Trì, Phú Thọ), trong căn nhà mái bằng 2 gian thiếu vắng đàn ông của mẹ con tân thủ khoa không có cái gì đáng giá ngoài chiếc quạt điện, bộ bàn ghế gỗ cùng chiếc tủ quần áo.
Ngày trước, vì quá lứa nên bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bà Nguyễn Thị Sáu (mẹ Hương) đã tìm cho mình đứa con để có nơi nhờ cậy lúc về già. Năm 1994, bà sinh được cô con gái bụ bẫm và đặt tên là Nguyễn Thị Thu Hương.
Ký ức tuổi thơ của Hương là những năm tháng theo mẹ trên những cánh đồng khoai, sắn và những lời dị nghị vì sống trong cảnh không có cha.
Khi ấy, tài sản ông bà ngoại để lại cho hai mẹ con Hương chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất và 1 sào ruộng. Sống trong ngôi nhà dột nát, cứ hôm nào trời mưa to, bà Sáu phải ôm con ngồi nép vào một góc cho đỡ dột.
Năm 2007, bán lô đất vườn được 41 triệu đồng, bà Sáu xây được căn nhà 2 gian mái bằng khá kiên cố.
Không còn lo mưa nắng, mẹ Hương lại tất bật từ việc cấy, gặt thuê, phụ hồ đến trông trẻ… để nuôi Hương ăn học. Cuối năm 2010, bà Sáu được nhận vào nấu ăn (làm thời vụ) cho một Cty ở gần nhà.
Thu nhập không cao nhưng cũng tạm đủ để bà trang trải cuộc sống và đóng tiền học cho con. Gia cảnh khó khăn, không có tiền mua sách tham khảo, Hương mượn thầy cô, bạn bè rồi đi phô tô về để học.
Để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, đợt thi ĐH vừa qua, Hương chỉ chọn thi ngành sư phạm tiểu học, ĐH Hùng Vương để tiếp tục ước mơ trở thành cô giáo. Ngay sau khi thi xong, Hương đã xin vào Cty làm phụ bếp cùng mẹ.
“Ngày biết tin đỗ thủ khoa cũng là lúc Hương đang phụ bếp cùng mẹ trong Cty. Cả nhà bếp nghe tin ấy ai cũng mừng và ôm chầm lấy cả hai mẹ con em. Thi xong, em dự tính chỉ được khoảng 20 điểm thôi, không dám nghĩ mình đỗ cao nhất trường”, Hương nhớ lại.
“Cây” hát xoan của tỉnh
Chưa một lần được tiếp cận máy vi tính, nhưng suốt 12 năm học, Hương luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập với 11 năm đạt học sinh giỏi toàn diện. Hương đạt giải khuyến khích môn Văn cấp thành phố năm lớp 9 và đạt giải ba môn Văn cấp tỉnh lớp 12.
Với Hương, hình ảnh người mẹ tần tảo chạy ăn từng bữa và chắt bóp từng đồng tiền để em ăn học là động lực để em vươn lên, gắng học tốt. “Nếu không có mẹ em đã không có ngày hôm nay”, Hương
khẳng định.
Không chỉ học giỏi, Thu Hương còn có một giọng hát Xoan có tiếng của làng Xoan An Thái (xã Phượng Lâu - phường Xoan nổi tiếng nhất tỉnh Phú Thọ). Hương học hát Xoan từ lớp 4 đến nay.
Với chất giọng mượt mà nên càng học, Hương càng tiếp thu nhanh với những ca từ, nhạc điệu của nghệ thuật hát Xoan đất Tổ. Hương bật mí: “Nếu không được học từ nhỏ, chờ đến giờ em mới học hát Xoan thì rất khó vào. Là đào Xoan trẻ và được các nghệ nhân kỳ vọng nên em thấy cần phải có trách nhiệm gìn giữ loại hình nghệ thuật này không để mai một và truyền cho các thế hệ tiếp sau”.
Chính năng khiếu và chất giọng truyền cảm của mình, Hương đã được đi biểu diễn nhiều nơi ở trong và ngoài tỉnh cùng các nghệ nhân phường Xoan An Thái.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, phường Xoan An Thái cho biết: “Hương là một học sinh ngoan, học giỏi đồng thời là một “cây” đào Xoan triển vọng của phường Xoan An Thái. Hương đã hát Xoan 10 năm và trong mỗi buổi học hay biểu diễn em đều có ý thức, nhiệt tình và niềm đam mê thực sự”.
Mẹ Hương nói: “Giờ đi ra đường ai cũng bảo khao nhưng tôi chỉ biết nói khao tinh thần, khao bằng niềm tin chứ vật chất thì chỉ chờ… mít chín.
Con đỗ đạt là mẹ mừng rồi, dù khó khăn đến mấy tôi vẫn cố gắng để con hoàn thành 4 năm học”.