Cận kề ngày Tết trung thu, chúng tôi sẽ có một số bài viết chia sẻ về những kỉ niệm tuổi thơ, về ngày trung thu của một số sao Việt và mở đầu là NSƯT Minh Vượng.
“Trẻ em bây giờ sướng quá vì được sự yêu thương của ông bà cha mẹ và cuộc sống bây giờ không khốn khó như ngày xưa. Các con có đồ chơi điện tử rồi điện thoại, ipad… Bánh trung thu cũng có đủ các loại của các hãng. Một năm có một mùa trung thu thì ông bà, bố mẹ dành nhiều yêu thương, chiều chuộng. Nhưng chúng ta cần nhắc nhở người lớn chú ý trong các trò chơi bạo lực cho con trẻ. Bởi vì ngay từ nhỏ con đã được tiếp cận với trò chơi bạo lực mà không có sự dạy bảo đến nơi đến chốn thì dễ in hằn trong trí nhớ trẻ thơ và gây sự lệch lạc trong hình thành tính cách.
Với tuổi của tôi, những người từ 55 đến trên 60, kể cả ông bà mình trước đó thì làm gì có trò chơi gì. Ngày xưa, niềm vui tuổi thơ chỉ có từ cái súng bẹ chuối, từ pháo đất đến những lá khoai lang làm thành hoa tai… Hay những trò chơi đồng dao như: rồng rắn lên mây, ô ăn qua…
Mọi người hay hỏi tôi, tại sao lớn rồi còn chơi thú bông. Bởi vì tuổi thơ của mình không có đồ chơi, bố mẹ không có tiền để mua, bản thân đồ chơi ngày ấy cũng không phong phú như bây giờ. Thế nên, về già có điều kiện thì mình chơi thú bông để nhớ một thời tuổi thơ thiếu thốn, gian khó.
Nhưng để nhớ về trung thu ngày xưa thì nó hay lắm! Mặc dù ngày ấy không có bánh trái nhưng tôi nhớ nhà nào có cái đèn ông sao (hay còn gọi là đèn ông sư) 3 cánh, nó dễ thương lắm. Hồi ấy, trẻ con đón trăng nó cũng trân trọng lắm. Gia đình, con trẻ quần tụ ở một mảnh sân, trải chiếc chiếu ra rồi ngồi chơi bịt mắt bắt dê, rồi một vài cái trống ếch gõ tom tom. Các bạn tự phát, tự hát. Nó rất là cảm động cơ. Bố mẹ cũng không có gì nhiều cho con nhưng bố mẹ, ông bà cũng quây quần dưới ánh trăng để cùng đón trăng với các con.
Ngày ấy đâu có mặt nạ đâu. Chúng tôi lấy một tờ bìa rồi vẽ lên đó theo tưởng tượng và sở thích của mỗi người rồi lấy một cái dây gai chứ chẳng có dây chun đâu để buộc vào rồi đeo lên mặt. Còn ông địa được tạo ra bằng cách lấy quần áo nhét vào bụng rồi lấy dây buộc lại, tay cầm cái quạt nan. Cứ thế nhảy múa dưới trăng là vui lắm rồi.
Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi. Ngày đó, bánh nướng, bánh dẻo đâu có được bán nhiều như bây giờ. Tôi nhớ, lúc ấy tôi khoảng 4 tuổi thôi, tôi được ăn 1/8 miếng bánh dẻo nó ngon mà tôi nhớ mãi. Mà bột mỳ ngày ấy đâu có trắng như bây giờ, nó nâu nâu cơ. Khi ăn miếng bánh vào miệng nó ngon và rất thơm.
1 tháng sau, tôi thấy bánh xà phòng mà mẹ tôi cắt nhỏ ra để giặt quần áo. Khi nhìn thấy bánh xà phòng được cắt bằng 1/4 như miếng bánh dẻo, tôi đã tưởng là bánh trung thu nên đã cắn luôn một miếng và nhai. Nhai rồi tôi phải nhè vội ra vì không phải bánh dẻo. Và tôi nhớ mãi cảm xúc đó. Như thế có thương không! Vì thèm quá và nhớ 1 tháng trước mình được ăn miếng bánh ngon nên đã ăn nhầm bánh xà phòng.
Cứ nhắc đến trung thu là trong đầu tôi nhớ về kỉ niệm cắn nhầm bánh xà phòng!”
Trung thu cách đây 50 năm với trung thu bây giờ nó khác nhau một trời một vực. Nhưng với tôi, dù quá khứ thiếu thốn đủ mọi thứ, vật chất không có gì nhưng tôi vẫn thấy đẹp long lanh. Trẻ con ngày xưa hiền lắm. Chỉ từ một vài lá cây, ngọn cỏ cũng tưởng tượng ra để nấu cơm, nấu canh. Rồi từ một mảnh khăn mùi xoa nhỏ giả làm em bé để ôm vào lòng, hát ru. Ngày xưa, chúng tôi đã có những kỉ niệm thật đẹp.
Bây giờ mừng cho các con khi vật chất được dư giả. Các con được sống đúng nghĩa học và chơi”.
NSƯT Minh Vượng chia sẻ thêm, trung thu năm nay cũng giống thường niên, chị đang chuẩn bị để biểu diễn trong các đêm đón trăng cùng các bé. Bên cạnh đó, chị vẫn phải đóng phim, đi dạy.
Có thể nói, Minh Vượng là một trong những nghệ sĩ khá đặc biệt của làng giải trí Việt. Chị có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đó là cách báo chí, người hâm mộ tự thấy ái ngại mà gắn cho chị. Tiếp xúc với NSƯT Minh Vượng mới thấy, chị luôn tràn đầy tinh thần sống vui và cống hiến.
Hầu hết các cuộc phỏng vấn tôi đều phải đợi để chị sắp xếp bởi khi thì chị đang dạy, khi thì chị bận diễn, khi lại vướng lịch quay phim. Và mỗi lần gặp làm việc hay trao đổi qua điện thoại đều không quá một tiếng bởi chị không có thời gian dư dả. Như thế, nói “Minh Vượng tuổi già không nơi nương tựa và bệnh tật dầy vò” khiến Minh Vượng bực mình là phải.
NSƯT Minh Vượng nhiều lần nhấn mạnh chị là người sống lạc quan, yêu đời, yêu nghề. “Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại với người thân và nhiều bạn bè yêu quí quanh tôi. Tôi sống và tự hào vì những điều tôi đang có”- NSƯT Minh Vượng tâm sự.