Chị Chuyền cho biết, hiến máu tình nguyện là một hành động cao quý mang đậm tính dân văn. Mỗi giọt máu của chúng ta ngoài nhiệm vụ duy trì sự sống cho bản thân mà nó còn mang một nhiệm vụ thiêng liêng cứu sống người khác trong cơn nguy kịch.
Những năm qua, phong trào hiến máu ở tỉnh Sóc Trăng cũng tương đối khá, trong đó lực lượng đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích chiếm chủ yếu.
Chị Lê Kim Vân – Đội trưởng đội phong trào Công an huyện Kế Sách chia sẻ: “Tôi đã tham gia hiến máu được 13 lần, với mong muốn giúp cho người bệnh có được sự sống, ngoài ra bản thân cũng thấy thoải mái khi làm những việc ý nghĩa. Gia đình tôi rất ủng hộ, sáng nay chồng sợ quên nên nhắc”.
Được biết, vừa qua chị Vân được nhận kỷ niệm chương tôn vinh hiến máu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng.
Còn chị Nguyễn Thị Diễm Trinh – Cán bộ đoàn xã Kế Thành (Kế Sách) cho biết, một số người cho rằng việc hiến máu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ hoặc hiến máu sẽ bị bệnh. Theo chị thì suy nghĩ ấy chưa xác đáng, bởi khi hiến máu thì chỉ lấy đi một lượng máu trong giới hạn an toàn, bảo đảm đúng quy trình. Hơn thế nữa, thông qua việc hiến máu chúng ta còn kịp thời phát hiện các căn bệnh về máu như: viêm gan, HIV….
Trong đợt hiến máu lần này, có rất đông người dân đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Kế Sách đến tham gia. Tiêu biểu là ông Danh Sa Rây, hiện đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện Kế Sách, người có 25 lần hiến máu. Năm 2018, ông được tôn vinh 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.
“Tôi đã nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện song sức khoẻ vẫn tốt, làm việc bình thường. Vì thế, tôi tự nhủ sẽ tiếp tục tham gia hiến máu nhân đạo cứu người khi điều kiện sức khoẻ còn cho phép và tiếp tục vận động nhiều người hơn nữa cùng tham gia”, ông Sa Rây nói.