Tôi vô tình quen Hương Giang khi trông thấy em đứng trên sân khấu casting MC cho một chương trình truyền hình.
Có rất nhiều cô gái nổi bật, xinh đẹp, duyên dáng đến tranh tài trong buổi sáng hôm ấy, nhưng khi MC Thái Tuấn đọc tên, mời Lê Hương Giang thể hiện phần thi của mình, thì từ đầu đến cuối, 2/3 khán phòng phải đứng lên vì khâm phục cô gái khiếm thị tài năng.
Lê Hương Giang (1995)
- SV năm 3 khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Huy chương đồng cuộc thi Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Incheo Hàn Quốc (2012).
- Giải 3 “Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF” với sáng tạo chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói.
- MC phát thanh của VOV giao thông trong 3 năm.
- Nữ MC trẻ khiếm thị đầu tiên trên sóng truyền hình, cộng tác với chương trình “Người phụ nữ hạnh phúc” (VTV2).
Hương Giang đón tiếp tôi tại nhà em trong con ngõ nhỏ ở phố Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chiều hôm ấy lạnh buốt, tới nhà em phải đi qua một cây cầu nhỏ, loanh quanh mấy lần tôi mới tìm thấy ngôi nhà dưới tán cây hồng xiêm cổ thụ rậm rì, xung quanh khá yên tĩnh.
Tôi tưởng người nhà của Giang ra đón tôi, nhưng em tự mình ra mở cổng, ăn mặc giản dị, đi lại tự nhiên không cần gậy dò đường, khiến tôi ngạc nhiên tò mò về cô gái có giọng nói dễ thương này.
Cô gái có đôi mắt đẹp bị số phận che phủ bởi màu bóng tối
Ngày mới lọt lòng, bố mẹ Hương Giang rất buồn khi nghe bác sĩ nói em bị khuyết tật mắt bẩm sinh 1 bên, còn bên kia chỉ được 1/10 thị lực.
Giang lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, đến khi nhận thức rằng mình không có đôi mắt sáng như bao bạn đồng lứa, em cũng không buồn đau nhiều, trời sinh Giang đã có một nghị lực phi thường và tâm hồn luôn lạc quan yêu đời, khiến người khác cũng vui vẻ theo.
Bố mẹ đặt tên em là Hương Giang vì mong em có cuộc sống êm đềm, luôn rạng rỡ, và nó đã trở thành sự thật, ít nhất là tuổi thanh xuân của em đang trôi qua không hoài phí, và cô gái nhỏ đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho đời.
Chỉ tiếc là, tất cả đánh đổi bằng đôi mắt...
Bố mẹ đưa Giang đi chạy chữa khắp nơi, đông tây y đủ cả nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời: "Không thể chữa trị được".
Năm 2001, Giang theo học trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, em hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, học chữ bình thường nhưng mỗi lần đọc sách em phải đeo kính "khủng", cộng thêm cầm 1 chiếc kính lúp trên tay.
"Đa phần em viết chữ theo cảm giác, vì mắt em nhìn rất mờ, chỉ phân biệt được sáng tối. Lên cấp 2 thì mắt em hoàn toàn không thấy gì nữa. Em không sốc, vì từ lúc biết mắt không chữa được em đã tập làm quen với điều ấy.
Cái em sốc nhất là cách mọi người đối xử với em cơ. Các bạn sáng mắt luôn trêu chọc, không chơi với em, thể hiện sự kỳ thị, thậm chí còn nói một câu làm em ghi nhớ sâu sắc là mù như em sau này chỉ làm xoa bóp bấm huyệt mà thôi.
Dường như đó là suy nghĩ của rất nhiều người, bởi cách đây vài năm khi em đi thực tế tại một địa phương, có người cũng nói với em là ở chỗ họ, người mù chỉ làm được 2 việc là thầy bói và hát rong".
Giang luôn nghĩ rằng mình may mắn vì gặp được nhiều người tốt. Bạn bè, anh chị ở trường giúp em học cách sinh hoạt bình thường, tham gia các hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, làm gốm, viết báo tường…
Cô gái sinh năm 1995 này còn được mọi người trong trường gọi là "nhị ca" vì cá tính mạnh mẽ, không hề thu mình vào bóng tối.
Lên cấp 3, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất của trường THPT Thăng Long, một ngôi trường công lập không học chữ nổi, không có thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị nên việc theo học đối với Giang khó khăn vô cùng.
Cô bé đã từng có ý định thôi học, vì bước ra khỏi trường Nguyễn Đình Chiểu, với Giang là một thế giới rất khác.
Nhưng rồi, Giang nhớ đến những cảm xúc của mình khi ca hát văn nghệ, dẫn chương trình ở trường, nên em bắt đầu nuôi giấc mơ đam mê sân khấu, muốn làm cầu nối giữa cộng đồng người khuyết tật với người bình thường.
3 năm phổ thông Giang luôn đạt thành tích học sinh giỏi, giành giải 3 nghiên cứu khoa học quốc gia nên được tuyển thẳng vào khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV vào năm 2014. Đó là thành tích ấn tượng nhất của cô gái khiếm thị này.
Khó ai có thể tin rằng một cô bé khiếm thị lại có thể phát minh ra chiếc máy đếm tiền và phân biệt tiền giả phát ra tiếng nói.
Ai cũng nghĩ một ngày của Hương Giang trôi qua rất khó khăn, nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn. Giang không muốn ai nhìn nhận mình là một người khuyết tật, em đã tự vượt qua mọi khó khăn để làm chủ cuộc sống riêng.
"Dù không thấy gì nhưng em vẫn có thể tự mình làm được nhiều việc. Em rất ít khi ở nhà, sáng dậy sớm đi học, sau đó thì em tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoại khóa, làm thêm, và dẫn chương trình thực tế do em và một số bạn khác tự tổ chức.
Em không dùng gậy vì trước đây em cũng từng nhìn thấy mờ mờ nhiều thứ xung quanh, nên ở nhà thì mọi thứ đều rất thân thuộc, còn ra ngoài thì tùy địa hình, mọi người chỉ dẫn cho em.
Giang nhớ hết từng bậc cầu thang, lối vào phòng... trong căn nhà quen thuộc.
Quần áo mặc hàng ngày thì em tự chọn theo trí nhớ, cảm nhận hình dáng chất liệu bằng tay, còn màu sắc thì đôi khi phải nhờ mẹ hoặc em gái tả.
Trước đây em cũng từng nhìn thấy mờ mờ rồi nên những đồ nào còn dùng từ lâu thì em nhớ, còn lại đồ mới do mẹ mua thì mẹ mô tả cho em biết.
Thỉnh thoảng ra ngoài đi sự kiện hoặc đi làm, đi dẫn, đi chơi thì mọi người giúp em lựa chọn kiểu dáng màu sắc cho phù hợp".
Minh Trang (13 tuổi), em gái ruột của Hương Giang cũng tâm sự rằng, chị gái mình là một người kỳ diệu, tốt bụng và đầy tình yêu thương.
"Chị Giang hay cười, vừa xinh lại kể chuyện cũng hấp dẫn. Chị rất giỏi văn, là thần tượng của em đấy. Từ lúc bé khi biết mắt chị không thấy gì, em luôn là người ở cạnh trò chuyện với chị nhiều nhất, đọc sách cho chị nghe.
Chị thích sách về Hà Nội, âm nhạc, truyện ngôn tình. Thích nghe nhạc Trịnh, opera.... Mấy năm nay chị Giang đi làm thêm, em toàn chở chị đến đài rồi đón về.
Chị Giang tặng em rất nhiều quà, lần nào có tiền lương cũng cho em đi xem phim. Chị dùng số tiền thưởng cuộc thi MC năm ngoái để mua lò nướng cho em.
Hai chị em rất thân nhưng cũng chành chọe nhiều lắm, chị trêu chọc em suốt, toàn gọi em là Cún".
Cô bé lí lắc chạy từ tầng 3 xuống dưới tầng 1 để nhờ Giang buộc tóc, chuẩn bị đến lớp học tối.
Hai chị em Giang giống nhau như đúc, dù cách nhau gần chục tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười răng khểnh như nhau, trông như 2 cô công chúa rộn rã trong lâu đài nhỏ đầy cây xanh và những giá sách cao ngất, ngày ngày ở bên nhau sống thật vui.
Có lẽ, trong mắt người khác Hương Giang là cô gái khiếm thị đáng thương, nhiều thiệt thòi, nhưng em thì khác, luôn nhìn thế giới qua lăng kính tươi vui và tràn đầy sức sống.
Giang mời tôi uống nước mà không cần ai giúp đỡ.
Cô bé có thể sử dụng máy tính, điện thoại như người bình thường, với phần mềm hỗ trợ bằng giọng nói để nhận biết.
Từ cô sinh viên trẻ trở thành nữ MC khiếm thị đầu tiên dẫn show thực tế
Bước vào nhà của Giang, ngay cạnh cửa ra vào là bức tường với hàng chục bằng khen, giải thưởng mà cô bé đoạt được từ nhỏ đến lớn, trong đó tự hào nhất là giải thưởng trong chương trình The Next MC 2016, công nhận tài năng làm chủ sân khấu của cô bé khiếm thị đầy nghị lực.
"Bố mẹ em luôn sợ em đi làm bị bắt nạt, gặp nhiều khó khăn, nhưng em luôn cố gắng và hiện tại cũng tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Em rất biết ơn các cô chú, anh chị đã cho em cơ hội được làm MC dẫn cho chương trình phát thanh trên VOV, và bây giờ là người dẫn cộng tác cho show thực tế ‘Người phụ nữ hạnh phúc’.
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi biết em được nhận làm MC, lại còn là show thực tế, nhưng bản thân em biết đó là thế mạnh, đam mê của mình.
Có rất nhiều khó khăn với em khi làm công việc dẫn, cái này chắc mọi người hình dung được, nhưng em vui vì có được nhiều trải nghiệm. Em cảm nhận cuộc sống qua sự tưởng tượng riêng và luôn thấy nó rất đẹp".
Song song với giấc mơ làm MC nay đã thành hiện thực, thì Hương Giang còn muốn là chuyên gia tâm lý giỏi để gạt bỏ sự sợ hãi của người khiếm thị và cải thiện suy nghĩ người thân của họ.
Ngày còn bé tí xíu, Giang từng làm khách mời của chương trình nổi tiếng "Người đương thời", mang lại cho em món tiền lớn đầu tiên trong đời đó là catxe 500 ngàn.
Đến bây giờ thì em được mời tham gia rất nhiều chương trình rồi, cũng tự đi làm kiếm tiền được, và mọi người biết đến em nhiều hơn, khâm phục Hương Giang nhiều hơn bởi cô gái nhỏ luôn tỏa sáng dù cuộc sống của em bị phủ bởi bóng tối từ cách đây gần 10 năm.
Hương Giang chưa một lần đầu hàng số phận.
Cô gái trẻ thích tự tay chăm sóc những người mà mình yêu thương.
Giang buộc tóc cho em gái rất nhanh và thành thạo, tự cảm nhận bằng đôi bàn tay của mình.
Giang kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình, đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên.
"Lớp 9 em được sang Thụy Điển theo một chương trình trao đổi học sinh. Lúc ấy vẫn nhìn được mờ mờ.
Em được gặp Hoàng hậu bằng xương bằng thịt, được thăm thú lâu đài ở đó, thấy y như trong truyện cổ tích. Em và các bạn được vào rừng nhặt quả thông, ngắm biển xanh như trong tranh, cát trắng tinh.
Thầy giáo hướng dẫn cho bọn em ngồi trên bờ biển xây lâu đài bằng cát, đá, lông chim, cành cây, và thầy nói một câu mà sau khi được nghe phiên dịch em luôn ghi nhớ suốt đời: Ánh mặt trời hôm nay và cả lâu đài các em làm, tất cả đều có thể biến mất.
Trên cuộc đời không có gì vĩnh cửu, nên cứ làm hết mọi điều mình đam mê".
Đó là ký ức đẹp đẽ cuối cùng Giang thu nhận bằng đôi mắt của mình, sau đó thì cửa sổ tâm hồn của em đã khép lại mãi mãi, không thể thấy nữa.
Tuy nhiên, ai gặp gỡ cô bé xinh xắn này rồi cũng đều có chung cảm nhận rằng đôi mắt của em rất đẹp, trong sáng, tràn đầy nội lực, kiên nghị và chân thành.
Cô gái khiếm thị này đã đã đặt chân đến nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Singapore, Thái Lan…
Tuy thiệt thòi vì không được ngắm nhìn cảnh sắc, cuộc sống và người dân ở những nơi ấy, nhưng Giang có cả một thế giới trong tưởng tượng rất đẹp và sinh động.
Trở thành nữ MC dẫn hiện trường nhưng không - nhìn - thấy đầu tiên trên sóng truyền hình, có lẽ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời em. Tôi đang mong chờ được nhìn thấy em rạng rỡ cất tiếng nói trên tivi vào một ngày không xa.