Ekaterina Zelenko bắt đầu quan tâm đến ngành hàng không khi mới 17 tuổi. Năm 1933, cô hoàn thành khóa học điều khiển tàu lượn tại Câu lạc bộ bay Voronezh. Là nữ phi công lái tàu lượn, cô đã sớm lập kỷ lục thế giới về cự ly bay dành cho nữ. Năm 1934, cô quyết định gia nhập Hồng quân Liên Xô.
Sau khi tốt nghiệp trường bay quân sự tại Orenburg với tấm bằng loại ưu, Ekaterina Zelenko được điều đến phục vụ tại Lữ đoàn máy bay ném bom hạng nhẹ số 19 Kharkov. Trong thời gian công tác tại đây, cô đã sử dụng thành thạo 7 loại máy bay chiến đấu, cũng như tham gia các chuyến bay thử nghiệm.
Tháng 11/1939, Zelenko cùng với những phi công khác của Lữ đoàn Kharkov được điều động đến Leningrad để tham gia cuộc chiến giữa Liên Xô và Phần Lan. Tại đó, cô phục vụ ở Trung đoàn máy bay ném bom hạng nhẹ số 11 thuộc Tập đoàn quân không quân số 8, Lực lượng không quân Liên Xô. Cô thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với 8 lần xuất kích, trong đó đã ném bom một kho đạn, cũng như phá hủy một đội pháo binh của Phần Lan. Với thành tích đó, Ekaterina Zelenko đã được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ của Liên Xô.
Sau khi kết thúc cuộc chiến này, cô trở về tiếp tục phục vụ tại Lữ đoàn Kharkov, sau đó được chuyển sang Trung đoàn máy bay ném bom số 135 với vai trò là phi công huấn luyện.
Ekaterina Zelenko bắt đầu tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với tư cách là Phi đội phó Phi đội số 5 của Trung đoàn máy bay ném bom số 135. Cô đã chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và tham gia 12 trận không chiến. Thời kỳ đó, chiến thắng lớn nhất của cô là tiêu diệt một đoàn xe của quân Đức gồm 45 xe tăng, 20 chiếc ô tô và một tiểu đoàn bộ binh, trong đó cô chỉ huy các hoạt động của nhóm máy bay ném bom. Cả nhóm này trở về sau vụ xuất kích mà không hề bị tổn thất.
Trong cuộc tập kích này cũng như lần tiếp theo, khi Zelenko tiêu diệt đơn vị bộ binh của quân Đức, chỉ huy Trung đoàn không quân số 135 đã viết đơn đề nghị phong tặng cho cô danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Bộ Tư lệnh tối cao chấp thuận.
Trong trận chiến ở ngoại ô thành phố Romny của Ukraine, máy bay của cô bị bắn rơi, nhưng cô không bị thương và sau đó tiếp tục trở lại chiến đấu. Chiến thắng lẫy lừng nhất của nữ phi công Ekaterina Zelenko là vào ngày 12/9/1941. Ngày hôm đó, cô đã thực hiện 3 phi vụ, trong đó có một phi vụ trên máy bay đã bị hư hỏng. Chuyến cuối cùng của cô là bay cùng Đại úy Lebedev, Chỉ huy Phi đội, trên hai máy bay ném bom Su-2 tầm ngắn. Zelenko đã tình nguyện thực hiện phi vụ này, sau khi từ chối chờ đợi để sửa chữa máy bay. Lý do là cô đã biết được thông tin về việc xe tăng Đức có thể chọc thủng tuyến phòng ngự trên mặt trận. Mục đích của phi vụ này là để thăm dò xem các đoàn xe bọc thép của địch đang di chuyển theo hướng nào.
Nhiệm vụ đã hoàn thành, nhưng trên đường quay trở về căn cứ, nhóm máy bay Su-2 của Liên Xô bị 7 chiếc tiêm kích Me-109 của Đức tấn công. Khi đang chiến đấu, máy bay của Lebedev bị bắn rơi và Zelenko tiếp tục chiến đấu một mình. Cô đã hạ gục một chiếc tiêm kích của địch bằng súng máy. Lúc này, xạ thủ hoa tiêu Pavlyk chiến đấu chống trả các máy bay khác của Đức đang áp sát từ phía sau. Một loạt đạn bay xẹt qua chiếc Su-2 khiến xạ thủ hoa tiêu bị thương và anh đã báo cáo việc này với nữ phi công Ekaterina Zelenko. Cô ra lệnh cho anh ngay lập tức nhảy dù ra ngoài, chạy về phía đồng đội và báo cáo kết quả chuyến bay do thám. Pavlyk đã nhảy ra khỏi máy bay và sống sót.
Nữ phi công Ekaterina Zelenko vẫn tiếp tục chiến đấu. Những gì xảy ra tiếp theo trong trận không chiến này đã được những người dân địa phương chứng kiến và dõi theo. Máy bay ném bom của Zelenko đã tiếp cận một trong những máy bay chiến đấu của kẻ địch và lao vào tấn công nó. Cả hai chiếc máy bay sau đó bốc cháy ngùn ngụt và rơi xuống.
Cư dân ngôi làng gần đó đã nhanh chóng tìm thấy vị trí rơi của máy bay Liên Xô, cũng như thi thể của nữ phi công cùng tài liệu và tấm Huân chương Cờ Đỏ của cô. Họ mai táng Ekaterina Zelenko và lưu giữ các tài liệu đó. Ngay ngày hôm sau, ngôi làng này đã bị quân Đức chiếm đóng, vì vậy dân làng chỉ có thể kể về chiến công của Zelenko sau khi được giải phóng khỏi quân phát xít.
Nhưng ngay cả sau đó, Bộ Tư lệnh cũng cho rằng, không cần thiết phải có báo cáo về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho cô. Mãi đến năm 1990, khi Liên Xô đang trong giai đoạn sắp sụp đổ, danh hiệu này mới truy tặng cho Ekaterina Zelenko. Tại một số bảo tàng có lưu giữ những kỷ niệm về nữ phi công anh hùng này, thậm chí một tiểu hành tinh cũng đã được đặt theo tên của cô.
Link gốc: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/nu-phi-cong-lien-xo-lao-vao-may-bay-cua-phat-xit-duc-676773