Nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai

Phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai. Ảnh: Zing
Phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai. Ảnh: Zing
TP - Bộ Công an vừa công bố Dự thảo thông tư “Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân” trong đó cho phép nữ phạm nhân được gặp chồng ở phòng riêng không quá 24h, nhưng phải cam kết không mang thai.

Cam kết không mang thai

Tại Mục 3, Điều 5 Dự thảo thông tư này quy định: Thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự. Thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, nội quy của cơ sở giam giữ. Đối với phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng, phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Dự thảo đưa ra quy định về việc nữ phạm nhân được gặp chồng là một nội dung mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt. Tuy nhiên, dư luận không khỏi lo ngại và đặt câu hỏi về việc quản lý, giám sát trong thời gian nữ phạm nhân gặp chồng trong phòng riêng như thế nào? Đặc biệt việc nữ phạm nhân không thực hiện việc cam kết dẫn tới mang thai sẽ xử lý ra sao?

Băn khoăn việc giám sát “căn phòng hạnh phúc”

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an) cho rằng: Việc cho phép phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng đã áp dụng từ lâu, kể từ Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, đến nay được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự. Phạm nhân là người chấp hành án phạt tù, khi họ chấp hành tốt thì họ được gặp vợ hoặc chồng trong vòng 24h.

Thiếu tướng Quân nhận định: Việc cho vợ chồng phạm nhân gặp nhau là rất tốt. Thứ nhất là có thể cải thiện tâm lý của phạm nhân, thứ hai là tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân, thứ ba là sẽ tạo động lực để phạm nhân chấp hành, cải tạo tốt hơn. Thiếu tướng Quân cho rằng: Các phạm nhân cải tạo tốt, thường là họ sẽ tuân thủ theo quy định và các điều khoản cam kết.

“Đối với phạm nhân nam chưa đặt ra vấn đề mang thai bởi khi gặp, vợ mang thai nhưng về gia đình có thể sinh đẻ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, đối với phạm nhân nữ sẽ phức tạp hơn rất nhiều”, thiếu tướng Quân nói.

Thiếu tướng Quân tỏ ra băn khoăn đối với nữ phạm nhân khi gặp chồng. Trường hợp nữ phạm nhân mang thai trong quá trình gặp chồng ở phòng riêng sẽ rất khó xử lý, chính vì thế nên dự thảo đưa ra điều khoản cam kết không mang thai. Và điều này đang cần đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân và các bộ, ngành. Dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến để tính toán thêm, Bộ Công an vẫn đang xây dựng và hướng dẫn thêm để có cách giải quyết sao cho phù hợp nhất.

Thiếu tướng Quân cho rằng:  Nếu trường hợp phạm nhân nữ mang thai và bắt buộc phải sinh, hoặc là gửi con về cho người nhà chăm. Nếu ở các trại giam có khu vực nuôi trẻ riêng thì sẽ cho trẻ gần mẹ để chăm sóc. Trong các quy định, đối với người nuôi con nhỏ cũng sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên hơn, như diện tích nằm lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cao hơn…

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 46, Luật Thi hành án hình sự về chế độ gặp thân nhân, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24h.

MỚI - NÓNG