Nữ nhà văn Tây 'sợ' Tết Việt

Nữ nhà văn Tây 'sợ' Tết Việt
TP - “Tôi rất sợ Tết Việt Nam. Tôi bị ép uống rượu đến khi say khướt, phải ăn bánh chưng, gà luộc từ nhà này đến nhà kia”. Vài năm trước, một người bạn Úc đã nói thế. Bây giờ, bốn nhà văn nữ quốc tế từng sống nhiều năm ở Hà Nội lại cho tôi thấy những điều mới lạ của Tết Việt Nam.

> Khi Tây nghiện Tết ta
> Ăn Tết Việt ở xứ người

Nhà văn Elizabeth McLean:

Nhờ Tết mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con phố tôi đã sống.

Tôi đã ở Hà Nội 6 năm, từ năm 2005 đến khi trở về quê nhà tại Vancouver, Canada vào tháng 6 - 2011.

Trong năm cuối cùng tại Hà Nội, tôi ở một ngõ nhỏ tại 154 Đội Cấn. Đội Cấn là một con phố rất hẹp, với hai vỉa hè chen chúc nào là cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán ăn, hiệu làm tóc, cửa hàng may đo quần áo, cửa hàng photocopy, quán cafe Internet... Giao thông thì khủng khiếp.

Elizabeth McLean và một cụ già người Việt
Elizabeth McLean và một cụ già người Việt.

Cho đến một ngày... vào Tết năm 2011, tôi ra khỏi ngõ và đứng như trời trồng trong đôi dép lê. Con phố vắng tanh, những vỉa hè chẳng một bóng người, sạch bong. Nắng toả xuống vỉa hè, lấp lánh. Không có ô tô xe máy, không có ai cả.

Tôi đi đi lại lại trên con phố Đội Cấn vắng người, tự khám phá và chiêm ngưỡng những điều mà tôi chưa từng nhận ra: những khung cửa và tay vặn có chạm trổ, những lan can sắt xinh xắn, những tượng điêu khắc hình rồng, phượng hoàng bằng xi măng.

Tôi không bao giờ quên được cái ngày bình yên đó, khi đôi mắt của tôi được mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp của phố Đội Cấn.

Nhà thơ Jennifer Fossenbell:

Tôi cùng chồng đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên vào mùa đông năm 2009, và năm 2011, chúng tôi lại ăn Tết ở Hà Nội. Chúng tôi thả bộ xuống bờ Sông Hồng ở gần nhà để nhâm nhi cà phê cùng vài người bạn, rồi chúng tôi đi bộ thật xa, đến tận nhà người bạn trên đường Âu Cơ, cách nhà chúng tôi gần 5km.

Jennifer Fossenbell
Jennifer Fossenbell.

Và rồi tất nhiên, Tết mang tới cho chúng tôi những món ăn thật đặc biệt. Khi đến Việt Nam, tôi dạy tiếng Anh và một người ở trường đã tặng tôi chiếc bánh chưng.

Tôi tưởng tượng rằng Tết thật đặc biệt với những ai đã lớn lên với truyền thống Tết đã được ông bà để lại qua nhiều thế kỷ nay, và họ hiểu rõ ý nghĩa của những truyền thống đó.

Nhưng đối với những người nước ngoài như chúng tôi, Tết cũng đặc biệt theo cách của riêng nó. Với cá nhân tôi, những hình ảnh và sự xúc động về Tết luôn tràn ngập trong tâm trí, như những trải nghiệm đặc biệt của đời người.

Nhà văn, họa sĩ Suzi Garner:

Năm 2007, một người bạn thân của tôi ở Mai Châu, Hoà Bình bị bệnh lao và phải lên Hà Nội điều trị nhiều tháng trời ở Bệnh viện Bạch Mai.

Tết đến nhưng cô ấy vẫn phải nằm viện. Tôi đến chăm cô ấy ở một phòng bệnh rộng tại khoa hô hấp. Giường nào cũng có bệnh nhân, một số giường có những hai người bệnh, với gia đình của họ quây quần xung quanh.

Suzi (ngoài cùng bên phải)
Suzi (ngoài cùng bên phải).

Tôi thật xúc động khi thấy ai ai cũng đóng góp một phần nhỏ của mình để mang không khí Tết đến.

Tối giao thừa năm đó, mọi người tổ chức ăn tất niên bằng cách trải chiếu xuống đất, giữa những giường bệnh. Bữa ăn có gà luộc, bánh chưng, xôi, bánh, kẹo… Tất cả ngồi bệt trên nền gạch.

 Tôi về Hòa Bình ăn Tết. Đang đi trên con đường giữa làng Lạc, Mai Châu, một bà lão nhỏ nhắn gọi tôi đứng lại và loạng choạng bước đến. Bà đứng đó, say bét nhè, cười khúc khích và toe toét với hàm răng đen, đôi môi đỏ lựng vì nhai trầu.

Nhà văn, họa sĩ
Suzi Garner

Đó là bữa tiệc Tết duy nhất không có rượu mà tôi từng tham dự. Bữa ăn đó cho tôi thấy nghị lực của người Việt và khả năng của họ trong việc vượt qua mọi hoàn cảnh và tận hưởng những gì họ có.

Tôi thường về Mai Châu – Hòa Bình ăn Tết. Ở đó trời lạnh vào ban đêm, nhưng thật ấm áp nhờ rượu, tiệc, niềm vui, và những điệu nhảy cùng tiếng trống và tiếng cồng đầy ma mị.

Tết năm 2003, đang đi trên con đường giữa làng Lạc, Mai Châu, một bà lão nhỏ nhắn gọi tôi đứng lại và loạng choạng bước đến.

Bà đứng đó, say bét nhè, cười khúc khích và toe toét với hàm răng đen, đôi môi đỏ lựng vì nhai trầu.

Kéo tay tôi, bà nói liếng thoắng bằng tiếng Thái và những tiếng duy nhất tôi hiểu là “Chúc mừng năm mới”. Tôi thật sốc và bất ngờ đến nỗi cũng bật cười theo bà.

Nhà thơ Mary Croy:

Nhiều năm trước, khi còn ở Mỹ, tôi đã rất quan tâm đến văn hoá Việt Nam và thậm chí còn tổ chức Tết với một nhóm bạn văn chương.

Mary Croy và Tracy ăn Tết Việt Nam
Mary Croy và Tracy ăn Tết Việt Nam.

Từ khi đến sống và làm việc ở Việt Nam, Tết là một giấc mơ đã thành sự thật.

Một trong những kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi là lúc tôi về Huế ăn Tết cùng một người bạn Mỹ tên là Tracy.

Chúng tôi đã đón tàu hoả từ Hà Nội về Huế. Khi rời tàu, người chúng tôi gập xuống như bánh mì xoắn, mệt rã rời. Nhưng chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời với Nhiên, đồng nghiệp của chúng tôi, và gia đình cô ấy. Tôi nghĩ có một yếu tố khiến Tết trở nên đặc biệt đến thế: đó chính là con người Việt Nam.

Elizabeth McLean, Jennifer Fossenbell, Suzi Garner và Mary Croy là những nhà văn, nhà thơ đã gặt hái được thành công trong sáng tác nhờ trải nghiệm của họ ở Việt Nam.

Elizabeth McLean là tác giả của tập truyện ngắn về Việt Nam mang tên “Imagining Vietnam” (Hình dung Việt Nam) vừa giành được giải thưởng “Ấn tượng dành cho nhà văn mới” của Vương quốc Anh.

Jennifer Fossenbell tác giả bài thơ Lại được ở trong lòng Hà Nội đã giành được giải thưởng đặc biệt của cuộc thi Thơ về Hà Nội dịp 1.000 năm Thăng Long.

Suzi Garner là tác giả của hai quyển sách về Việt Nam mang tên Cái chết ở Hà Nội và Con voọc cô độc. Cô đang hoàn thành tiểu thuyết viết về Việt Nam mang tên “The View From Cloud Mountain” (Nhìn từ Núi Mây).

Mary Croy là tác giả của nhiều bài thơ độc đáo về Việt Nam, như Nhẹ chào buổi sáng Hà Nội, Sông Hương, Lá thư tình gửi Hà Nội… đã được dịch và in trên các tờ báo Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG