Dường như người yêu âm nhạc ở Sài Gòn ai cũng biết tới cái tên Quốc Trụ, dù ông chưa hề có nhạc phẩm nào để đời cũng như một chương trình biểu diễn nào gây sự chú ý. Khán giả nghe tên ông chỉ bởi rất nhiều ngôi sao ca nhạc đã từng nhắc tới ông một cách trân trọng, coi ông là người thầy đầu tiên dìu dắt họ bước chân đầu tiên vào với âm nhạc.
NSƯT Quốc Trụ, nguyên trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM qua đời vào tối 14/8 tại bệnh viện Quân y 175 - TPHCM sau 10 ngày chữa trị COVID-19.
NSND Tạ Minh Tâm, một trong nhưng học trò xuất sắc của NSƯT Quốc Trụ kể, khi mới bước chân vào nhạc viện TPHCM, thầy Quốc Trụ dạy anh về thanh nhạc. Thầy không chỉ hướng dẫn các học sinh về kỹ thuật thanh nhạc mà còn trao cho mỗi học trò sự đam mê với âm nhạc, sự tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc. NSƯT Quốc Trụ từng nói: “Có người nói tôi tại sao không chọn làm một ca sỹ. Nhưng tôi không hối hận bởi khi làm thầy, tôi đã làm tốt công tác đào tạo trao truyền kiến thức cho học trò để thay mình biến ước mơ được đứng trên sân khấu hát thật hay”.
Là người sáng lập ra Khoa Thanh nhạc thuộc Nhạc viện TPHCM từ năm 1976 và giữ chức trưởng khoa tới 16 năm, NSƯT Quốc Trụ luôn giữ quan niệm ca sỹ trước hết phải có nền tảng kiến thức về âm nhạc thì mới có thể phát triển sự nghiệp. Ca sỹ, Nhạc sỹ Jimmii Nguyễn kể, khi anh trao đổi với NSƯT Quốc Trụ, thầy đã nói với anh: “Theo ý kiến của tôi, pop-rock, rap hay cổ điển, điều trước tiên là phải có cơ bản”.
Theo Jimmii Nguyễn, những ngôi sao hàng đầu của âm nhạc Việt Nam, từ trong nước như NSƯT Thanh Thuý, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Cao Minh, Nam Khánh… hay tới hải ngoại là những Quang Thành, Thế Sơn… đều đi theo tâm nguyện của thầy, phải có nền tảng âm nhạc trước khi phát triển sự nghiệp. Và dù thị trường âm nhạc luôn có những thay đổi, biến động với những xu thế mới thì các ca sỹ có nền tảng âm nhạc vẫn đứng vững, phát triển sự nghiệp ổn định.
Đêm hào quang của người thầy
Hơn 50 năm theo sự nghiệp âm nhạc nhưng mãi tới năm 2015, NSƯT Quốc Trụ mới có được 1 đêm nhạc dành cho riêng mình. Đêm nhạc do Nhạc viện TPHCM và học trò thân thiết tổ chức để tôn vinh Thầy, người đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng và tâm huyết để nuôi dưỡng bao thế hệ ca sỹ.
Lần đầu tiên có đêm nhạc của riêng mình, NSƯT Quốc Trụ tâm sự rằng khi đứng trên sân khấu, ông cảm thấy dạt dào cảm xúc, khát vọng biểu diễn lại tràn về mãnh liệt. Bởi khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, ông đã có ước mơ trở thành nghệ sĩ biểu diễn. Quốc Trụ là một trong những nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam, có đủ các yếu tố để tỏa sáng như chất giọng, ngoại hình và niềm say mê. Nhưng sau 7 năm du học thanh nhạc ở Bulgaria, ông chấp nhận lui về làm công tác giảng dạy. Lý do theo ông là trân trọng tình cảm và sự ưu ái đất nước đã dành cho mình và muốn truyền niềm khát vọng đó vào với những đôi mắt của những học sinh.
Đêm đó, dù đã ở tuổi 76 nhưng giọng ca của NSƯT vẫn còn rất khoẻ mạnh. Các nhạc phẩm kinh điển đòi hỏi người hát phải có nội lực cao như Aria Fiesco; Chiều hải cảng; Hò kéo thuyền trên sông Volga… được NSƯT Quốc Trụ thể hiện hoàn hảo. Lần đầu tiên trong đêm nhạc của riêng ông, những tiếng vỗ tay vẫn vang dội. Bao năm “chèo đò” đưa học trò tới với ánh hào quang sân khấu, giờ ông đã toả sáng với ánh hào quang của riêng mình. Và những học trò nhiều thế hệ của NSƯT Quốc Trụ như NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Bùi Duy Tân, Cao Minh, Quốc Việt, Quốc Dũng, Khánh Trang, Phạm Trang, Ngọc Thúy, Ngô Công Lâm… cùng hoà giọng, giúp cho ánh hào quang thêm rực rỡ.
Ca sỹ trẻ Ngọc Thuý, một trong những học trò của Quốc Trụ kể: “Thầy luôn cười rất hiền. Lần đầu tiên gặp tôi, thầy hỏi quê ở đâu rồi dặn dò cố gắng học, đừng bỏ học giữa chừng để thầy buồn! Thầy đã dạy cho tôi không chỉ những kiến thức âm nhạc, mà còn trong cách sống, đối nhân xử thế từ chính nhân cách của thầy. Nhờ thầy mà tôi có được ngày hôm nay”, Ngọc Thuý cho biết.