Nữ thủ khoa lo tiền trang trải việc học ở Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thi Tốt nghiệp THPT với tổng điểm xét tuyển là 29,75, trở thành thủ khoa khối C00 nhưng Nguyễn Thị Thiện, học sinh Trường THPT Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) chưa kịp vui mừng đã đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền khi trở thành sinh viên ở Thủ đô Hà Nội.

Chưa từng đi học thêm

Kết thúc môn thi cuối cùng trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT, Thiện đạp xe đến khu công nghiệp ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để xin việc. Vốn có sẵn nghề may, Thiện dễ dàng xin được việc làm công nhân thời vụ trong Công ty may mặc DHA. “Mỗi ngày em đến công ty và làm khoảng 8 tiếng được trả mức lương từ 200.000 - 250.000 đồng. Em dự tính sẽ làm đến gần ngày nhập học để kiếm một khoản tiền mua máy tính cũng như trang trải chi phí nhập học”, Thiện nói.

Ngày Bộ GD&ĐT thông báo kết quả thi, dù rất hồi hộp nhưng cô nữ sinh vẫn dậy sớm đạp xe đến công ty làm việc. Khi biết được kết quả các môn đều rất cao như: Ngữ văn 9,75; tiếng Anh 8,8; Lịch sử 10, Địa lý 10, tổng điểm xét tuyển khối C00 là 29,75, trở thành một trong những thủ khoa toàn quốc của kỳ thi năm nay em vỡ oà sung sướng đến phát khóc. Kết quả thi là món quà em dành tặng cho bố mẹ, những người gánh chịu biết bao nhiêu khổ nhọc, giành làm hết việc nhà để em có thời gian ôn thi.

Nữ thủ khoa lo tiền trang trải việc học ở Thủ đô ảnh 1

Nguyễn Thị Thiện trong lớp 12A11,Trường THPT Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Ảnh: Quỳnh Anh

Sau khi có kết quả thi, Trường THPT Lê Văn Thịnh đã tổ chức buổi gặp mặt, vinh danh những học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi năm nay, cô nữ sinh vẫn mặc bộ đồng phục học sinh nhưng tô thêm son cho môi hồng, xuất hiện rạng rỡ hơn thường ngày. Nhận bó hoa tươi thắm chúc mừng từ thầy hiệu trưởng, em xúc động, nghẹn ngào.

Cô Đào Thị Toan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A11, Trường THPT Lê Văn Thịnh cho biết: “Ngoài học giỏi, Thiện còn không nề hà làm công việc đồng áng, việc nhà, đi làm thêm để có trải nghiệm, có thu nhập phụ giúp bố mẹ”.

Thiện cho biết, năm học 2023-2024 em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh và giành giải Nhất kỳ thi, tuy nhiên em vẫn dành tình yêu đặc biệt với môn Ngữ văn và Địa lý. Do Lịch sử có gần nửa năm ôn luyện để thi học sinh giỏi nên trong những tháng trước kỳ thi tốt nghiệp, em phân bố thời gian học Ngữ văn và Địa lý nhiều hơn để tránh học lệch. “Khối C00 có lượng kiến thức trải dài và muốn nắm vững, hiểu sâu đòi hỏi học sinh phải chăm chỉ cả quá trình, không phải nước đến chân mới nhảy. Em thường chăm chú nghe cô giảng và ghi chép đầy đủ ở trên lớp, khi về nhà tiếp tục học theo sơ đồ và đọc thêm các tài liệu trên mạng. Riêng bài thi Ngữ văn sau khi đọc đề em viết liền một mạch 4 tờ với 16 mặt giấy mới dừng. Khi về em hi vọng sẽ giành điểm 10 trọn vẹn ở môn này nhưng tiếc khi được 9,75 điểm”, Thiện nói.

Điều đặc biệt, Thiện học nổi trội trong nhiều môn và là học sinh giỏi nhưng chưa từng đi học thêm. Mỗi ngày, em đạp xe chừng 4 cây số tới trường học, buổi trưa lại đạp xe về hỗ trợ bố mẹ nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Bố mẹ làm 6 sào ruộng nên mỗi khi mùa vụ nhiều việc, em vẫn tham gia gặt lúa, cấy lúa.

Lo chi phí Hà Nội đắt đỏ

Thiện sinh ra trong gia đình bố mẹ nông dân nuôi 4 anh chị em ăn học nên điều kiện kinh tế không dư dả. Khi là học sinh ở trường THPT, em cũng vừa học vừa làm kiếm thêm tiền học phí. Khi đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi, được nhà trường tặng thưởng, em đều dồn tiền vào nộp học phí.

Từ khi còn học ở bậc THCS, Thiện đã ý thức được cần phải tự nỗ lực vươn lên, đạt kết quả nào đó như một món quà dành tặng bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ thấy em điểm cao, lại lo lắng. Phía sau ước mơ đại học của con sẽ là áp lực chi phí trong những tháng ngày học ở Hà Nội. Một vài anh chị khoá trước đã giới thiệu một số nơi để em có thể đi làm gia sư, kiếm thêm tiền học phí. Thiện tìm hiểu và “choáng” khi mức phí hằng tháng cho việc học lên khoảng 4,5 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, ở, mua tài liệu có thể lên gần chục triệu đồng/tháng, vốn dĩ quá sức với bố mẹ chỉ làm thuần nông như hoàn cảnh gia đình em.

Trong kỳ thi năm nay, em dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao. Thiện cho biết, em tự tin trúng tuyển đại học nên trước mắt em sẽ tiếp tục đi làm để kiếm tiền trang trải chi phí nhập học.

MỚI - NÓNG