Việt Hoàn được phong NSƯT từ 5 năm trước. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Chương trình Tiếng hát từ trái tim tôi của NSƯT Việt Hoàn diễn ra tối 22-2. Việt Hoàn từng giành Cúp Bạc Liên hoan Mùa Xuân Bình Nhưỡng năm 2005. Bước vào con đường chuyên nghiệp kể từ khi tham dự cuộc thi Đơn ca Chuyên nghiệp toàn quốc 1991, nhưng có 9 năm trước đó hoạt động không chuyên.
Sau khi đoạt giải Nhất giọng hát hay tỉnh Thái Bình, Việt Hoàn được mời về đội văn nghệ Công an Hải Phòng. Anh đến Hải Phòng với hai chiếc quần thì một chiếc pích-kê. Sau một lần đứng chung sân khấu với NSND Lê Dung, Việt Hoàn được chị khuyên lên Hà Nội.
Năm 1996 anh trúng tuyển Nhạc viện với sự phụ đạo của Lê Dung. Suốt 4 năm đại học, nhiều lời mời biểu diễn nhưng anh từ chối để tập trung học tập. Việt Hoàn coi việc gặp gỡ Trọng Tấn, Đăng Dương là may mắn. “Cùng nghèo nên chúng tôi có sự đồng cảm. Hai bạn đều tài năng, hát cùng họ tôi học được nhiều”.
Việt Hoàn tự nhận cách hát của anh mềm hơn Trọng Tấn, Đăng Dương: “Mọi người nói trong bộ ba, tôi hát truyền cảm nhất”. Ít người biết Việt Hoàn ca vọng cổ rất mùi. Bố mẹ đều là nghệ sĩ cải lương ở Thái Bình. Hồi nhỏ, Hoàn từng thuộc cả vở cải lương, đóng được tất cả các vai. “Giờ tôi thích đóng vai phản diện hơn, vì mặt hợp”, anh cười nói.
Cùng hát với Việt Hoàn trong đêm nhạc riêng có Mỹ Linh, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương… Chương trình chia làm 3 phần, phần đầu mang tên Quê hương dáng mẹ của tôi dành tri ân người mẹ. Bố mất sớm, suốt nhiều năm, mẹ anh mỗi ngày chỉ ăn một bữa, để dành cơm gạo nuôi 6 người con, Hoàn là út. Mỗi khi sẩm tối, anh thường đứng ở cửa nhà nhìn theo dáng mẹ hao gầy gò lưng trên chiếc xe đạp, hành trang nghệ sĩ đựng trong chiếc ba lô bộ đội đi diễn xa hai ba chục cây số. “Hình ảnh của người mẹ là số một trong chương trình của tôi”, anh khẳng định.
"Không hiểu sao trên quãng đường nghệ thuật, tôi hay gặp nhiều người giúp đỡ. Do cách sống hay do bản mặt của mình, lúc mới gặp, ai cũng cảm tình, thấy thương thương rồi quý. " |
Chương trình có sự tham gia của vợ anh - Diễm Hoa trong vai trò đồng dẫn chương trình. Được hỏi bí quyết trẻ lâu, Việt Hoàn cười: vì lấy vợ trẻ. Diễm Hoa kém chồng khoảng 17 tuổi, từng làm công tác Đoàn và phát thanh viên truyền hình.
Việt Hoàn cho hay anh đã dồn hết tâm huyết cũng như vốn nghệ thuật vào chương trình. Do được một công ty đứng ra tổ chức cùng một số doanh nghiệp tài trợ bằng cách mua vé, nên cũng không đến nỗi chịu áp lực về tài chính. “Không hiểu sao trên quãng đường nghệ thuật, tôi hay gặp nhiều người giúp đỡ. Do cách sống hay do bản mặt của mình, lúc mới gặp, ai cũng cảm tình, thấy thương thương rồi quý”.
Như nhiều nghệ sĩ dòng nhạc đỏ, nổi tiếng nhờ nhiều bài hát đã đi vào lòng nhiều thế hệ người nghe, Việt Hoàn tự tin: “Các bài hát cũ qua giọng Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ, Lan Anh… đều rất hay. Các ca sĩ trước đây có điều kiện được sống đúng trong môi trường bài hát ra đời. Các cô chú hát bằng bản năng nhiều hơn. Ca sĩ bây giờ hát bằng học thuật, bằng sức lực của tuổi trẻ. Họ có tài năng và đủ trình độ thể hiện bài hát tốt hơn”.
Được hỏi sao không tìm kiếm sáng tác mới để đỡ bị so sánh với đồng nghiệp đi trước, Việt Hoàn giãi bày: “Những bài hát dòng bán cổ điển bây giờ để nghe được thì có, nhưng hay thì hầu như không. Lâu lâu mới có những bài như Khúc hát sông quê, Vỗ bến Lam chiều... đều của nhạc sĩ có tuổi.
Nhạc sĩ trẻ bây giờ muốn nổi danh sớm, họ quay lưng với dòng nhạc này hoặc không có cảm hứng sáng tác. Ca sĩ muốn khẳng định mình đành tìm những bài cũ. Tôi vẫn tìm những ca khúc cũ nhưng ít người hát như Tôi là Lê Anh Nuôi, Tôi người lái xe… Một số ca sĩ trẻ thì cứ nghe Anh Thơ, Trọng Tấn hát bài gì là nhái lại. Theo tôi, dù đó là bài cũ đi nữa, cũng không nên, nếu không muốn thành bản sao”.