Nữ họa sĩ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng

TP - Họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ không dừng lại ở con số 160.000 km và 3.157 bức chân dung. Với chiếc xe cub 50cc của mình, bà sẽ tiếp tục chuyến hành trình về miền ký ức của các mẹ Việt Nam anh hùng…

Hoài bão của một họa sĩ chiến trường

Tôi gặp họa sĩ Đặng Ái Việt cuối tháng 7 vừa qua trong triển lãm “Tâm họa tri ân” của bà, được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Người họa sĩ ấy tuy đã tóc bạc da mồi nhưng đôi chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt sáng ngời và giọng nói sang sảng. Bà luôn mang theo một chiếc khăn rằn, khi thì quấn ngay ngắn trên cổ, khi thì buộc gọn gàng quanh mái tóc bạc trắng như bạch kim.

Tên thật của bà là Đặng Thị Bông. Bà tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 15 tuổi, lấy tên Đặng Ái Việt làm bí danh hoạt động cách mạng. Trong thời gian này, bà đã là một “họa sĩ chiến trường” có tiếng. Khi đất nước độc lập, bà theo học Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp năm 1981, sau đó ở lại trường giảng dạy đến năm 2003 thì nghỉ hưu.

Suốt 14 năm qua, bà đã tự mình lái xe máy rong ruổi hơn 160.000 km khắp mọi miền Tổ quốc để vẽ chân dung của 3.157 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ở tuổi 76, bà không “rửa tay gác cọ” mà vẫn hăng say lao động nghệ thuật với bầu nhiệt huyết luôn căng tràn, sục sôi. “Tôi muốn tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập Tổ quốc. Lòng biết ơn các mẹ không cho phép tôi dừng lại”, họa sĩ Đặng Ái Việt nói.

“Mẹ Trần Thị Đỏ ở Hà Tĩnh tâm sự với tôi rằng, trước khi từ giã cõi đời, mẹ chỉ muốn mang hài cốt đang thất lạc của con mình về để xây một ngôi mộ. Mẹ bảo, đất nước đã độc lập được gần 5 thập kỷ mà con của mẹ vẫn phải nằm bơ vơ một mình giữa đất trời sương gió... Rồi tôi và mẹ cứ ôm chầm lấy nhau mà khóc…”. Hoạ sĩ Đặng Ái Việt

Bà còn đi vì sự thúc ép của thời gian. Khoảng 20 năm nữa, liệu đất nước ta còn bao nhiêu mẹ Việt Nam anh hùng? Rồi sẽ đến lúc các mẹ từ giã dương thế để đoàn tụ với các con của mình. Vì vậy, Đặng Ái Việt không chỉ sáng tác nghệ thuật, mà còn bồi đắp vào khối tư liệu lịch sử về mẹ Việt Nam anh hùng. Được góp một phần nhỏ để giúp hình ảnh các mẹ trường tồn với thời gian - đó là ước nguyện lớn nhất của bà.

Và cuối cùng là vì niềm tin mà người chồng đã khuất là nhà báo, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Anh hùng Lao động Phạm Khắc đã gửi trao nơi bà. Dù có đôi chút lo lắng, ông luôn tin tưởng và ủng hộ bà thực hiện dự án này. “Vậy nên tôi quyết tâm phải thực hiện bằng được, dù anh không còn ở bên động viên và hỗ trợ nữa…”, họa sĩ Đặng Ái Việt xúc động.

Ngày 19/2/2010, ba năm sau khi NSND Phạm Khắc qua đời, họa sĩ Đặng Ái Việt chính thức bắt đầu dự án nghệ thuật có tên “Hành trình nét thời gian”.

“Hữu ư tâm xuất hình ư diện”

Một mình trên chiếc xe máy Honda Chaly 50cc, họa sĩ Đặng Ái Việt lên rừng, xuống biển, băng đèo, vượt núi để gặp các mẹ Việt Nam anh hùng. Bà đi hoàn toàn bằng tiền lương hưu của mình. Hành trang bà mang theo tối giản hết mức: họa cụ, bản đồ, nhật ký, quần áo và một vài đồ dùng thiết yếu, được đựng trong một chiếc thùng sắt và một chiếc ba lô buộc chặt sau yên xe. Đến nay, dù đã thay tới chiếc xe máy thứ tư, nhưng bà luôn trung thành với những chiếc xe máy 50cc nhỏ nhắn.

Nữ họa sĩ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng ảnh 1

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ mẹ Nguyễn Thị Kiểm tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Tôi hỏi, điều khó nhất khi vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng là gì? “Khó nhất là vẽ được tâm hồn của các mẹ”, họa sĩ Đặng Ái Việt trầm ngâm. Mất con là nỗi đau tột cùng của bất cứ người mẹ nào. Người họa sĩ phải “vẽ” lại được niềm đau ấy lên trang giấy, dù nó lặng lẽ ẩn sau một nụ cười hay hằn sâu trong ánh mắt. Họa sĩ Đặng Ái Việt rất tâm đắc một câu nói của cổ nhân: “hữu ư tâm xuất hình ư diện” - cái tâm bên trong ắt sẽ biểu hiện ra tướng mạo bên ngoài.

“Mỗi khi vẽ, tôi luôn tập trung toàn bộ trí lực vào khoảnh khắc hiện tại. Đạo Phật gọi đó là thực hành chánh niệm. Khi ấy, mọi thứ xung quanh như biến mất, chỉ còn người họa sĩ, tác phẩm và nhân vật. Tôi như người lữ hành đi vào miền ký ức đau thương của các mẹ, cùng họ trở về những ngày tháng chiến tranh bom đạn khốc liệt, cùng cảm nhận nỗi đau xé nát tâm can khi biết con đã hy sinh…”, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ.

Tháng 4/2021, hoạ sĩ Đặng Ái Việt vinh dự là họa sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Và cứ thế, chân dung các mẹ hiện lên đầy tự nhiên và thuần khiết, không chút gượng ép. Nhiều khi đang vẽ, mắt người họa sĩ nhoà đi lúc nào không hay. Vẽ xong, bà và các mẹ lại ôm chầm lấy nhau, cùng khóc…

“Tôi cứ nhớ mãi lần gặp mẹ Đặng Thị Huệ ở Quảng Ngãi. Chiều chiều, mẹ thường ra đứng ở bụi tre ở đầu làng, im lặng nhìn về phía hoàng hôn. Nhiều người hỏi mẹ đang chờ ai. Mẹ bảo: “Tôi đứng chờ mấy chú về”. Mấy chú ấy là những người con đã hy sinh của mẹ. Người ta bảo mẹ lẫn rồi. Nhưng tôi tin rằng mẹ không lẫn! Đó là miền ký ức có thật của mẹ. Nơi ấy, mẹ vẫn được gặp lại những người con của mình, cùng họ quây quần bên bữa cơm chiều…”, người họa sĩ xúc động.

Tiếp tục hành trình

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ, bà không hề đơn độc trên hành trình vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng. Biết bao con người đã giúp đỡ và hỗ trợ bà, đặc biệt là chính quyền và cơ quan chức năng ở cả trung ương lẫn địa phương.

Trên mọi bức chân dung bà vẽ đều có tên, chữ ký của lãnh đạo địa phương cùng con dấu đỏ của cơ quan. Đó là một lời tri ân của người họa sĩ tới những người đã đồng hành, hỗ trợ bà. Nhưng vẫn còn đó một ý nghĩa khác.

“Bạn có thể thấy trong mọi con dấu đều có quốc huy của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trước tháng 7/1976 là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Tôi muốn người trẻ khi xem tranh sẽ hiểu rằng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người con đã hiến dâng tất cả để nhà nước ấy được ra đời và tồn tại đến ngày hôm nay. Và tôi mong người trẻ sẽ lấy đó làm động lực để tiếp tục xây dựng đất nước”, người họa sĩ chia sẻ.

Dù dự án chưa hoàn thành, họa sĩ Đặng Ái Việt quyết định sẽ tặng toàn bộ tranh chân dung về mẹ Việt Nam anh hùng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Có người tò mò, bà cảm thấy mình được gì và mất gì sau quyết định ấy? “Tôi chẳng mất gì cả, ngược lại còn được rất nhiều! Bảo tàng sẽ giúp tôi thực hiện ước nguyện lớn nhất của mình, đó là giúp hình ảnh các mẹ trường tồn mãi với thời gian”, bà khẳng định.

Nữ họa sĩ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng ảnh 2

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt tại triển lãm “Tâm họa tri ân”, được tổ chức ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cuối tháng 7/2024. Bên cạnh họa sĩ Ái Việt là nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết sẽ không dừng lại ở con số 160.000 km và 3.157 bức chân dung. Với nguồn cảm hứng bất tận chảy trong huyết quản, người hoạ sĩ sẽ tiếp tục chuyến hành trình về miền ký ức của các mẹ Việt Nam anh hùng. Đó không chỉ là ký ức của riêng các mẹ, mà còn là ký ức của cả dân tộc về một thời hoa lửa khốc liệt mà oai hùng…

MỚI - NÓNG